"Tạm biệt Ethereum", "không còn cơ hội nào", "tắt máy, xả trâu cày"... là những từ khóa đang ngập tràn trong các hội nhóm khai thác tiền số ở Việt Nam sau khi sự kiện The Merge hoàn tất chiều 15/9. Đa số thợ đào tại Việt Nam đang khai thác đồng Ethereum, nên việc hợp nhất ảnh hưởng lập tức đến cộng đồng này.
Ngọc Can, quản trị viên một nhóm khai thác tiền số lớn, cho biết: "Mọi người đều biết ngày này sẽ đến và đã có sự chuẩn bị, nhưng vẫn có người hy vọng The Merge trễ hẹn để họ có thể tiếp tục khai thác. Tuy nhiên việc hợp nhất đã thành công, ngay lập tức các pool đào đóng máy chủ, thợ đào không thể khai thác, buộc phải rút điện, tắt máy".
Ngay sau khi The Merge kết thúc, Ethermine - nhà cung cấp dịch vụ khai thác Ethereum lớn nhất thế giới - cũng tuyên bố tắt máy chủ. "Vài ngày sau chúng tôi sẽ kích hoạt thanh khoản tự động cho các thợ đào nếu họ chưa kịp rút về. Cùng lúc này, công ty sẽ mở một nhánh về PoS để mọi người có thể tham gia sớm và kiếm lời", Ethermine thông báo.
Một thợ đào tiền số tại Đồng Nai cho biết chịu thiệt hại nhiều nhất là các xưởng khai thác cỡ lớn. "Tôi đào tiền số cách đây bốn năm, sau khi hòa vốn đã tiếp tục mở rộng xưởng, đầu tư thêm vài tỷ đồng. Giờ chưa kịp thu hồi vốn thì đã 'thất nghiệp'. Ngay cả bây giờ muốn bán máy cắt lỗ cũng không được. Nguồn cung VGA trên thị trường đã ổn định. Game thủ cũng gần như không mua card của dân đào. Nhiều bạn bè của tôi đang thực sự suy sụp, không biết làm gì với khối tài sản chờ phủ bụi", người này nói.
Một thợ đào khác ở Bình Định cho biết anh đã thử chuyển qua đào loại tiền mã hóa khác nhưng sau khi tính toán thấy bị lỗ tiền điện. "Tôi dốc hết tiền tiết kiệm của vợ chồng để sắm dàn máy. Giờ không biết cách nào để thu hồi vốn. Một số 'lái trâu' liên hệ thu mua nhưng giá quá rẻ. Bán sẽ lỗ nặng, để thì không biết làm gì", anh chia sẻ. Anh và một số người đang cân nhắc có nên bán lượng ETH đã đào được để bù lỗ hay tiếp tục giữ, chờ lên giá. "Mọi thứ như một canh bạc, thợ đào là những người bị động trong cuộc chơi này. Tôi hối hận vì đã đặt cược vào tiền mã hóa", anh nói thêm.
Theo Ngọc Can, một số bắt đầu đào các đồng tiền số có vốn hóa nhỏ hơn nhưng nhanh chóng từ bỏ vì không có lời. Ngay cả đồng Ethereum Classic (ETC) cũng không "cứu" được họ. "Quá nhiều người cùng chuyển sang đào ETC sẽ khiến độ khó tăng lên trong khi giá token chưa lên kịp, khiến việc khai thác gần như lỗ vốn", anh phân tích.
Theo dữ liệu trên 2miners, độ khó của ETC ngày 15/9 đã lên cao nhất mọi thời đại. Tính đến tối nay, chỉ số hashrate của ETC lên đến 290 terahash mỗi giây (TH/s). Nguyên nhân là quá nhiều người đồng loạt chuyển sang khai thác coin này.
Không ít người cũng đang hy vọng Ethereum phân tách một nhánh mới, tiếp tục duy trì cơ chế PoW để thợ đào khai thác. Tuy nhiên, không ai biết chính xác khi nào nhánh này sẽ hoạt động và liệu giá của đồng Ethereum đó có đủ để đảm bảo lợi nhuận cho thợ đào. Trong lúc chờ đợi diễn biến tiếp theo của thị trường, máy đào buộc phải ngừng hoạt động. Trong trường hợp xấu nhất, những máy này sẽ phải thanh lý giá rẻ, thậm chí đắp chiếu.
Sự kiện hợp nhất Ethereum diễn ra vào khoảng 14h (giờ Hà Nội) sau khi mạng đạt đến tổng độ khó (Total Difficulty) đầu cuối là 58750000000000000000000. Sau cột mốc này, quy trình xác thực Ethereum chuyển từ bằng chứng công việc (PoW) sang phương thức bằng chứng cổ phần (PoS).
Việc chuyển từ cơ chế PoW sang PoS được xem là mục tiêu của Ethereum trong việc hạn chế lượng carbon tiêu thụ, với mức giảm tới 99,95% so với trước. Đây cũng có thể coi là sự chấm hết cho các thợ đào Ethereum, bởi các hệ thống máy đào hiện nay chủ yếu sử dụng cơ chế PoW để hoạt động. Trong khi đó, PoS chỉ làm nhiệm vụ xác thực, từ đó không tiêu tốn năng lượng như trước.
Ý kiến ()