Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 04:52 (GMT +7)
Thơ về thợ mỏ, thợ mỏ làm thơ
Chủ nhật, 25/09/2016 | 06:41:57 [GMT +7] A A
Công việc và đời sống của người thợ mỏ luôn lấp lánh chất thơ. Không chỉ những nhà thơ chuyên nghiệp mới khai thác đề tài này, mà chính những người thợ mỏ cũng cầm bút viết về mình.
Có một số nhà thơ không sống ở Quảng Ninh nhưng có những bài thơ hay viết về thợ mỏ như: Nguyễn Bùi Vợi, Thanh Tùng, Thi Hoàng, Trần Ninh Hồ, Bùi Kim Anh v.v.. Nhà thơ Trần Ninh Hồ có hơn chục bài thơ viết về Vùng mỏ, về người thợ; bài nào cũng ngắn gọn nhưng vang vọng. Ông viết về công việc của người thợ mỏ như một cuộc viễn du: “Có những cuộc viễn du tính bằng vạn dặm núi rừng/ Vạn dặm trời mây; vạn lý sóng nước/ Người thợ lò chỉ dám tính cuộc viễn du của mình bằng tấc, thước/ Vào thẳm sâu lòng đất dễ dàng chi”. Nhà thơ Bùi Kim Anh lại có phát hiện khác về công việc của người thợ: “Tổ quốc cụ thể trong lòng tay/ Tổ quốc bí ẩn trong hầm sâu nghiêng trong lòng giếng/ khi người thợ lò chỉ nhận ra thân quen từ chớp mắt sáng/ và khi ở những nơi trong giấc mơ cũng chưa tới được/ có sóng có gió có thăm thẳm lòng đất và xa xăm lòng biển”.
Một số tập thơ của thợ mỏ được xuất bản trong thời gian gần đây. |
Nhưng viết về thợ mỏ một cách có bài bản và hệ thống vẫn là những nhà thơ chuyên nghiệp ở Quảng Ninh như: Yên Đức, Trần Ngọc Tảo, Trần Nhuận Minh, Thi Sảnh, Lê Hường, Mai Phương, Ngô Tiến Cảnh, Trần Tâm, Nguyễn Châu v.v.. Nếu như Thi Sảnh khái quát về bản chất của người thợ như là sự đúc kết từ thực tiễn theo cách nhìn của nhà nghiên cứu lịch sử thì Trần Ngọc Tảo viết về những người thợ mỏ đào than trong lò sâu với những trải nghiệm thấm thía của chính mình. Trong khi đó, nhà thơ Trần Nhuận Minh lại hướng ngòi bút của mình sang cảm hứng thế sự, để bám sát đời sống vất vả của họ cùng những trăn trở về nghề, về cuộc sống.
Khác với nhà thơ Trần Nhuận Minh, Trần Tâm và Trần Đình Nhân vừa là những nhà thơ chuyên nghiệp nhưng cũng là những người thợ mỏ. Trần Tâm có sáng tạo trong diễn đạt với những thủ pháp rất nghề, tinh tế trong tạo hình cho thơ. Trần Tâm thể hiện cái nhìn sâu sắc của người trong cuộc: “Người thợ gặp khó khăn không muốn nói/ Bận rộn cùng nhau bàn chuyện làm ăn/ Nhường nhịn sẻ chia chấp nhận gian nan/ Như đã cùng đất đai sống chết/ Như đã cùng hòn than máu thịt/ Yêu kiệt cùng từng hộc đá rễ cây/ Cho con đường rầm rập sắc than bay”.
3 lần được giải thưởng văn học viết về công nhân, Trần Đình Nhân là người bền bỉ theo đuổi mảng đề tài này. Ông bảo: Những trang sáng tác về người thợ mỏ mà không thấy được đâu là nỗi lo toan, vất vả, lam lũ, cực nhọc của họ, đâu là cái dữ dằn của nắng, của mưa, của gió, của rét đến bợt bạt và thâm tím mặt người ở một vùng đất... thì những tác phẩm đó có thể nói là chưa chạm được đến bản chất đích thực của cuộc sống người thợ mỏ, những người “Luôn phải ngược chiều gió/ Mở vách những đường lò/ Luôn phải ngược chiều gió/ Với tiếp tầm moong sâu/ Thợ mỏ/ Chưa bao giờ dừng bước/ Ngay giữa chiều bão giông...”. Sự vất vả, lam lũ như đã ngấm vào máu, vào hơi thở và đã thành ý chí, thành tinh thần bất khuất của người thợ mỏ.
Trần Tâm và Trần Đình Nhân chỉ là 2 trong số rất nhiều những người làm thơ xuất thân từ thợ mỏ. Có thể kể ra những cây bút như: Ngô Xuân Hội, Đào Ngọc Vĩnh, Nguyễn Ngọc Sính, Đỗ Chí Dũng, Thế Bình, Trần Văn Khiêm, Phạm Văn Đại, Đức Doanh, Vũ Thế Hùng, Đặng Quang Long, Nguyễn Nghiêm, Lê Xuân Nguyện, Nguyễn Đình Thái, Phạm Công Hương, Phạm Đăng Kim, Nhật Tân, Hữu Xuân, Huy Tương, Trần Thưởng, Tiến Ngọc, Trần Luyến, Quang Tề v.v.. Thơ của họ thể hiện tâm tình về lòng yêu nghề, về tình đồng nghiệp, về ý thức xây dựng đất nước qua những vần thơ. Vì thế, đôi chỗ có những chữ, những câu, những bài hơi vụng nhưng đều là những niềm xúc động chân thành về công việc, về cuộc đời của người trong cuộc.
Nhà thơ Nguyễn Châu cho rằng, văn xuôi viết về thợ mỏ thì nhiều và có không ít tác phẩm hay nhưng chưa có thơ thực sự hay viết về người thợ. Cái lỗi này thuộc về người cầm bút. Có lẽ do người cầm bút chưa thực sự đi sâu vào đời sống của người thợ, chưa thấm thía, cảm nhận hết những vất vả lo toan của công nhân.
Còn về kỹ thuật làm thơ, nhà thơ Trần Ninh Hồ cho rằng, khi viết về người thợ, hãy chọn thơ tứ tuyệt bởi tứ tuyệt như than tinh tuyển, cô đọng nhưng lại có sức lan toả. Làm thơ tuyển chữ như than tinh tuyển vậy, có khi chỉ cần một cân thôi nhiệt lượng toả ra cũng bằng cả tạ than bùn. Đừng vì cẩu thả mà làm ra những bài thơ non, không “già lửa”.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()