Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:27 (GMT +7)
Thích ứng linh hoạt, đón tết an toàn
Thứ 2, 27/12/2021 | 09:58:47 [GMT +7] A A
Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang cận kề. Đã thành nét văn hoá lâu đời, ngày tết là dịp để đoàn viên, sum họp gia đình, đến nhà người thân, bạn bè chúc tụng, ăn uống, vui chơi, du xuân... Nhưng đó có lẽ là câu chuyện của 2 năm về trước. Giờ đây khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang hoành hành mạnh mẽ, nhất là sự xuất hiện của biến thể Omicron lây lan gấp 5-6 lần Delta, thì việc chơi tết của người dân cũng phải thích ứng linh hoạt, an toàn với tình hình mới.
Dịp tết chắc chắn nhu cầu đi lại, di chuyển về quê, từ địa phương này sang địa phương khác của người dân sẽ tăng cao. Cùng với đó, theo phong tục, việc đến nhà nhau chúc tết là không thể tránh khỏi. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, dịp tết nguy cơ gia tăng sự lây lan Covid-19 trong cộng đồng là rất cao, nhất là chúng ta chuyển trạng thái từ không Covid-19 sang sống chung an toàn với dịch bệnh. Đặc biệt, khi mà tỉ lệ tiêm chủng đạt khá cao, sự lo lắng về nguy cơ dịch bệnh bùng phát vào dịp tết là hoàn toàn có cơ sở, bởi nhiều trường hợp nhiễm Covid-19 nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ vì thế trong tiếp xúc rất khó biết được liệu người đối diện hay bản thân mình có mang mầm bệnh hay không.
Thực tế thì trên thế giới vào dịp Tết Dương lịch 2022 đang chuẩn bị diễn ra, nhiều quốc gia đã và đang đối mặt với sự bùng phát mạnh mẽ trở lại của Covid-19 với biến chủng mới Omicron xuất hiện, nhiều nước phải tái phong toả, hạn chế các hoạt động tập trung đông người.
Trước nguy cơ bùng phát dịch vào dịp tết, để đảm bảo công tác phòng, chống Covid-19, Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian nghỉ Tết âm lịch. Việc sinh hoạt, đi lại, giao thương của người dân trong thời gian nghỉ tết tuyệt đối tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K. Các địa phương căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh thực hiện đánh giá, cập nhật cấp độ dịch trên Cổng thông tin điện tử của địa phương và Bộ Y tế để có các biện pháp tăng cường đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn theo quy định tại Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế.
Với Quảng Ninh, xác định nguy cơ bùng phát dịch trong dịp tết đến, xuân về là rất cao, tỉnh đã sớm chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng dịch để nhân dân được đón Tết trong trạng thái thích ứng linh hoạt, an toàn. Nhấn mạnh tầm quan trọng của phòng, chống dịch dịp tết, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh phải đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết. Đạt được mục tiêu này, phải nâng cao năng lực thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 từ mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi xã phường. Đảm bảo đầy đủ thuốc vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực sẵn sàng để người dân khi mắc Covid-19 sẽ được tiếp cận nhanh nhất, hiệu quả nhất với các dịch vụ y tế, thuốc điều trị từ cơ sở và không để tình trạng người dân không liên hệ được với cơ sở y tế, với chính quyền cấp xã, không được tư vấn cũng như không được cấp phát thuốc kịp thời, giám sát điều trị kịp thời. Hàng tuần cấp huyện, cấp xã, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải đánh giá nguy cơ tiềm ẩn, nguy cơ hiện hữu để có giải pháp cho tuần tiếp theo, đặc biệt là tuân thủ nghiêm tầm soát ngẫu nhiên, chủ động sớm phát hiện ca F0 để có giải pháp xử trí kịp thời. Hệ thống chính trị ở cơ sở gồm lực lượng công an, y tế, cộng đồng dân cư nòng cốt là tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng phải vào cuộc tích cực, quyết liệt hơn nữa; đề cao ý thức của nhân dân trong phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K.
Chính quyền cấp xã phải siết chặt lại quản lý dân cư, quản lý cư trú, lưu trú, tạm trú, tạm vắng, nhất là quản lý số lao động ngoại tỉnh vào địa bàn đang làm việc ở tất cả các thành phần kinh tế. Mỗi cơ quan, đơn vị phải nâng cao tính chủ động của đơn vị mình trong việc điều tra, truy vết khoa học trên địa bàn quản lý, cũng như rà soát các điểm có mã QR code để kịp thời nắm bắt những vấn đề phát sinh, dự báo tình hình cũng như kịp thời chấn chỉnh các sơ hở nếu có.
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khuyến khích, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong dịp nghỉ Tết Dương lịch thực hiện lời kêu gọi của MTTQ tỉnh sẽ không về quê ăn Tết và ở lại tỉnh để hưởng ứng chiến dịch tiêm vắc xin tăng cường mũi 3 bảo vệ sức khỏe chính mình, gia đình mình và cộng đồng mình. Tiếp tục củng cố lực lượng y tế, trong đó có y tế cấp cứu sẵn sàng xử trí tình huống xấu nảy sinh từ nay tới tới Tết âm lịch và trong tình huống có thể xuất hiện biến chủng Omicron trên địa bàn.
Trong phòng, chống dịch, người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể. Chỉ khi người dân vào cuộc thật sự, tích cực, chủ động từ trong gia đình tới từng khu dân cư thì khi đó công tác chống dịch mới hiệu quả. Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang đến gần. Mỗi người dân, mỗi gia đình hãy biến khoảng thời gian ngày lễ, tết bằng cách quây quần đầm ấm bên gia đình nhỏ của mình, hạn chế di chuyển, đi lại, không tham gia hoạt động tập trung đông người nơi cộng cộng và luôn tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch. Làm được như vậy tết mới thực sự vui tươi, an toàn, xuân mới thực sự đầm ấm.
Thái Bình
- Thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng chống dịch
- Tự test nhanh - Người dân chủ động chống dịch
- Hiệu quả các tổ phòng, chống dịch Covid-19 cộng đồng ở Hạ Long
- Quảng Ninh tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo nhân dân đón Tết an toàn
- Quảng Ninh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 liều nhắc lại cho lực lượng tuyến đầu chống dịch
- Đồng lòng chống dịch
Liên kết website
Ý kiến ()