Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:36 (GMT +7)
“Thiên Long Uyển xứng đáng là Di tích Quốc gia đặc biệt…”
Chủ nhật, 02/01/2022 | 09:02:10 [GMT +7] A A
Dành nhiều thời gian, tâm huyết cho việc khai quật khảo cổ, nghiên cứu các di sản nhà Trần tại Đông Triều, vừa qua, TS Nguyễn Văn Anh (Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng các đồng nghiệp của mình đã tiếp tục có những phát hiện mới về các vua Trần trên vùng đất Thiên Long Uyển, thuộc xã Yên Đức, TX Đông Triều. Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện cùng anh.
- Không biết là gợi ý nào của Thiên Long Uyển khiến anh quan tâm và có những nghiên cứu sâu về di sản này như vậy?
+ Tôi quan tâm đến di sản này xuất phát từ chính chữ Thiên Long Uyển, nghĩa là Vườn nghìn rồng, cũng giống như Vườn thượng uyển của vua vậy. Năm 2008, khi Đông Triều tổ chức hội thảo “Đông Triều trong lịch sử nhà Trần”, GS Huệ Chi là người chủ trì biên soạn bộ sách “Văn thơ Lý Trần” có đề nghị các nhà khảo cổ học nên quan tâm đến vùng đất Thiên Liêu, chỗ ấy có 2 tấm bia khắc vào đá núi là Tam Bảo địa và Thiên Long Uyển. Giáo sư đã phát hiện ra khi đi điều tra từ những năm 90, nhưng chưa nghiên cứu sâu hơn được, chỉ biết rằng có truyền thuyết ở vùng đấy là nơi vua đã đóng quân trong trận Bạch Đằng 1288.
Tôi lưu tâm đến vấn đề này từ đấy, sau đi điều tra về 2 tấm bia và nghiên cứu tài liệu thì nhận thấy, chưa có nghiên cứu nào nói về cánh quân của hai vua Trần trong trận chiến đó. Nghĩ thế rồi chúng tôi đề xuất một chương trình nghiên cứu về vấn đề này, đến năm 2018 thì được tỉnh Quảng Ninh phê duyệt.
- Thiên Long Uyển chỉ nằm trên phạm vi vùng núi đá, bãi triều trên địa bàn xã Yên Đức, nhưng phạm vi nghiên cứu lại mở rộng ra nhiều địa phương lân cận như Hải Phòng, Hải Dương và Quảng Yên, Uông Bí của Quảng Ninh? Tại sao phải làm thế?
+ Thường thì đối với một khu di tích, người ta chỉ cần xem xét, đánh giá trong phạm vi hẹp của nó thôi, còn muốn đánh giá vị trí, vai trò của Thiên Long Uyển trong trận đánh ấy thì đòi hỏi phải nhìn trong một tổng thể rộng hơn.
Truyền thuyết nói rằng Thiên Long Uyển là đại bản doanh đóng quân chỉ huy của các vua Trần. Hiện nay có 2 điểm được cho là đại bản doanh, vậy thì cần phải nhìn tổng thể, thấy diễn biến của cả cuộc chiến, thấy các dấu vết còn lại... để xem là truyền thuyết ấy có đúng không? Đó là lý do tại sao phải mở rộng phạm vi nghiên cứu. Và cách tiếp cận lần này của chúng tôi cũng đa dạng trong các lĩnh vực hơn, nó không thuần tuý là cách tiếp cận của khảo cổ học mà là sự phối hợp liên ngành.
- Cùng với truyền thuyết thì các anh còn sử dụng nguồn tài liệu từ thần tích, thần sắc và các công bố khảo cổ học về Bạch Đằng, bản đồ... liệu có đủ cơ sở khoa học để thuyết phục được tất cả chăng?
+ Tôi không dám nói là thuyết phục được tất cả, nhưng ít nhất là qua hội thảo “Vị trí, vai trò của Thiên Long Uyển trong chiến thắng Bạch Đằng 1288” diễn ra vào trung tuần tháng 12 vừa qua, chúng tôi đã thuyết phục được đa số, trong đó có những nhà nghiên cứu sâu về Bạch Đằng, thông qua việc tổng hợp từ các nguồn tư liệu để đánh giá vị trí, vai trò của di sản.
Về giá trị sử liệu thì thần tích, thần sắc không phải là giá trị cao nhất nhưng rõ ràng ở đây có một sự trùng hợp giữa truyền thuyết với nơi thờ tự và dấu vết di tích. Các thần tích, thần sắc cung cấp những tư liệu về việc thờ tự những người đã tham gia đóng góp công sức trong chiến thắng Bạch Đằng 1288, được nhân dân ghi nhận và thờ tự. Vị trí thờ tự gắn với hoạt động của nhân vật được thờ tự, vì vậy nó cung cấp những gợi ý về phạm vi của chiến trường.
Các thần tích, thần sắc cho thấy sự phù hợp giữa việc thờ tự với dấu vết di tích. Cụ thể là việc thờ tự Trần Hưng Đạo và một số tướng lĩnh tập trung ở khu vực từ Trúc Động đến Tràng Kênh (Hải Phòng) và kéo sang Quảng Yên nhưng ít gặp ở khu vực thượng nguồn vùng Kinh Môn (Hải Dương) và Đông Triều.
Các truyền thuyết liên quan đến trận đánh, đến việc Hưng Đạo vương chỉ huy đánh Nguyên Mông xuất hiện đậm đặc ở Lưu Kiếm, Lưu Kỳ, Tràng Kênh (Hải Phòng), Yên Giang, Nam Hòa (Quảng Yên), rồi vai trò, vị trí của một số địa danh như núi U Bò ở Tràng Kênh là đài quan sát chỉ huy của Trần Hưng Đạo, miếu Cu Linh (Uông Bí) là nơi đặt và phát pháo hiệu.
Liên quan đến cánh quân của các vua Trần nằm ở khu vực thượng lưu, như có truyền thuyết ở Kiền Bái (Thủy Nguyên) cho biết, trong trận Bạch Đằng 1288, hai vua Trần đã dẫn quân vượt qua sông Kiền Bái (đoạn sông Cấm chảy qua làng Kiền Bái); truyền thuyết về việc vua Trần đóng đại bản doanh tại núi Dương Nham (Kinh Môn) và Thiên Long Uyển trên núi Thiên Liêu (Đông Triều).
Như vậy có sự thống nhất giữa sự phân bố của truyền thuyết và nơi thờ tự. Theo đó, các truyền thuyết liên quan đến các vua phân bố chủ yếu ở khu vực thượng nguồn sông Bạch Đằng và cho thấy sự thay đổi liên tục của cánh quân này, trong khi ở khu vực hạ nguồn gắn liền với các hoạt động của Trần Hưng Đạo.
Khi dựng tất cả những điểm ấy trên bản đồ cho thấy sự dịch chuyển các cánh quân của vua Trần theo sự thay đổi của chiến trường. Trên cơ sở phân tích các dấu vết còn lại như thế, chúng tôi xem xét về vị trí quân sự, khả năng cơ động, từ đó mà khẳng định ra vị trí của Thiên Long Uyển.
- Việc nghiên cứu về Chiến thắng Bạch Đằng 1288 đã diễn ra trong 60 năm qua, những kết quả, khẳng định quan trọng nhất đã có. Vậy vì sao lần này các anh lại đặt vấn đề về việc nghiên cứu vị trí, vai trò của một di tích ở khu vực thượng lưu sông là Thiên Long Uyển?
+ Vấn đề quan trọng nhất của Chiến thắng Bạch Đằng 1288 như là vấn đề chiến trường, trận địa, thì người ta đã đặt ra trong 60 năm qua. Tuy nhiên, việc nghiên cứu lại bỏ sót một vấn đề cũng rất quan trọng, đó là cánh quân của hai vua Trần. Các nghiên cứu trước đó chỉ chú tâm đến cánh quân của Trần Hưng Đạo và tìm kiếm các trận địa cọc.
Sử đã ghi rõ là khi bắt đầu trận sinh tử, đưa được địch vào trận địa cọc rồi thì lực lượng của hai vua Trần lập tức có mặt và đánh rất hăng. Cụ thể, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Hai vua đem quân tiếp đến, tung quân đánh lớn, quân Nguyên chết đuối nhiều không kể xiết, nước sông do vậy đỏ ngầu cả. Đến khi Văn Hổ tới, quân mai phục hai bên bờ hăng hái xông ra đánh, lại đánh bại chúng. Nước triều rút nhanh, thuyền lương của Văn Hổ mắc trên cọc, nghiêng đắm gần hết. Quân Nguyên chết đuối rất nhiều. Bắt được 400 chiếc thuyền”. Vậy lực lượng của hai vua Trần ở đâu mà lại bỗng dưng xuất hiện được, đó là câu hỏi quan trọng mà đề tài đặt ra.
Các nghiên cứu chưa có, trích dẫn sử liệu vừa rồi cũng gần như là gợi ý, tư liệu duy nhất về cánh quân của các vua Trần trong trận Bạch Đằng 1288. Chính vì vậy, để có thể xem xét vấn đề về cánh quân của hai vua Trần, chúng tôi phải nhìn tổng thể và sử dụng tất cả những nguồn tư liệu như kể trên. Với việc nghiên cứu lần này, có thể nói chúng tôi đã trả lời được câu hỏi đó một cách tương đối thuyết phục, khẳng định Thiên Long Uyển - núi Thiên Liêu là nơi đóng đại bản doanh của hai vua Trần trong trận 1288. Và khi đã làm sáng tỏ giá trị của Thiên Long Uyển, chúng tôi cho rằng di tích hoàn toàn xứng đáng để xem xét lập hồ sơ đề nghị công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
- Được biết, đợt nghiên cứu lần này các anh còn phát hiện ra một vùng văn hoá Đông Sơn ở Thiên Long Uyển, hẳn là nằm ngoài dự tính của đoàn?
+ Đúng là ban đầu chúng tôi không đặt vấn đề nghiên cứu về văn hoá Đông Sơn, nhưng khi khai quật, làm rõ thì phát hiện ra rằng các dấu vết của nền văn hoá này tại khu vực Thiên Long Uyển vô cùng đậm đặc. Khi chúng tôi kết nối với những phát hiện về văn hoá Đông Sơn ở các khu vực lân cận, đã cho thấy một trung tâm văn hoá Đông Sơn rất lớn mà trước đây người ta chưa từng đề cập đến, với phát hiện mới về kiến trúc của người xưa.
Đó là phát hiện nằm ngoài dự kiến ban đầu, chính vì vậy chúng tôi cũng đã đề xuất là cần tiếp tục làm rõ các giá trị của văn hoá Đông Sơn ở khu vực xã Yên Đức trong thời gian tới đây.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Phan Hằng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()