Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 21:21 (GMT +7)
“Thỏi nam châm” thu hút đầu tư
Thứ 3, 06/06/2023 | 08:50:56 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, Quảng Ninh được đánh giá là “mảnh đất vàng” thu hút các nguồn lực đầu tư. Xác định nguồn vốn đầu tư FDI không chỉ đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh, mà còn thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Quảng Ninh đã tăng tốc ngay từ đầu năm 2023 để đảm bảo hoàn thành thu hút vốn đầu tư FDI ít nhất 1,2 tỷ USD trong năm.
“Hút” dòng vốn đầu tư
Với lợi thế về địa lý, giao thông, hạ tầng, ngay từ những tháng đầu năm 2023, thu hút đầu tư của Quảng Ninh đã có sự khởi sắc với nhiều dự án đầu tư FDI được triển khai trên địa bàn.
Mở đầu cho năm là dự án Phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong được khởi công xây dựng trong tháng 1/2023 với tổng diện tích quy hoạch 7,4ha tại KCN Bắc Tiền Phong. Dự án có tổng mức đầu tư 20,5 triệu USD. Mục tiêu là xây dựng hệ thống nhà xưởng và nhà kho xây sẵn chất lượng cao để phục vụ cho các dự án sản xuất, kinh doanh tại KCN Bắc Tiền Phong. Qua đó góp phần tạo thêm lợi thế của KCN này trong việc thu hút đầu tư.
Ngay sau đó, giữa tháng 2/2023, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW (ngày 23/11/2022) của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và đảm bảo QP-AN vùng đồng bằng sông Hồng, tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Sản xuất sản phẩm khóa chốt và dập định hình Boltun (Boltun Việt Nam) cho 2 nhà đầu tư Đài Loan (Công ty Bottun Corporation và Công ty QST International Corporation). Đây là những nhà cung cấp khóa chốt cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Dự án có vốn đầu tư 165 triệu USD.
Ở dự án này, nhà đầu tư sẽ xây dựng nhà máy trên khu đất rộng 35,27ha tại KCN Bắc Tiền Phong. Dự án sẽ được thực hiện thành 2 giai đoạn, với tổng công suất thiết kế 60.000 tấn/năm. Giai đoạn 1 dự kiến sẽ được khởi công xây dựng vào quý II/2023, sau khi nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định.
Tiếp đó, trong tháng 3, tại KCN Bắc Tiền Phong, Công ty TNHH Indochina Kajima (Liên doanh Indochina Capital và Tập đoàn Kajima - Nhật Bản) đã tổ chức lễ khởi công dự án Core5 Quảng Ninh. Dự án có quy mô đầu tư 69.000m2 nhà xưởng xây sẵn đạt tiêu chuẩn quốc tế để cho thuê. Diện tích nhà xưởng từ 2.835m2 đến 18.194m2. Mỗi nhà xưởng sẽ được trang bị khu vực văn phòng và các tiện ích cần thiết, hệ thống PCCC trong khu vực nhà máy, khoang chứa hàng khô, bãi đậu xe ô tô và xe máy.
Cũng trong tháng 3, Ban Quản lý KKT tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 80 triệu USD, gồm: Dự án Sản xuất vành xe bằng hợp kim luyện nhẹ thông minh tại KCN Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên), vốn đầu tư 55 triệu USD, chủ đầu tư là Công ty TNHH Xiamen Sunrise Group; dự án Nhà máy Lioncore Việt Nam 2 tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên), vốn đầu tư 15 triệu USD, chủ đầu tư là Công ty TNHH Công nghiệp Lioncore Việt Nam; dự án Sản xuất dây đai an toàn ô tô tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên), vốn đầu tư trên 10 triệu USD, chủ đầu tư là Công ty TNHH Samsong Vina. Đây đều là các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao.
Ông Đặng Minh Đức, Phó Tổng giám đốc DEEP C Việt Nam, cho biết: Với sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ sát sao của tỉnh Quảng Ninh, dự án thứ cấp đầu tiên được khởi công xây dựng tại KCN Bắc Tiền Phong ngay từ đầu năm là tín hiệu đáng mừng, mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào KCN trong năm 2023. Chúng tôi đang tập trung nguồn lực chuẩn bị mặt bằng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xúc tiến thu hút đầu tư hạ tầng cảng và dịch vụ cảng... Năm nay, chúng tôi phấn đấu thu hút được 14 nhà đầu tư thứ cấp triển khai dự án tại KCN.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Với phương châm luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư và gắn bó với địa phương, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực hoàn thiện các quy hoạch, tạo sự minh bạch và điều kiện tiếp cận thông tin nhanh chóng, thuận lợi về thủ tục hành chính, đất đai, GPMB, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, ưu tiên các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Đồng thời, luôn đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp.
Xác định nguồn vốn đầu tư FDI không chỉ đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh, mà còn thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, để hoàn thành mục tiêu thu hút 1,2 tỷ USD trong năm 2023, tỉnh đã xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư cho cả năm. Trong đó, tập trung nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; xây dựng hình ảnh, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư; hỗ trợ hướng dẫn, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư... Đồng thời, xây dựng Bộ tiêu chí thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện tài liệu xúc tiến đầu tư số gồm: Bản đồ KKT, KCN, quy hoạch sử dụng đất; bản đồ số...
Tỉnh đang tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới, nâng cao hoạt động xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính...
Đáng chú ý, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, gặp gỡ, trao đổi với nhà đầu tư, nhằm kịp thời nắm bắt, lắng nghe và tháo gỡ vướng mắc trong quá trình đầu tư. Tỉnh cũng ưu tiên tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm; thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ phụ trợ; bám sát định hướng không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị.
Cùng với đó, chú trọng tập trung thu hút các nhà đầu tư: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, châu Âu... đảm bảo đúng định hướng phát triển. Từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh đón nhiều tổ chức kinh tế đến làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Cụ thể, đoàn công tác của Ban Xúc tiến đầu tư KKT TP Thường Châu (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư và cơ hội đầu tư tại KCN Cảng biển Hải Hà; đoàn công tác của Đại sứ quán Singapore, của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCharm) và của doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng đã đến làm việc, tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh và các KCN, KKT trên địa bàn…
Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long, cho biết: Với những tiềm năng nổi trội, chính sách thông thoáng, cùng sự hỗ trợ, đồng hành của tỉnh, Quảng Ninh luôn là một trong những lựa chọn hàng đầu của Tập đoàn Amata khi nghiên cứu đầu tư tại Việt Nam. Thời gian tới, chúng tôi rất mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của tỉnh trong việc hỗ trợ nguồn lao động, quỹ đất sạch và ổn định nguồn năng lượng để đảm bảo cho hoạt động sản xuất.
Bằng những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, năm 2022 Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu PCI. Đây là năm thứ 6 liên tiếp tỉnh giữ vị trí quán quân, 10 năm liền (2013-2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước, 7 năm đạt mức tăng trưởng 2 con số.
Thu Trang - Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()