Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:24 (GMT +7)
Thịt lợn tăng giá, người chăn nuôi vẫn chưa có lãi
Thứ 3, 26/10/2021 | 10:53:30 [GMT +7] A A
Sau một thời gian ngắn “xuống dốc”, giá lợn hơi những ngày gần đây đã tăng trở lại và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới. Tuy nhiên, với mức giá hiện nay người chăn nuôi vẫn chưa có lãi do giá con giống và thức ăn thời gian qua tăng cao.
Giá lợn hơi còn tiếp tục tăng giá
Giá lợn hơi trong ngày 25/10, tại khu vực miền bắc dao động trong khoảng 36.000 - 42.000 đồng/kg. Điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tuần trước đó. Tương tự, giá lợn hơi tại khu vực miền trung, Tây Nguyên đang dao động trong khoảng 35.000 - 39.000 đồng/kg. Giá lợn hơi khu vực miền nam hôm nay dao động trong khoảng 37.000 - 40.000 đồng/kg, đi ngang so với cuối tuần trước.
Trong khi giá lợn hơi được thu mua tại từ các hộ chăn nuôi chỉ khoảng 35.000 - 42.000 đồng/kg, thì theo các tiểu thương, tại các lò mổ giá lợn hơi hiện đang lên mức 55.000 - 58.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây vài ngày. Đối với thịt lợn móc hàm, giá hôm qua (24/10) ở mức 65.000 đồng/kg thì hôm nay tăng lên mức 70.000 đồng/kg.
Khảo sát tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội như: chợ Cầu Tó (Thanh Trì), chợ Thành Công, chợ Hoàng Mai, chợ Nguyễn Công Trứ,… giá thịt lợn đã tăng trở lại, trung bình 10.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt ba rọi, vai đầu giòn, sườn thăn, thịt giò ở mức 120.000 - 130.000 đồng/kg, trong khi đó thịt mông sấn,… ở mức 90.000 đồng/kg.
Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chiều 25/10, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cho biết, sau một vài tuần giảm, hiện giá lợn hơi đã tăng trở lại và dự báo sẽ còn tăng.
Phân tích về việc giá lợn hơi giảm sâu trong thời gian qua, đại diện Công ty Vissan cho rằng giá lợn giảm chủ yếu do vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng.
"Lượng thịt lợn bán ra hiện giảm 50 - 60% so với bình thường, đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh, dù các chợ truyền thống đã mở 50% nhưng lượng người mua vẫn thấp", đại diện Vissan khẳng định.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 9/2021, đàn lợn cả nước tăng 3,8% so với cùng thời điểm năm 2020. Ước tính 9 tháng năm 2021, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 3,06 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục Chăn nuôi, do giá bán thấp, lượng tiêu thụ giảm người chăn nuôi phải nuôi giữ trong chuồng, đàn lợn quá lứa còn ứ đọng lại trong chuồng chưa xuất bán khoảng 30% (tương đương khoảng 1,5 triệu con).
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, thông tin còn tồn đọng khoảng 8 triệu con lợn là không chính xác.
Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, thông tin tồn đọng 8 triệu con lợn thiếu chính xác đã khiến nông dân hoảng loạn, bán tống bán tháo.
Trong khi đó, số liệu của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, 9 tháng đầu năm 2021 lượng nhập khẩu thịt đạt hơn 214.400 tấn, trong đó thịt lợn là 112.700 tấn, chiếm 3,6% tổng sản lượng thịt lợn trong nước.
"Do tỷ trọng thịt lợn nhập khẩu chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (3,6%) so với tổng sản lượng thịt lợn trong nước nên có thể khẳng định nhập khẩu không phải là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng giá lợn hơi xuống thấp thời gian qua", ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Thú y khẳng định.
Triển khai các giải pháp ổn định sản xuất
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, giá lợn hơi giảm trong thời gian qua chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ giảm vì tác động của dịch Covid-19.
"Do dịch Covid-19 tác động ở 19 tỉnh, thành phố phía nam nên nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm tới 35%, phía bắc giảm 40-50%. Chu kỳ nuôi lợn trong hoàn cảnh Covid-19 thì khó ai có thể dự báo được", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Cục Chăn nuôi cho rằng, từ biến động giá lợn hơi so sánh với các nước, có thể thấy rằng giá nguyên liệu đầu vào (chủ yếu là thức ăn chăn nuôi) tăng cao và cung vượt cầu là nguyên nhân khách quan, khiến giá cả lợn hơi đều giảm mạnh tại các thị trường kể từ đầu năm, ảnh hưởng chung tới sản xuất chăn nuôi trên phạm vi thế giới. Người chăn nuôi tại các nước có ngành sản xuất chăn nuôi lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc... cũng đang phải đối mặt với khó khăn này. Thí dụ như tại Trung Quốc, giá lợn hiện đã giảm 65% so với cùng kỳ năm ngoái được xem là nguyên nhân khiến nhiều hộ chăn nuôi bán tháo và nhân cơ hội này loại bỏ những con lợn nái kém năng suất.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn vật nuôi đang diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện nhiều giải pháp để khuyến khích nông dân tái đàn, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, kết nối lưu thông 2 miền nam - bắc.
Để duy trì sản xuất, bảo đảm chăn nuôi lợn tăng trưởng ổn định, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức kết nối tiêu thụ, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại chăn nuôi mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ cũng xây dựng quy định và chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao theo chuỗi về giống, thức ăn, sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ như Masan, Dabaco, CP, Japfa, Deuh,… phục vụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị Chính phủ xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do Covid-19 đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, hiện vẫn còn nghịch lý giữa giá lợn hơi và giá thịt lợn ngoài chợ. Do vậy, trong trường hợp cần thiết cần triển khai cơ chế bình ổn để bảo đảm sự bình đẳng cho người chăn nuôi.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()