Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:38 (GMT +7)
Thợ mỏ nói về nghiệp văn
Chủ nhật, 06/11/2016 | 00:57:22 [GMT +7] A A
* Tác giả thơ Trần Đình Nhân: “Muốn viết hay về thợ mỏ phải biết nạp năng lượng của thời đại” Văn hoá thợ mỏ là văn hoá hội tụ của tầng lớp cần lao ở mọi miền quê tạo thành nên rất đa chiều, đa dạng. Chính cái đó tạo thành hơi thở, thành giá trị văn hoá tinh thần của vùng đất này. Vì thế, theo tôi, bất cứ ai muốn khai thác đề tài này, trước tiên phải hiểu cái được gọi là văn hoá ấy là gì. Tôi dám nói một câu, có thể sờ được, cảm nhận được cái văn hoá đấy. Đó chính là cần lao, lam lũ, lo toan thành hơi thở cuộc sống hàng ngày của họ. Muốn viết hay về họ, người viết phải biết nạp năng lượng và hơi thở của thời đại để tiếp tục khai thác đề tài này. * Tác giả Vũ Thế Hùng: “Người thợ mỏ là đề tài chủ đạo của tôi” Tôi về mỏ từ năm 1972, khi mà giặc Mỹ đang leo thang bắn phá Miền Bắc, người thợ mỏ, công nhân nhà máy điện vẫn miệt mài bám tầng, bám vỉa để làm ra than. Điều đó đã thôi thúc tôi luôn nghĩ về họ và viết về họ. Những người thợ mỏ là đề tài chủ đạo trong các sáng tác của tôi. Trong cơ chế thị trường hiện nay, khi mà ngành Than đang gặp khó khăn, tôi xác định rằng mình cần phải viết về cuộc đấu tranh cam go của người thợ mỏ trước cái khó khăn hiện tại để giữ vững tinh thần, giữ vững đường lò, sáng tạo trong lao động sản xuất, nâng cao chất lượng và hạ giá thành, từng bước đưa ngành Than trở lại quỹ đạo là một ngành chủ lực trong nền kinh tế nước nhà. Ngoài các sáng tác thơ, truyện ngắn, bút ký về vùng than và người thợ mỏ, tôi đang dự định viết một tập truyện dài về sự đổi mới của ngành Than. * Tác giả Bùi Thế Bình: “Vì nỗi niềm đau đáu với đất và người Vùng mỏ mà tôi làm thơ” Tôi được sinh ra và lớn lên ở Quảng Ninh nên cứ luôn đau đáu trong lòng rằng mình phải viết một cái gì đó để tri ân mảnh đất này. Tất cả những tập thơ của tôi đều có hình bóng phố mỏ, người thợ mỏ. Có những bài thơ đã may mắn tìm được xúc cảm chung với những nhạc sĩ để được phổ nhạc, chắp cánh bay xa hơn. Tôi muốn gửi gắm những tâm sự của mình về sự đổi thay của vùng than về đời sống người thợ đến cho các thế hệ kế tiếp. Nếu sinh ra ở Vùng mỏ, gắn bó với thợ mỏ, dành trái tim mình cho Vùng mỏ thì sẽ có những sáng tác hay. * Tác giả Trần Thưởng: “Người thợ mỏ là đề tài muôn thủa” Nhắc tới Quảng Ninh là người ta nghĩ ngay đến than và nghĩ về người thợ mỏ. Có lẽ đây cũng là đặc trưng và làm nên thương hiệu của văn học Quảng Ninh. Làm ra hòn than người thợ mỏ phải đổ bao mồ hôi kể cả máu và nước mắt, qua nhiều công đoạn ngành nghề mới có được. Cả đời thợ mỏ gắn bó với hòn than, gắn bó với nghề, với đồng nghiệp. Cũng chính vì vậy, khi về nghỉ hưu thợ mỏ lập ra nhiều hội đồng nghiệp, câu lạc bộ nghề, câu lạc bộ thơ. Điều này chắc cũng không đâu có được. Tôi nghĩ chỉ viết về những cái đó thôi cũng đã rất phong phú rồi. Người thợ mỏ là một đề tài muôn thủa. Tôi cũng như nhiều bạn văn khác sẽ tiếp tục cầm bút viết về than, về nghề, về tình thợ mỏ. * Tác giả Trần Ngọc Dương: “Hình tượng người thợ mỏ cần được coi trọng như nhau” Người công nhân mỏ thời nay đã khác xa với chính cha ông họ ở các thập niên trước đó. Nhưng mục tiêu của người thợ mỏ thì luôn luôn giống nhau: Lấy được những tấn than chất lượng với giá thành rẻ nhất. Khi nền kinh tế thị trường ngày càng khắc nghiệt nên việc quyết định sự thành công phụ thuộc rất nhiều vào người lãnh đạo, vào đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý các cấp. Vì vậy, theo tôi người viết cũng phải có cái nhìn, phải am hiểu các công nghệ khai thác mới, tạo dựng được hình tượng những người thợ mỏ đương đại. Đã có một thời kỳ người ta chỉ ưu tiên trao giải trong các cuộc thi VHNT cho các tác phẩm đề cập đến người lao động trực tiếp. Trong thời gian tới, chúng tôi nghĩ khi khai thác hình tượng người thợ mỏ giữa gián tiếp và trực tiếp phải được coi trọng như nhau. Phạm Học (Thực hiện) |
Liên kết website
Ý kiến ()