Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:32 (GMT +7)
Thiền sư Pháp Loa với chùa Quỳnh Lâm
Chủ nhật, 20/12/2020 | 11:26:09 [GMT +7] A A
Thiền sư Pháp Loa là một học giả tài năng, có nhiều đóng góp cho sự tiếp nối tư tưởng Phật giáo Việt Nam giai đoạn rực rỡ nhất vào thời Trần. Ở Quảng Ninh, ảnh hưởng của ông thể hiện rõ nét nhất đối với chùa Quỳnh Lâm, chùa Bắc Mã và Hồ Thiên…
Dù vậy nhưng thực tế thời gian qua, việc nghiên cứu về Pháp Loa còn tương đối ít. Chính vì vậy, tại hội thảo Thiền sư Pháp Loa - Sự nghiệp tu hành, thiền học và dấu ấn lịch sử tại Đông Triều, nhân kỷ niệm 690 năm ngày ông viên tịch, giới tăng, ni cũng như các nhà nghiên cứu, khoa học đã tập trung phân tích, đánh giá, qua đó cho thấy bức tranh tổng thể, toàn diện về thân thế, sự nghiệp tu hành và những đóng góp to lớn của ông với Phật giáo Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.
Chùa Quỳnh Lâm hiện nay, nơi xưa kia được Pháp Loa mở mang và xây dựng thành Tự - Viện, một trung tâm đào tạo tăng tài của Thiền phái Trúc Lâm dưới thời Trần. |
Cụ thể, với dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, ông là người kế thừa và phát triển sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông, làm cho những tinh thần và ý tưởng của Sơ tổ lan toả và phát triển mạnh mẽ. Ông đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa đạo pháp và nhân sinh, góp phần xây dựng và phát triển mô hình Phật giáo Trúc Lâm mang đậm bản sắc văn hóa Việt.
Đồng thời, ông đã có những đóng góp quan trọng trong tổ chức Giáo hội Phật giáo một cách có hệ thống, lập sổ bộ tăng ni và tự viện trong cả nước, góp phần vào việc phát triển nhanh chóng đông đảo người xuất gia và quy y học đạo. Chú trọng chăm lo việc mở giảng các lớp thuyết pháp về Phật giáo; chú giải nhiều kinh điển, viết nhiều sách giáo khoa Phật học, đặc biệt là ấn hành Đại Tạng Kinh, một tác phẩm quan trọng của Phật giáo tại Việt Nam.
Cùng với đó, Đệ Nhị tổ Pháp Loa đã quy tụ được nhiều phật tử trong cả nước, đẩy mạnh phong trào tu học rộng rãi trong xã hội; nhiều chùa, tháp được xây dựng và trùng tu; đúc hàng nghìn tượng Phật là những di sản quý báu cho đời sau. Ngài đã để lại dấu ấn đặc biệt trong việc thành lập các trung tâm, học viện, các cơ sở Phật giáo tiêu biểu của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử…
Hội thảo Thiền sư Pháp Loa - Sự nghiệp tu hành, thiền học và dấu ấn lịch sử, được tổ chức tại Đông Triều, nhân kỷ niệm 690 năm ngày ông viên tịch. |
Có nhiều công trạng như vậy nhưng những ghi chép lịch sử về ông vẫn còn nhiều khoảng trống. Không ít học giả đặt vấn đề vì sao Trần Nhân Tông chọn Pháp Loa kế tục sự nghiệp của Thiền phái Trúc Lâm khi ông còn rất trẻ và xuất thân bình dân?
Bởi theo sử sách ghi lại, năm 20 tuổi, Pháp Loa xuất gia theo Trần Nhân Tông, năm 21 tuổi, ông đã trở thành đại đệ tử của Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông và năm 24 tuổi được Ngài truyền y, bát (áo cà sa và bát khất thực, được xem là những biểu tượng thiêng liêng của chính pháp và là vật truyền thừa tối quan trọng trong thiền môn), nối tiếp trở thành Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Lý giải điều này, nhiều học giả gợi mở vấn đề từ pháp danh của ông, Pháp Loa nghĩa là “cái loa truyền bá phật pháp”. GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, phân tích: “Pháp Loa là người truyền bá phật giáo Trúc Lâm cực kỳ giỏi, còn cụ Tam Tổ Huyền Quang là một nhà bác học. Vậy nên có lẽ đây là một lý do để Phật hoàng Trần Nhân Tông chọn một người hiểu thấu đáo triết lý rất cao siêu của Thiền phái Trúc Lâm để làm sao mà mở mang, phát triển được…”
Còn Hoà thượng Thích Quảng Tùng, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì nêu quan điểm rằng: “Trong thiền gia bao giờ cũng chọn người thay mình làm phật sự được, mặc dù người đó có tuổi đạo, tuổi đời ít hơn nhưng mà làm việc phật được thì giao cho người ấy. Ngay từ đầu, Tổ đã biết người này có pháp khí rồi nên truyền thừa cho người này”…
Ngôi tháp cổ tại chùa Quỳnh Lâm mới được trùng tu lại - nơi lưu dấu tòa tháp do Pháp Loa xây dựng để đựng xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông. |
Công trạng, sức ảnh hưởng của Thiền sư Pháp Loa gắn với Quảng Ninh thể hiện ở nhiều ngôi chùa còn hiện hữu trên địa bàn, như Quỳnh Lâm, Hồ Thiên, Bắc Mã… Trong đó, ngôi chùa nổi tiếng nhất là chùa Quỳnh Lâm.
Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Văn Anh, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH-NV Hà Nội, thì Quỳnh Lâm chỉ được sử sách nhắc đến với tư cách là một trung tâm đào tạo tăng tài lớn của Thiền phái Trúc Lâm dưới thời của Pháp Loa. Sau khi trở thành người đứng đầu của dòng phái, ông đã cho mở mang và xây dựng chùa Quỳnh Lâm thành Tự - Viện, một trung tâm đào tạo tăng tài của Thiền phái Trúc Lâm, đồng thời là một trung tâm Phật giáo lớn đương thời, nơi tổ chức các sự kiện Phật giáo lớn của Đại Việt đầu thế kỷ XIV.
Cụ thể, trong suốt thời gian từ năm 1317 đến 1330, tức là từ khi Pháp Loa khai mở Quỳnh Lâm Viện cho đến khi Ngài mất, bên cạnh là một trung tâm đào tạo tăng sinh lớn của Thiền phái Trúc Lâm, là chốn “tùng lâm” (nơi có đông đảo thầy tu chung sống) khang trang, nhộn nhịp thì Quỳnh Lâm còn là nơi các vương hầu, quý tộc nhà Trần thường xuyên lui tới.
Liền giáp với Quỳnh Lâm, Trần Quang Triều cho mở Bích Động thi xã, hội thơ sớm nhất của nền thi ca phong kiến Việt Nam. Quỳnh Lâm cũng là nơi tổ chức các sự kiện Phật giáo lớn: Hội chích máu in kinh, lễ hội nghìn tượng Phật diễn ra trong 7 ngày 7 đêm. Ông đồng thời cho xây dựng 2 tòa tháp để rước xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông về lưu giữ tại Quỳnh Lâm. Và năm 1327, Pháp Loa cho đúc pho tượng Di Lặc cao 1 trượng 6 thước (5,28m) tới năm 1329 mới hoàn thành…
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()