Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:20 (GMT +7)
"Thơ viết về mùa xuân trên vùng đất Quảng Ninh kết tinh từ những cảm xúc nồng nàn"
Chủ nhật, 13/02/2022 | 15:36:23 [GMT +7] A A
Quảng Ninh đang đón chào một mùa xuân mới trong niềm hân hoan của đất trời và lòng người. Mùa xuân cũng gợi cho con người nhiều cảm xúc thi ca, những vần thơ vì thế mà cũng nảy nở trong tâm hồn người nghệ sĩ. Mùa xuân này, những người con Quảng Ninh càng thêm tự hào phấn khởi trước sự phát triển và đổi thay từng ngày của quê hương. Cảm xúc đó đã khơi nguồn sáng tạo cho nhiều tác giả sáng tác nên những vần thơ tự hào và ngợi ca.
Chào mừng Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 20, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn cô giáo Bùi Đào Quỳnh Hương (Trường THPT Chuyên Hạ Long), anh Đỗ Văn Đạt (sinh viên Khoa Văn hóa, Trường Đại học Hạ Long) và em Phạm Khương Duy (học sinh Trường THPT Cẩm Phả, giải ba cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc Việt Nam năm 2021).
- Cám ơn bạn đã tham gia phỏng vấn. Như các bạn đã biết, trong bài thơ "Vội vàng", nhà thơ Xuân Diệu đã viết rất hay về mùa xuân và tháng Giêng. Là sinh viên ngành văn hóa, Đạt đã tìm hiểu về điều này như thế nào?
+ Sinh viên Đỗ Văn Đạt: Qua bài giảng của các thầy cô, qua sách báo, chúng em được biết rằng tháng Giêng là tháng con Hổ. Tháng mà 3 khí dương của trời cân bằng với 3 khí âm của đất. Do đó, tháng Giêng cũng là tháng khởi đầu của con người nên các cụ mới có câu rằng “Nhân sinh ư Dần”. Vì không ai khác chính con người là sự giao hòa cân bằng giữa trời và đất, giữa âm và dương. Hình ảnh ông hổ trong truyền thống biểu trưng cho sức mạnh, quyền uy và sự dũng mãnh. Trong tín ngưỡng dân gian của chúng ta, thì ông hổ là một linh vật được sùng bái và tôn thờ lại một số nơi như đền, điện, phủ để bảo vệ, trấn giữ, trị vì ngũ phương và vạn vật có trật tự. Và hình ảnh của năm Nhâm Dần chính là sự phú quý, thịnh vượng và thăng tiến.
- Cảm ơn bạn Đạt. Trở lại bài thơ "Vội vàng", có một hình tượng rất đẹp đó là cặp môi gần như cây cầu gắn kết 2 trái tim yêu. Cô giáo Bùi Đào Quỳnh Hương ý kiến gì về vấn đề này?
+ Cô giáo Quỳnh Hương: Đúng là như vậy, quả thực tình yêu chính là cây cầu kết nối rất nhiều bến bờ với nhau và tôi cho rằng, không có thời khắc nào phù hợp để nói về tình yêu hơn mùa xuân. Đó là khi thiên nhiên cũng rạo rực, quấn quýt; tình yêu của con người giao hoà với tình yêu của thiên nhiên đất trời và cảnh sắc quê hương. Nhìn đâu ta cũng thấy, mùa xuân chính là mùa yêu.
- Nếu nhìn 2 vùng đất đôi bờ Cửa Lục như cặp đôi một bên là rừng xanh một bên là biển biếc luôn khao khát hướng về nhau. Và những cây cầu vắt ngang Cửa Lục sẽ hiện thực hóa tình yêu đôi bờ. Những ngày vừa qua, nhiều tác giả thơ của Quảng Ninh đã rung cảm trước vẻ đẹp của đôi bờ Cửa Lục đó và đặc biệt là tự hào vì cây cầu mới nối đôi bờ. Qua những vần thơ ấy, cô giáo Quỳnh Hương ấn tượng với bài thơ nào nhất?
+ Cô giáo Quỳnh Hương: Những bài thơ viết về cầu Tình Yêu của Quảng Ninh rất giàu xúc cảm khiến tôi nhớ đến rất nhiều những cây cầu tình yêu nổi tiếng trên thế giới, ở Pháp, Đức, Ý, Hàn Quốc, hay cây cầu tình yêu ở chính Đà Nẵng, Việt Nam ta. Điểm chung giữa những cây cầu này là những chiếc khoá được các cặp tình nhân khắc tên và khóa lại trên cầu, như để lưu giữ tình yêu của mình thật lâu bền. Cầu Tình Yêu ở Quảng Ninh của chúng ta lại có điểm đặc biệt hơn: Cái tên Tình Yêu không chỉ gợi tình cảm lứa đôi, mà rộng hơn là sự gắn kết giữa hai vùng đất, là cây cầu tình thân dẫn lối cho hai anh em núi Mằn và núi Bài Thơ trở về bên nhau. Những cây cầu đặc biệt là vì thế, chúng luôn gợi nhắc đến sự kết nối, gặp gỡ, đoàn tụ.
- Vậy còn cảm nhận của Phạm Khương Duy thì sao?
+ Học sinh Phạm Khương Duy: Em đã đến thăm cầu Tình Yêu và nhận ra đây là một công trình rất đẹp đặt trong một không gian rất lãng mạn. Là một học sinh em cảm nhận những tác giả viết thơ về cầu Tình Yêu có một hồn thơ rất lãng mạn bay bổng. Những bài thơ ấy đều có thiên hướng cảm xúc về tình yêu đôi lứa. Bản thân là một người trẻ yêu thích thơ ca, lại được sống trong một giai đoạn phát triển mới của quê hương đất nước, em cảm thấy rất tự hào. Những bài thơ nói về cầu Tình Yêu về mùa xuân tuổi trẻ, về mảnh đất mà em đang sinh sống, học tập. Những công trình mới tầm cỡ như cầu Tình Yêu làm em rất đỗi tự hào về sự đổi thay của quê hương. Mong rằng trong năm mới, tỉnh nhà nói riêng và đất nước nói chung sẽ có thêm nhiều công trình tầm cỡ hơn nữa.
- Còn Đạt, bạn có thể chia sẻ thế nào về cảm xúc của mình?
+ Sinh viên Đỗ Văn Đạt: Mỗi bài thơ đều đem đến cho em những xúc cảm rất riêng. Qua những vần thơ em đã mường tượng ra vẻ đẹp, không gian kì vĩ và sự yêu thương, niềm tự hào của người dân Quảng Ninh về công trình giao thông mang nhiều dấu ấn này.
- Là giáo viên dạy văn, qua theo dõi dòng chảy văn học Quảng Ninh, trong số những bài thơ xuân, cô giáo Quỳnh Hương thích nhất bài thơ xuân của tác giả nào nhất?
+ Cô giáo Quỳnh Hương: Tôi ấn tượng với bài thơ Cầu tình yêu quê mình của tác giả Lê Thị Thu Hương. Có thể nói rằng đây là một bài thơ hài hoà cả về mặt ngôn từ, hình ảnh và cảm xúc, với sự xuất hiện của cầu tình yêu trong mối giao hòa với cả vùng đất quê hương đang đổi mới, với cả mùa xuân rực rỡ và đầy ý vị. Ngay từ hai câu đầu đã gây chú ý với bạn đọc: Xuân này về với quê ta/ Dòng sông Cửa Lục bung hoa lưng trời...
- Qua bài thơ vừa rồi, Đạt cảm nhận như thế nào từ góc nhìn của một sinh viên ngành văn hóa?
+ Sinh viên Đỗ Văn Đạt: Khi nghe bài thơ rất hay, rất tình cảm vừa rồi, em đã nhớ đến học phần Địa chí Quảng Ninh mà em đã được học. Ở đó, mỗi địa danh của Quảng Ninh đều mang một câu chuyện về lịch sử, một dấu ấn về văn hóa và khí chất hào sảng của con người nơi đây.
- Là người được giải cao của cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc quốc gia từ một bài thi viết tiếp tác phẩm văn học, bây giờ, nếu đề bài là viết tiếp bài thơ của tác giả Lê Thị Thu Hương thì Khương Duy sẽ viết thế nào?
+ Học sinh Phạm Khương Duy: Quả là một câu hỏi hay nhưng cũng hơi khó. Sau khi đến cầu Tình Yêu, lại được đọc một số bài thơ viết về cây cầu này nhất là thơ của tác giả Lê Thị Thu Hương thì em tin rằng không chỉ riêng em mà nhiều người đều tức cảnh sinh tình để làm thơ. Em cũng xin mạnh dạn viết tiếp mấy câu thế này: “Biển trời rộng lớn bao la/ Mùa xuân say đắm nở hoa lòng người/ Chân trời đem đến nụ cười/ Khiến cho đôi lứa vui tươi rạng ngời/ Cầu Tình Yêu đó em ơi/ Đôi bờ Cửa Lục biển trời quê hương”.
- Những câu thơ ứng khẩu rất trẻ của Khương Duy. Đạt có nghĩ gì về điều này sau khi lắng nghe bài thơ trên?
+ Sinh viên Đỗ Văn Đạt: Em thật ngưỡng mộ tài năng của Khương Duy, những câu thơ vừa rồi mang đến một làn gió mới, một tinh thần tươi trẻ và hứa hẹn những chủ nhân tương lai sẽ xây dựng quê hương Quảng Ninh ngày một giàu đẹp hơn nữa.
- Quỳnh Hương, bạn có đồng cảm với những chia sẻ đó không? Và bạn đánh giá thế nào về thơ xuân Quảng Ninh, đặc biệt là thơ xuân viết về tình yêu, tuổi trẻ và quê hương đổi mới?
+ Cô giáo Quỳnh Hương: Điều làm tôi vô cùng thích thú và xúc động khi đọc những bài thơ xuân Quảng Ninh, đó là sự kết nối tinh tế và sâu sắc giữa cảnh vật và cảm xúc, giữa tình yêu riêng tư, thầm kín với tình yêu rộng lớn, bao la; giữa quá khứ - hiện tại và tương lai. Bài thơ nào cũng nồng nàn tình yêu, niềm tự hào và lạc quan trước khung cảnh quê hương đón mùa xuân mới. Và tôi tin, đó là những cái nhìn chân thành nhất, nồng nàn nhất của người Quảng Ninh viết về mùa xuân trên vùng đất Quảng Ninh.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của các bạn. Chúc các bạn một mùa xuân an vui, hạnh phúc và nhiều cảm hứng sáng tạo mới.
Phạm Học (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()