Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:00 (GMT +7)
Thiên nhiên vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà
Thứ 3, 14/09/2021 | 09:55:10 [GMT +7] A A
Du lịch sinh thái ở vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, du khách được tìm hiểu các loài thằn lằn bay, rắn hổ ngựa, sẻ thông họng vàng...
Cao nguyên Langbiang (hay cao nguyên Lâm Viên), nơi có hai đỉnh cao nhất là Núi Bà 2.167 m và Bidoup 2.287 m, kết hợp thành tên của vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Vườn được thành lập năm 2004, tọa lạc tại huyện Lạc Dương và một phần huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, trụ sở đặt tại xã Đa Nhim, cách TP Đà Lạt khoảng 50 km theo QL 27C.
Với hàng trăm loài động vật và hàng nghìn loài thực vật, đây là nơi lý tưởng cho loại hình du lịch sinh thái khám phá thiên nhiên hoang dã. Đến đây du khách được tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ, được ngắm sương sớm bao phủ hồ và rừng thông ở trung tâm Bidoup.
Khu nhà nghỉ ở trung tâm điều hành VQG Bidoup - Núi Bà nằm trong những khu rừng thông xa khu dân cư, bao gồm 60 phòng tiện nghi và thoáng mát. Với sức chứa hơn 100 người, nơi này thích hợp cho hội thảo, các nhà nghiên cứu khoa học và các đoàn khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nhà nghỉ có kiến trúc hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, có các dịch vụ ăn uống, một bảo tàng thiên nhiên với hàng lưu niệm, vườn hoa. Hiện nay do Covid-19 diễn biến phức tạp nên VQG và khu nhà nghỉ tạm dừng đón khách.
Bidoup - Núi Bà nằm trong vùng chim đặc hữu cao nguyên Langbiang, với 301 loài đã được ghi nhận. Sáng sớm du khách có thể đi dạo quanh các đồi thông và ngắm nhìn các loài chim dễ gặp như bạc má bụng vàng. Chim có màu sắc đẹp, kích thước nhỏ, đầu đen, thân dưới màu vàng nhạt, lưng màu xanh rêu và xám từ cổ đến đuôi.
Trên tuyến đường QL 27C xuyên qua VQG, du khách có thể bắt gặp nhiều dòng suối chảy uốn lượn dưới rừng già bạt ngàn mây phủ. Nơi đây có các loài chim đẹp sống ở ven suối, dễ bắt gặp là đuôi đỏ đầu xám.
Chim đuôi đỏ đầu xám trống (ảnh) có bộ lông màu xanh da trời nhạt với đuôi màu hạt dẻ nổi bật, chim mái màu xanh xám nhạt với những đốm trắng, chim mái có điệu múa quạt xòe đuôi trông rất ngộ nghĩnh.
Du khách men những dòng suối trong vắt còn có thể quan sát được loài chích chòe nước trán trắng, có phần lông nổi bật với lưng đen, sọc trắng ngang cánh. Loài chim này có dáng vẻ thanh tao, khi đậu thường có động tác lắc đuôi như đang múa.
VGQ Bidoup - Núi Bà gồm nhiều kiểu rừng. Trên những vùng đồng cỏ tranh và rừng thấp, khách khám phá thiên nhiên có thể gặp nhiều loài rắn, như rắn hổ ngựa (ảnh). Đây là loài rắn không độc, nhưng tập tính hung dữ, chúng thường lồng thân lên, bành rộng cổ, há miệng và mổ cắn để đe dọa. Nếu đối thủ chùn bước, đôi khi loài rắn này còn đuổi theo cho đến khi đối thủ ra khỏi phạm vi lãnh thổ.
Anh Nguyễn Anh Thế (1984), thường gọi Andy Nguyễn, một hướng dẫn viên, đồng thời là chủ website Vietnambirds, giới thiệu tour quan sát chim và động vật hoang dã. Theo anh, du khách đi rừng Bidoup không nên cầm rắn trên tay khi chưa có kinh nghiệm.
Một trong những loài chim đặc hữu của Đà Lạt là sẻ thông họng vàng, kích thước bé xíu, lông màu vàng đen, quyến rũ, thường gặp ở khu rừng thông và trảng cỏ gần bìa rừng, phân bố ở độ cao 1.000 - 1.900 m. Anh Andy Nguyễn cho biết chúng có cái tên đặc biệt “Vietnamese Greenfinch” để miêu tả cho tính đặc trưng là loài này chỉ có thể gặp ở nước ta.
Có nhiều tuyến du lịch đi bộ ngắn qua những khu vực rừng cho khách trải nghiệm quan sát các loài bò sát, lưỡng cư, thú nhỏ, trong đó có loài thằn lằn bay Đông Dương (ảnh). Loài này có khả năng lượn trên không khí, từ cây này sang cây kia, rất chính xác và điêu luyện như bay dù lượn.
“Chúng có thể làm như vậy được là nhờ “cánh” phát triển đặc biệt từ lớp màng da gắn liền giữa hai chi trước với cơ thể. Khi các con đực tranh giành lãnh thổ, chúng có điệu múa riêng để khẳng định sức mạnh đó là làm phồng một túi da dưới cổ, túi da màu sặc sỡ này thò ra thụt vào cùng với động tác gật đầu của con thằn lằn như một tín hiệu khẳng định sức mạnh”, anh Andy Nguyễn chia sẻ.
Khách du lich quốc tế khi đến với Bidoup - Núi Bà thường thích chụp ảnh loài gà so họng hung (ảnh) và đuôi cụt đầu đỏ. Gà so họng hung sống phổ biến ở đây, thường sinh sản vào tháng 3-5 hằng năm. Chúng là loài gà so đẹp và nếu may mắn, du khách sẽ gặp một gia đình gà so kiếm ăn vào lúc sáng sớm.
Trong khi đó, loài chim đuôi cụt đầu đỏ được những người mê chụp chim gọi là “hoàng tử bóng đêm”, với một bộ cánh sặc sỡ nhưng lại sống và kiếm ăn dưới đất trong những tán rừng già dày đặc thiếu ánh sáng. Điều này khiến cho việc quan sát chim trở nên khó khăn, nhưng khi bắt gặp và chụp được ảnh chúng, bất kỳ ai cũng thấy thích thú.
Nếu du khách chọn tuyến đi bộ Giang Ly, sẽ quan sát được các loài chim quý hiếm và đặc hữu chỉ có thể gặp ở cao nguyên Langbiang như loài lách tách gáy đen. Loài này có kích thước nhỏ bé, thích líu ríu trong các bụi rậm gần mặt đất với màu sắc đặc trưng thân trên màu nâu ôliu và thân dưới màu nâu nhạt.
Khướu đầu đen má xám mang tên nhà khoa học, bác sĩ Yerin (Alexandre E.J. Yersin), người đã có công khám phá ra cao nguyên Langbiang và thành lập viện Pasteur ở Việt Nam. Loài này có sắc màu sặc sỡ, đầu và cổ họng đen, cánh và lông đuôi bên ngoài màu vàng nhưng khó quan sát do chúng hay ẩn nấp trong các tán lá và bụi rậm dày ở độ cao trên 1.400 m.
Theo Andy Nguyễn, các bạn trẻ đến VQG Bidoup - Núi Bà thích trekking đường dài và cắm trại lại trong rừng để tận hưởng không khí trong lành và thử thách giới hạn cơ thể. Còn các tour sinh thái do Vietnambirds tổ chức thường dành cho khách đam mê khám phá vẻ đẹp thiên nhiên. Một tour ngày (không cắm trại đêm) đã gồm vé vào VQG có giá 1,2 - 2,5 triệu đồng. Tour đi bộ 2-3 km trong các tuyến đa dạng sinh học của Bidoup - Núi Bà, vừa đi vừa xem chim, tìm những chú ếch nhiều màu sắc và chụp ảnh chúng. Giá tour với hách nước ngoài lại có đặc thù riêng vì bao gồm cả dịch vụ nhà hàng, khách sạn.
Anh Andy Nguyễn chia sẻ do không tổ chức tour nhiều như trước, anh tìm hiểu khoa học, tham gia điều tra đa dạng sinh học cho các dự án đánh giá tác động môi trường trong nước. Anh hy vọng các bài báo du lịch sinh thái sẽ lan tỏa được thông điệp bảo vệ thiên nhiên, không săn bắn động vật hoang dã tại Việt Nam.
Theo VnEpress
Liên kết website
Ý kiến ()