Phái đoàn nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ cùng đại sứ nước này tại Hà Lan hôm 7/8 đệ trình "tuyên bố tham gia" vụ kiện Israel của Nam Phi tại trụ sở Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ở The Hague.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Oncu Keceli nói rằng "vụ kiện được trình lên ICJ là vô cùng quan trọng để đảm bảo những tội ác do Israel gây ra không thể không bị trừng phạt".
"Cộng đồng quốc tế phải góp phần ngăn nạn diệt chủng và gây áp lực cần thiết với Israel cùng những người ủng hộ nước này. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nỗ lực hết sức để làm như vậy", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nói trên X.
Trong đơn kiện đệ trình lên ICJ hồi tháng 12/2023, Nam Phi cáo buộc cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng năm 1948. Tel Aviv nhiều lần chỉ trích cáo buộc này là "vô căn cứ", khẳng định chiến dịch của họ nhằm mục đích tự vệ.
Xung đột ở Dải Gaza bùng phát hồi đầu tháng 10 năm ngoái, khi Israel phát động chiến dịch đáp trả cuộc tấn công của Hamas vào miền nam nước này đầu tháng đó. Cơ quan y tế Dải Gaza cho biết gần 10 tháng giao tranh đã khiến gần 40.000 người thiệt mạng ở Gaza.
Colombia, Libya, Tây Ban Nha và Mexico đã tham gia vụ kiện của Nam Phi.
Trong phán quyết ngày 26/1, ICJ yêu cầu Israel phải làm mọi cách có thể để ngăn các hành vi diệt chủng trong chiến dịch ở Dải Gaza. Phán quyết được Nam Phi hoan nghênh, trong khi giới chức Israel chỉ trích ICJ. ICJ chưa kết luận liệu Israel có thực sự phạm tội diệt chủng tại Dải Gaza hay không, quá trình này có thể mất vài năm.
Hồi tháng 6, ICJ yêu cầu Israel cho phép các nhà điều tra mà LHQ chỉ định tiếp cận để xem xét các cáo buộc diệt chủng.
ICJ, cơ quan tư pháp tối cao của Liên Hợp Quốc, là tòa án hàng đầu thế giới đứng ra giải quyết những khiếu nại pháp lý giữa các quốc gia về cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế. Phán quyết của ICJ mang tính ràng buộc pháp lý, nhưng cơ quan này không có phương thức đảm bảo thực thi phán quyết.
Ý kiến ()