Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:40 (GMT +7)
Thợ lò không dư dả, còn thiếu
Thứ 4, 09/11/2016 | 16:00:55 [GMT +7] A A
Mình có anh bạn vong niên làm việc gần 40 năm ở ngành Than, trong đó chủ yếu gắn bó với người thợ lò ở các xí nghiệp khai thác hầm lò nhỏ, điều kiện làm việc còn cực khổ hơn những mỏ hầm lò lớn, như Mạo Khê, Vàng Danh, Hà Lầm hay Thống Nhất chẳng hạn.
Chuẩn bị các món ăn. |
Nhớ hồi anh làm công tác Công đoàn, mình hay đi chui lò với anh, để tận mắt thấy người thợ lò làm việc trong lò như thế nào.
Những lần như thế, chỉ có chui lên xuống lò thôi mà mình đã thấy vô cùng vất vả, cực nhọc.
Thợ lò bảo: ‘Chui lò, chừng nào anh thở ra đằng tai thì mới là thợ lò; chứ còn mũi mồm tranh nhau thở thì chưa phải’.
Đến khi thở ra đằng tai mình tự hứa, thôi, không chui lò nữa.
Nhưng rồi lại chui.
Ấy là vì cái máu nghề nghiệp (làm báo) nó bắt.
Nhớ lần trong lúc đứng nghỉ và thở trong lò, chỉ có hai anh em, anh bạn vong niên hỏi mình:
- Bây giờ cho Nam ngày nào cũng đi làm như thợ lò, nhưng xuống đấy không phải làm. Cho đem theo một cái ghế tựa và một chồng báo. Xuống hẳn đến chỗ thợ lò đang làm việc. Đặt ghế, bật đèn, ngồi xem báo. Hết giờ thì ra. Tiền trả như thợ lò xuất sắc. Nam có làm không?
Mình bị anh hỏi bất ngờ, hơi ớ ra, nhưng phản xạ kịp, hỏi lại:
- Thế nếu cho anh, anh làm không?
- Không! – Anh trả lời tắp lự - Vì nguyên chỉ ngồi đọc báo dưới lò cũng đã quá cực nhọc rồi!
Giã đầu tôm, cá lọc lấy nước để nấu canh rau. |
Mình nhớ hồi nghe tin mỏ Mông Dương do kỹ sư Doãn Văn Quang làm Giám đốc bắt đầu cho thợ lò ăn tự chọn, lúc ấy cho ăn tự chọn là thông tin lạ, mình xuống xem thực hư.
Gặp Giám đốc Doãn Văn Quang, anh nói ngay: ‘Mục tiêu là để phục vụ công nhân, chứ tôi không thích quảng cáo’.
Mình hơi phật ý, nhưng nghĩ, anh Giám đốc ạ, bài báo này (nếu viết), cũng không có tính chất quảng cáo, mà chỉ là giới thiệu một cách làm hay ở mỏ Mông Dương của anh, khi ở đó công nhân, trong ăn uống, đã tự mình chọn lấy những món ăn mà mình thích.
Biết đâu, cách làm của mỏ anh các mỏ hầm lò khác đến học tập, áp dụng, nhân rộng thì tốt quá, người thợ được nhờ.
Muốn có ăn tự chọn (ăn buffet, tiếng Pháp, có nghĩa là ăn tự chọn hoặc tiệc đứng. Tiếng Việt giờ gọi là ăn tự chọn, hoặc ăn bupphê/ búp phê cũng là nó. Nhưng từ bupphê/ búp phê lúc mới du nhập vào vốn từ tiếng Việt chỉ có nghĩa ‘Tủ để các đồ dùng vào việc ăn uống’ – Từ điển tiếng Việt 1992, Viện Ngôn ngữ học xuất bản năm 1992. Thế tức là đến năm 1992, ở Việt Nam chưa biết đến ăn tự chọn).
Chuẩn bị hoa quả tráng miệng. |
Phải, muốn ăn tự chọn, trước hết, phải có nhiều món ăn.
Tức là phải chú trọng nhiều trong khâu chế biến, sao cho cùng một thứ thực phẩm mà lại tạo ra được nhiều món ăn hợp khẩu vị.
Mình đã giở sổ ghi chép chế biến các món ăn cho các ca sản xuất trong ngày của chị Quản đốc Phân xưởng Phục vụ đời sống mỏ Mông Dương Hoàng Thị Sen, đối chiếu và so sánh, thì thấy, ngoài 2 món bắt buộc phải có, đó là cơm và hoa quả tráng miệng, mỗi bữa còn có khoảng từ 18 đến 21 món ăn khác để cho công nhân tự lựa chọn.
Và đây là một bữa ăn hôm mình đến: Ca 1 ngày 21 tháng 9:
Thịt là thực phẩm chế biến thành nhiều món nhất (8 món, gồm: luộc, quay, xào hành, xào cà chua, xào củ cải, kho tàu, kho dừa, kho gừng).
Tiếp đó là trứng (3 món: ốplếp, kho, đúc thịt).
Cá (2: rán, rim cà chua).
Đậu phụ (2: nhồi thịt trứng, xốt).
Nem rán.
Sườn xào chua ngọt.
Giò rim.
Canh (3: cải nấu thịt, rau ngót nấu tép, canh cục sườn nấu bí đao).
Đó là chưa kể 2 món khá thường xuyên có mặt là lạc rang muối và muối vừng lạc.
Tất cả có 25 món.
Các món ăn tự chọn. |
Tiếp đó là cách ăn.
Công nhân vào nhà ăn cùng theo một lối lên, xếp hàng thứ tự, đưa phiếu ăn cho nhân viên phục vụ rồi lấy khay (bằng inôc), đặt vào đó bát, đĩa, thìa, đũa...
Tiếp tục đến chỗ đặt thức ăn, tự chọn lấy các món ăn mình thích cho vào bát đĩa đó sao cho vừa đủ khả năng ăn của mình và bê đến bàn ăn.
Khi ăn, mọi xương xẩu được để luôn trong khay. Ăn xong, ngoắc lại ghế vào giá treo dưới gầm bàn, tự bê khay đến khu rửa, đổ xương xẩu vào thùng rác và thả bát đĩa rếch vào bồn rửa cho người phục vụ rửa.
Vì vậy cũng như lúc đến, sàn nhà ăn, bàn ăn vẫn hoàn toàn sạch sẽ.
Mọi người rời nhà ăn theo một cầu thang khác, xuống khu vực uống nước, lấy tăm xỉa răng.
Tại đây có những thùng chứa nước uống nấu với lá mắt nai, vị hơi ngăm ngăm và thơm mùi thảo dược.
Có những bồn ghi rõ “nước uống lấy đi lò”, công nhân mang theo can lấy nước đó khi đi vào lò làm việc.
Những chiếc ghế được ngoắc, treo dưới gầm bàn. |
Anh Doãn Văn Quang cho biết, để đến được với ăn tự chọn là cả một quá trình.
‘Lúc đầu là chia theo suất’. (Chia theo mâm, 5-6 người/mâm không tính).
‘Sau đó tự chọn lấy suất thức ăn nhà bếp đã chia sẵn’.
‘Và bây giờ là tự chọn, tự gắp lấy thức ăn theo ý thích của mình’.
‘Ngay chuyện tự chọn lấy suất thức ăn nhà bếp đã chia sẵn cũng mất gần hai năm’...
Chị Hoàng Thị Sen thì bảo: Xếp hàng thứ tự lấy bát đũa, lấy thức ăn; vào nhà ăn theo một cửa, ra theo cửa khác không phải lúc đầu là có ngay.
‘Chúng tôi phải đứng ở nhiều vị trí để hướng dẫn, để giám sát. Ban đầu không phải không có người phản ứng lại. Nay đã gần thành nếp. Đôi chỗ, chúng tôi vẫn có người đứng giám sát’.
Mình cho rằng công nhân mỏ vào nếp ăn uống mới thế là nhanh.
Thu phiếu ăn. |
Ngày 5 tháng 9, Mông Dương bắt đầu tổ chức ăn tự chọn áp dụng cho khối văn phòng.
5 ngày sau mở rộng đến thợ lò.
Và từ 25 tháng 9 áp dụng cho toàn mỏ.
Lúc mình đến tham quan và lấy tư liệu cho bài viết này là ngày 22 tháng 9, tức là chỉ mới hơn 10 ngày thợ lò bắt đầu ăn tự chọn.
Quan sát, chỉ còn thấy có một số công nhân ăn xong quên chưa treo trả lại ghế vào giá treo dưới gầm bàn, còn các công đoạn khác đã đi vào khuôn khổ.
Mặc dù Mông Dương có nhã ý mời cơm khách, song mình đề nghị ăn tự chọn, để biết.
Mình xếp hàng lấy khay bát đĩa rồi đến chỗ tự chọn chọn món ăn.
Mình lấy 1 thìa nước chấm cay, 1 miếng dưa hấu, 1 con tôm rang, 1 miếng thịt kho gừng, 2 miếng dừa kho, 2 miếng thịt ba chỉ luộc, 1 miếng giò rim, 1 thìa lạc rang muối; gắp 1 gắp rau muống xào giá đỗ, 1 gắp rau cải luộc, 1 gắp bí đao luộc, rắc lên đó ít muối vừng lạc; lấy nửa bát ô tô cơm, nửa bát canh đậu phụ nấu cà chua trứng và ra ngồi ăn cùng bàn với Giám đốc đang ăn ở đó.
Thợ lò tự chọn món ăn. |
Trong bữa ăn anh Quang bảo, cái chính là không được để thừa, nếu thấy thiếu thì đi lấy thêm, chứ dứt khoát không được để thừa. Đã lấy thì phải ăn hết.
Thấy mình lấy có vẻ ít, anh bảo đi lấy thêm.
Nhưng sự thực, mình đã lấy hơi thừa lạc rang và tưởng không dùng hết bát canh.
Cuối cùng mình phải ăn cố hai thứ đó.
Mọi thứ đã được ăn gần hết sạch.
Chỉ còn thìa nước chấm phải để thừa (nếu mình được ăn lại, chắc chắn nước chấm mình sẽ lấy ít đi).
Cảm giác no và ngon miệng, bởi mọi thức ăn đều hợp khẩu vị và thấy sạch sẽ.
Nấu ăn chia theo mâm, rồi chia theo suất, nấu tăng lên 6-7 món ăn chia suất, giờ là 23-24 món vẫn chỉ từng ấy chị em của Phân xưởng phục vụ đời sống.
Chị Sen bảo, bận bịu hơn song nhiều niềm vui hơn.
‘Vui vì mình phục vụ được công nhân tốt hơn’.
‘Vui vì mình luôn được học hỏi để có thể có nhiều cách chế biến các món ăn và vui vì mình dần tạo được cho mình sự chuẩn xác trong sử dụng quỹ thời gian’.
Bữa ăn tự chọn thợ lò. |
Mình đem chuyện ăn tự chọn ở Than Mông Dương nói với vợ.
Bảo, không chỉ họ chế biến từng ấy những món ăn cho một bữa mà họ còn nướng được cả bánh mỳ, gói được cả bánh chưng hay làm được bánh rán nhân đậu để phục vụ thợ lò ăn giữa ca.
Mà thứ nào cũng ngon miệng, cũng thấy hợp khẩu vị.
Nghe xong, vợ mình bảo, họ làm được như thế là giỏi.
Ô! Vợ cũng khen giống mình ư!
Đúng là không biết khen họ thế nào, ngoài từ Giỏi!
Mình mở đầu dài dòng bài viết với câu chuyện cùng anh bạn vong niên là có chủ ý:
Ngành Than thợ lò không dư dả, còn thiếu.
Trong khi đi tuyển người vào học nghề này khá khó khăn.
Cũng không ít người bỏ nghề vì không chịu được nặng nhọc, khổ cực.
Đúng như Giám đốc Doãn Văn Quang nói, ăn tự chọn mục tiêu là phục vụ công nhân chứ không phải để quảng cáo.
Ăn tự chọn với thợ lò góp phần giúp cho họ chóng hồi phục sức khoẻ để tiếp tục làm việc.
Đó là một cách chăm lo cuộc sống người thợ.
Trần Giang Nam
Liên kết website
Ý kiến ()