Bitcoin halving là gì?
Thuật ngữ Bitcoin halving chủ yếu dành cho thợ đào - những người trực tiếp tạo ra Bitcoin bằng cách xác thực giao dịch thông qua việc giải các bài toán phức tạp để mở khối mới (block). Sau mỗi khối được khởi tạo, thợ đào nhận về một lượng Bitcoin (BTC) nhất định, gọi là phần thưởng.
Để hạn chế lạm phát khi quá nhiều thợ đào cùng tham gia, Nakamoto Satoshi - cha đẻ Bitcoin - đã thêm một đoạn code để cứ sau 210.000 khối khai thác, phần thưởng sẽ giảm một nửa. Thuật toán này được gọi là Bitcoin halving.
Trung bình bốn năm một lần, halving sẽ diễn ra. Điều này khiến việc khai thác Bitcoin ngày một khó, từ đó tạo ra sự khan hiếm và loại bỏ những thợ đào không hiệu quả khỏi mạng lưới.
Buộc phải nâng cấp "trâu cày"
Theo Kimmell, với doanh thu giảm một nửa sau 20/4, phản ứng và chiến lược của mỗi thợ đào, cũng như cách họ thích ứng có thể quyết định ai là người dẫn đầu, ai bị bỏ lại phía sau. Từ các công ty khai thác lớn đến cá nhân nhỏ lẻ buộc phải liên tục chạy đua bằng cách "chi nhiều tiền hơn để được những phần thưởng nhỏ hơn".
Sau mỗi lần diễn ra halving, giá Bitcoin đều tăng mạnh. Điều này không chỉ liên quan đến sự khan hiếm của tiền số, mà còn là cách để "bù đắp" cho thợ đào khi việc khai thác khó khăn hơn. Dù vậy, nó cũng khiến thợ đào nhỏ lẻ bị loại khỏi hệ thống do không chịu nổi chi phí.
Theo báo cáo từ JPMorgan ngày 1/4, kể từ khi những cỗ máy khai thác Bitcoin chuyên dụng đầu tiên ra đời năm 2013, tổng vốn hóa thị trường của 14 công ty khai thác niêm yết ở Mỹ đã tăng lên 20 tỷ USD. Theo MinerMag, các công ty này chiếm khoảng 20% sức mạnh tính toán của mạng, còn lại thuộc về tư nhân.
"Họ có thể dễ bị tổn thương hơn sau halving vì thường đầu tư bằng vốn vay hoặc vốn mạo hiểm để đáp ứng nhu cầu của mình. Các công ty đại chúng có thể huy động vốn thông qua việc bán cổ phiếu", MinerMag bình luận.
Thực tế, với thợ đào, Bitcoin halving không chỉ khiến phần thưởng của họ bị giảm đi mà độ khó của thuật toán cũng tăng lên, đẩy cuộc cạnh tranh giữa các xưởng đào trở nên căng thẳng. Một số máy đào chuyên dụng thế hệ cũ có thể sẽ không hiệu quả để chạy thuật toán, buộc phải nâng cấp thiết bị mới. Theo công ty phân tích Galaxy, sau halving 2024 sẽ có khoảng 20% máy ASIC trên toàn mạng Bitcoin ngừng hoạt động vì không đủ sức cạnh tranh. Một số máy đào như S9 của Bitmain, A1066 của Canaan và M32 của MicroBT sẽ ngoại tuyến. Đây là lý do thợ đào không hào hứng mỗi lần having.
Dữ liệu từ CoinMetrics công bố đầu tháng 4 cho thấy lĩnh vực khai thác Bitcoin hiện hoạt động với hơn một nửa "trâu cày" kém hiệu quả. Các công ty cần những cỗ máy tiêu thụ điện 0,05 USD/kWh để duy trì tỷ suất lợi nhuận gộp ổn định sau halving. Nhưng tại Mỹ, các hệ thống khai thác tiêu tốn 0,08 USD/kWh khiến họ có thể phải đối mặt với những thách thức về dòng tiền sau và buộc phải thực hiện việc nâng cấp các cỗ máy khai thác.
Hiện các công ty chuyên cung cấp máy đào như Bitmain đã ra các model S21, T21 và S21 Pro với công suất tiêu thụ điện dưới ngưỡng 0,05 USD/kWh để đón đầu halving, thay thế cho model phổ biến là Antminer S19J Pro.
Loay hoay tìm cách
Khai thác Bitcoin là một trong những thị trường tự do và cạnh tranh nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, khi mọi thứ được dự báo khó khăn hơn sau halving, thợ đào đang áp dụng một số chiến lược sáng tạo nhằm tối đa hóa lợi nhuận từ những gì đang có.
Một trong những chiến lược như vậy là ép xung - quá trình giảm mức tiêu thụ điện của máy để tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm chi phí. Cách thức này được xem như một sự thích ứng quan trọng trong môi trường có biên độ lợi nhuận ngày càng mỏng như khai thác Bitcoin.
Tại một số trang trại Bitcoin, như ở Hà Lan, các thợ đào đã đa dạng hóa nguồn thu nhập bằng cách bán nguồn nhiệt thải từ "trâu cày" cho các hệ thống sưởi ấm trong khu vực.
Mỹ đang chiếm phần lớn về chỉ số năng lực khai thác Bitcoin toàn cầu (hashrate) với khoảng 40%, theo sau là Nga và Trung Quốc với 20% và 15% tương ứng. Tuy nhiên, thợ đào cũng đang dần chuyển sang mô hình phân tán nhằm tối đa hiệu quả chi phí, đặc biệt là nơi có giá điện rẻ hơn. Chẳng hạn, Bitfarms đang lắp máy đào ở Argentina và Paraguay, Bitdeer mở rộng công suất tại Bhutan, Marathon vào UAE và Paraguay, hay Hashlabs ở Ethiopia.
"Sự kiện halving sắp xảy ra sẽ làm thay đổi chỉ số hashrate từng khu vực, buộc thợ đào phải mạo hiểm vượt ra ngoài các quốc gia đang hoạt động. Khi hashrate trở nên đồng đều hơn trên toàn cầu, hoạt động khai thác Bitcoin sẽ không chỉ trở nên ít nhạy cảm hơn với các rủi ro pháp lý, biến động về chi phí năng lượng, mà còn phù hợp hơn với đặc tính phi tập trung của Bitcoin", CoinDesk bình luận.
Cạnh tranh năng lượng với AI
Theo Fortune, ngành công nghiệp AI non trẻ đang hút một lượng đầu tư khổng lồ. Chẳng hạn, Amazon chi gần 150 tỷ USD cho các trung tâm dữ liệu, Blackstone cũng đổ 25 tỷ USD cho máy chủ AI, còn Google và Microsoft đầu tư hàng chục tỷ USD cho cả máy chủ, chip huấn luyện AI. Để hoạt động, các hệ thống này cần đến nguồn năng lượng khổng lồ.
"Doanh nghiệp ở lĩnh vực AI sẵn sàng trả gấp 3-4 lần số tiền mà các công ty khai thác Bitcoin đã trả năm ngoái", David Foley của quỹ Bitcoin Opportunity Fund nói về việc cạnh tranh năng lượng. "Điều đó đang xảy ra trên toàn cầu".
Taras Kulyk, CEO của nhà cung cấp dịch vụ khai thác tiền điện tử SunnyDigital, đánh giá phía AI có lợi thế hơn nhờ đằng sau họ là các công ty công nghệ lớn và uy tín. "Các gã khổng lồ công nghệ có sức mạnh nhờ nguồn doanh thu ổn định, còn các công ty khai thác tiền số biến động hơn", Kulyk nói. "Các đơn vị cung cấp dịch vụ tiện ích coi công ty công nghệ là bên mua đáng tin cậy, nên được ưu tiên hơn".
Để giảm vấn đề này, các công ty khai thác tiền số thường phải ký hợp đồng dài hạn với đơn vị cung cấp, đặc biệt về năng lượng. Greg Beard, CEO Stronghold Digital Mining, cho biết hợp đồng điện giá rẻ có thể khó gia hạn, do đó sẽ ký vài năm một lần thay vì hàng năm.
Dù vậy, theo một số chuyên gia, bất kể thay đổi nào vẫn sẽ có những cái tên bị loại khỏi cuộc chơi, đặc biệt là xưởng đào quy mô nhỏ. Thợ đào sẽ có lời nếu giá Bitcoin tăng sau halving, nhưng họ có thể phải rời bỏ mạng lưới khi việc khai thác không đem lại lợi nhuận.
Ý kiến ()