"Chính phủ Israel đã xem thường những giá trị nền tảng của liên minh, vì thế không thể tiếp tục giữ quan hệ đối tác với NATO", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại họp báo ngày 11/7 ở Washington, sau khi kết thúc kỳ hợp thượng đỉnh NATO.
Liên minh quân sự NATO có 32 nước thành viên, song cũng có cơ chế hợp tác với nhiều nước ngoài khối lẫn các tổ chức quốc tế khác, được gọi là mô hình "đối tác NATO". Israel thiết lập quan hệ đặc biệt với NATO từ năm 1989 và xây dựng quan hệ đối tác với NATO từ năm 1995 thông qua cơ chế Đối thoại Địa Trung Hải.
Ông Erdogan nhấn mạnh mọi dự định hợp tác giữa NATO và Israel là "không thể chấp nhận được" khi cân nhắc tình hình xung đột tại lãnh thổ của người Palestine, trong đó có Dải Gaza. Ông chỉ trích chính phủ Israel đang theo đuổi các chính sách "mở rộng và liều lĩnh", đe dọa an ninh của "chính người dân Israel lẫn toàn bộ khu vực Trung Đông".
"Cho đến khi hòa bình toàn diện và bền vững được thiết lập ở Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chấp thuận bất kỳ dự định hợp tác nào với Israel trong khuôn khổ NATO", ông Erdogan nói.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời kêu gọi "những thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế" bắt tay thúc đẩy giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine, dựa trên đường biên giới năm 1967.
Ông ủng hộ các nước công nhận nhà nước Palestine và tham gia gửi khiếu nại về các chính sách của Israel chống lại Palestine lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).
Tổng thống Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tham gia mọi sáng kiến để tuyên bố ngừng bắn ở Dải Gaza và tiến đến thiết lập hòa bình vĩnh viễn tại khu vực, trong đó có sáng kiến về bảo hộ an ninh.
"Tôi kêu gọi tất cả đồng minh gia tăng áp lực lên chính phủ Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Họ cần cam kết ngừng bắn và không can thiệp viện trợ nhân đạo cho nhân dân Dải Gaza, vốn đang phải chịu đói suốt 9 tháng qua", ông nói.
Chiến sự Dải Gaza là một trong những nội dung "đốt nóng" đối thoại giữa các lãnh đạo NATO tại kỳ họp lần này ở Washington.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez hôm 10/7 cũng kêu gọi NATO đưa ra "lập trường chính trị nhất quán" về chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ảnh hưởng đến người Palestine, tổ chức hội nghị hòa bình quốc tế nhằm thúc đẩy thành lập nhà nước Palestine.
Theo Thủ tướng Tây Ban Nha, việc công nhận nhà nước Palestine là "cần thiết" cho hòa bình, nhấn mạnh động thái này "không chống lại bất kỳ ai, kể cả Israel" và là cách duy nhất để đảm bảo tương lai của hai quốc gia cùng chung sống "trong hòa bình và an ninh".
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc họp báo ngày 11/7 tuyên bố Washington sẽ không bỏ lệnh cấm chuyển giao các loại bom một tấn cho Israel, lo ngại loại vũ khí này sẽ "gây ra thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng". Mỹ ông kêu gọi Israel "chấm dứt cuộc chiến" tại Dải Gaza, song vẫn ủng hộ đồng minh "tiếp tục truy đuổi Hamas" cùng lãnh đạo cánh quân sự của tổ chức này là Yahya Sinwar.
Ý kiến ()