Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:57 (GMT +7)
Người Việt cổ ở Quảng Ninh thời đại Hùng Vương
Chủ nhật, 12/02/2023 | 15:24:01 [GMT +7] A A
Thời đại kim khí mà đỉnh cao là Văn hoá Đông Sơn là một trong những giai đoạn phát triển rực rỡ của lịch sử Việt Nam. Các dấu tích khảo cổ đã chứng minh Quảng Ninh giai đoạn đó là một trong các “nôi văn hoá” phát triển, gắn kết chặt chẽ với thời đại Hùng Vương.
Cùng giai đoạn với Văn hoá Hạ Long, các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu tích cư trú của người Việt cổ tương tự ở vùng núi phía Bắc là Văn hóa Mai Pha (Lạng Sơn) và Hà Giang (Hà Giang, Tuyên Quang), Bàu Tró (Quảng Bình), Văn hóa Lung Leng (Kon Tum), Biển Hồ (Gia Lai) và Buôn Triết (Đắk Lắk - Đắk Nông) và xa hơn là vùng Hoa Nam (Trung Quốc). Cho đến giai đoạn phát triển cực thịnh, cư dân cổ Văn hoá Hạ Long đã phân bố khá rộng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày nay, tập trung chủ yếu ở ven biển và các đảo trên Vịnh Hạ Long.
Khái niệm thời đại kim khí chính là chỉ giai đoạn lịch sử Việt Nam kéo dài khoảng 3.500 năm - 2.000 năm cách ngày nay (chi tiết hơn, các nhà khảo cổ còn chia ra các giai đoạn hậu kỳ kim khí, sơ kỳ đồ sắt). Đây là giai đoạn tiếp nối hậu kỳ đá mới của người Việt cổ với những truyền thuyết chinh phục tự nhiên, chống giặc ngoại xâm và nhất là sáng tạo ra một nền văn hoá mang dấu ấn rõ nét trong lịch sử dân tộc.
Giữa năm 1997 và đầu năm 2018, Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Viện Khảo cổ học có hai cuộc khai quật di chỉ núi Đầu Rằm. Đây là hai dãy núi đá vôi nằm gần đối nhau như cung lông mày (nên dân gian gọi núi Đầu Rằm) thuộc xã Hoàng Tân (nay thuộc TX Quảng Yên), tiếp giáp Vịnh Hạ Long. Khai quật trên diện tích hơn 100m2 thuộc lưng chừng và dưới chân núi, các nhà khảo cổ đã thu được nhiều hiện vật. Về đồ đá có rìu đá, bàn mài, vòng tay, khuyên tai. Đồ gốm có các mảnh vò, nồi, “chì lưới”. Đồ đồng có giáo, lao, lưỡi câu các kích cỡ.
Từ thực địa và kết quả khai quật, các nhà khảo cổ đã làm rõ Đầu Rằm là điểm cư trú của cư dân Việt cổ với hai giai đoạn diễn tiến văn hóa: Giai đoạn sớm cách ngày nay khoảng 3.300 năm và giai đoạn muộn cách ngày nay khoảng 2.700 năm. So với giai đoạn trước đó, đến thời điểm này, người Việt cổ ở Quảng Ninh khi đó đã có những phát triển vượt bậc về phương thức sống, kỹ thuật chế tác rèn công cụ, vũ khí, công cụ săn bắn. Họ đã tiếp nối tổ tiên sống dựa vào khai thác biển. Ngoài hái lượm, họ đã săn bắt cá, thú. Bằng chứng là trong các di vật đã phát hiện nhiều “chì lưới” bằng đất nung, mũi lao bằng xương, các loại lưỡi câu bằng đồng. Họ đã săn các loài thú, đặc biệt, qua các tàn tích thức ăn cho thấy rùa là một trong các món ăn khoái khẩu của cư dân cổ Đầu Rằm. Đồng thời, qua đó cũng cho thấy môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long vào thời gian ấy phong phú, đa dạng mức nhường nào.
Trong kỹ thuật chế tác, người Việt cổ ở Đầu Rằm đã phát triển đến mức đỉnh cao các kỹ thuật khoan, mài đá ngọc Nephrit để chế tác các vòng, hạt chuỗi đeo cổ, chân, tay. Họ đã giao thoa văn hoá với cư dân Việt cổ ở các vùng, nhất là vùng Đồng bằng Sông Hồng để chịu ảnh hưởng trong chế tác đồ gốm, đồ đá, trao đổi hàng hoá đồ đồng, kể cả trong tín ngưỡng, tâm linh.
Năm 2004, một cuộc khai quật khảo cổ tiếp theo đã được thực hiện ở núi Hòn Hai (sau Đài liệt sĩ tỉnh, TP Hạ Long), qua đó đã phát hiện điểm cư trú tương đồng của người Việt cổ thứ hai thời hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí ở Quảng Ninh. Cho tới nay, đây vẫn là hai địa điểm điển hình của thời đại kim khí ở Quảng Ninh. Cả hai di tích đều đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào các năm 2005 (với di tích Hòn Hai) và 2012 (với di tích Đầu Rằm).
Kết quả nghiên cứu, khai quật Đầu Rằm, Hòn Hai là minh chứng cho thấy quá trình cư trú của người Việt cổ ở Quảng Ninh là một sự tiếp nối liên tục. Họ vẫn sống dựa vào biển như tổ tiên mình, lấy biển làm phương thức sống chính và là đề tài sáng tạo văn hoá của mình.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()