Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:18 (GMT +7)
Thổ Nhĩ Kỳ giữ nguyên điều kiện để chấp nhận cho Thuỵ Điển gia nhập NATO
Thứ 5, 15/06/2023 | 09:10:21 [GMT +7] A A
Ngày 14/6, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho rằng các quốc gia không nên mong đợi Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi cách tiếp cận và chấp thuận để Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trước hội nghị thượng đỉnh ở Litva, trừ phi Stockholm tuân thủ các nghĩa vụ.
“Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này sẽ diễn ra tại Vilnius (Litva). Tôi hy vọng tôi sẽ tham gia hội nghị này, nếu không phát sinh tình huống bất thường nào. Song không có nghĩa là chúng tôi sẽ đáp ứng những kỳ vọng của Thuỵ Điển. Để chúng tôi đáp ứng những kỳ vọng này, trước hết, Thụy Điển phải thực hiện nghĩa vụ của mình”, đài Sputnik (Nga) dẫn lời ông Erdogan nói với các phóng viên trên chuyến bay trở về từ Azerbaijan.
Trước đó, trong cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ở Istanbul, ông Erdogan đã nêu nghĩa vụ của Thụy Điển là đập tan các hoạt động của đảng Công nhân người Kurd - tổ chức mà Ankara liệt vào danh sách khủng bố.
“Trong khi ông Stoltenberg đang nói về vấn đề kết nạp Thuỵ Điển vào NATO, thật không may, các cuộc biểu tình khủng bố đang diễn ra trên đường phố nước này vào đúng thời điểm đó”, ông Erdogan nói và cho biết thêm Thổ Nhĩ Kỳ không thể tiếp cận vấn đề này một cách tích cực trong tình huống như vậy.
Theo Tổng thống Erdogan, cố vấn chính sách đối ngoại của ông - Akif Cogatay Kilic - dự kiến tổ chức cuộc họp Cơ chế chung thường trực lần thứ tư. Tại đây, ông sẽ chuyển thông điệp tới các phái đoàn của Thuỵ Điển, Phần Lan và NATO.
“Ông Akif sẽ chuyển thông điệp sau tới họ: ‘'Đây là ý kiến của Tổng thống của chúng tôi, chắc chắn đừng mong đợi điều gì đó hoàn toàn khác ở Vilnius”, ông Erdogan nói.
Vào ngày 4/6, Tổng thư ký NATO Stoltenberg đã gặp Tổng thống Erdogan tại Cung điện Dolmabahce ở Istanbul. Sau các cuộc đàm phán, người đứng đầu NATO nói với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ rằng Thụy Điển đã hoàn thành mọi nghĩa vụ để gia nhập NATO.
Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra từ ngày 11 – 12/7 tại thủ đô Vilnius của Litva, do ông Stoltenberg làm Chủ tịch.
Với lý do môi trường an ninh đang thay đổi ở châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine, Thụy Điển, cùng với Phần Lan, đã nộp đơn xin gia nhập NATO hồi tháng 5/2022. Hôm 31/3, đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan đã được toàn bộ 30 thành viên của liên minh phê chuẩn. Ngày 4/4, Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự này. Trong khi đó, đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển vẫn đang chờ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận.
Việc NATO kết nạp Phần Lan đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Moskva. Người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, đã lên tiếng cáo buộc NATO đe dọa “an ninh và lợi ích quốc gia” của Nga thông qua động thái này. Theo ông Peskov, việc kết nạp Phần Lan là “bước đi làm căng thẳng tình hình”, đồng thời nhắc lại những cảnh báo của Moskva về việc liên minh quân sự NATO đang cố mở rộng tới gần lãnh thổ Nga.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cảnh báo Moskva sẽ đáp trả việc Phần Lan trở thành thành viên của NATO bằng cách củng cố hệ thống phòng thủ nếu cần.
“Chúng tôi sẽ tăng cường tiềm lực quân sự của mình ở phía Tây và Tây Bắc. Trong trường hợp triển khai lực lượng của các thành viên NATO khác trên lãnh thổ Phần Lan, chúng tôi sẽ thực hiện các bước bổ sung để đảm bảo an ninh quân sự của Nga”, ông Grushko cho biết trong một bài phát biểu được hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti đăng tải hồi tháng 4.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()