4
18
/
1100266
Thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19: Quảng Ninh vững vàng tâm thế “người khỏe mạnh”
longform
Thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19: Quảng Ninh vững vàng tâm thế “người khỏe mạnh”

T

hực hiện chiến lược chống dịch của Chính phủ là “sống chung với Covid-19”, từ địa bàn “Zero F0”, tỉnh Quảng Ninh đã vững vàng tâm thế chuyển trạng thái sang thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch. Tự tin về một “cơ thể khỏe mạnh” đã đi qua 4 làn sóng dịch bệnh trong 2 năm qua, khi bước lên “vũ đài” chống dịch trong trạng thái mới, Quảng Ninh quyết tâm tiếp tục giành thắng lợi “mục tiêu kép” và là một địa bàn mẫu về thích ứng, linh hoạt, an toàn trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19.

 

2

năm ứng phó với dịch bệnh toàn cầu Covid-19, một yếu tố an ninh phi truyền thống mới là hơn 700 ngày thử thách sự vững vàng, thích ứng của hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh, thử thách bản lĩnh của người đứng đầu – Tổng Tư lệnh của cuộc chiến tại địa bàn được xác định là một tuyến đầu của cuộc chiến.

Nhìn lại thành quả chống dịch năm 2020 thấy rằng, Quảng Ninh là một trong những địa bàn trọng điểm, tuyến đầu, chịu ảnh hưởng tiêu cực và sớm nhất tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là du lịch, dịch vụ do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây ra. Ứng phó trước một thách thức an ninh phi truyền thống mới mang quy mô, tính chất toàn cầu là đại dịch Covid-19, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc và cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, tích cực, phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, ưu tiên cao nhất cho công tác phòng chống dịch trước, lấy chống dịch thành công làm tiền đề để giữ vững đà tăng trưởng, chủ động ứng phó nhanh chóng kịp thời, có hiệu quả với dịch bệnh. Vì vậy đã giữ vững phên dậu phía Đông Bắc của Tổ quốc trong công tác phòng, ”chống dịch như chống giặc”.

Vững vàng vượt qua dịch bệnh, kết thúc năm 2020 tỉnh Quảng Ninh đã đạt được mức tăng trưởng GRDP hai con số, vượt thu ngân sách gần 10% so với dự toán Trung ương giao đầu năm, là một trong những địa phương đứng đầu cả nước và được đánh giá là năm thành công nhất của nhiệm kỳ 2015 – 2020. Đặc biệt, trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, Quảng Ninh tiếp tục là điểm sáng về sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Với phương châm mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt trên 6.700 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước, cao nhất ở khu vực phía Bắc. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều chỉ còn 0,36%. Toàn tỉnh có 85% trường chuẩn quốc gia; tỷ lệ bác sỹ/vạn dân đạt 14,8; tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 54,6; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%, đều cao hơn bình quân chung cả nước.

Bước sang năm 2021 trước diễn biến hoàn toàn mới của dịch bệnh do những biến chủng mới, nhất là biến chủng virus Dellta diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm, khó kiểm soát. Vừa phòng chống dịch bệnh vừa bảo vệ không để đứt gãy các chuỗi cung ứng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, phương châm chống dịch “3 trước, 4 tại chỗ” năm 2021 của Quảng Ninh đã được ứng biến rất linh hoạt, kịp thời, phù hợp. Đó là sự tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở cộng với phát huy tối đa tinh thần tự lực, tự cường, kết hợp chặt chẽ giữa các nguồn lực, nhất là nguồn lực “chính trị, tinh thần, niềm tin” của Nhân dân, truyền thống kỷ luật và đồng tâm của Vùng mỏ anh hùng theo phương châm “mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi gia đình, cộng đồng thôn, khu, bản là một pháo đài phòng, chống dịch bệnh.

Điều hành sản xuất tại Công ty nhiệt điện AES Mông Dương.

Vượt qua làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 3 hồi đầu năm - khi là một điểm dịch của cả nước và giữ được địa bàn là vùng xanh toàn trong đợt dịch lần thứ 4 trước “cơn bão” biến thể Dellta, Quảng Ninh là một trong số ít địa phương đến thời điểm này có được tốc độ tăng trưởng ở mức cao nhất của cả nước. Theo đó, 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 8,6%, cao hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,5%). Trong đó: Khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ước tăng 4,0% (cùng kỳ tăng 3,2%), khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,6% (cùng kỳ tăng 8,9%), khu vực dịch vụ tăng 5,5% (cùng kỳ tăng 3,5%).

Theo thống kê của Tổng Cục thống kê thì kết thúc 9 tháng đầu năm 2021, Quảng Ninh là một trong số ít các tỉnh có được mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2020 và được dự báo là một trong những trụ cột bù đắp cho tăng trưởng quốc gia năm nay.

D

ịch bệnh Covid-19 đã phủ bức tranh ảm đạm lên hoạt động sản xuất kinh doanh ở hầu hết các ngành kinh tế, các doanh nghiệp trong suốt ¾ thời gian của năm 2021. Rất ít địa phương duy trì được hoạt động phát triển kinh tế-xã hội đồng bộ trên địa bàn. Vì vậy, việc cuối tháng 12 tới đây, Quảng Ninh sẽ khánh thành và đưa vào sử dụng 3 công trình giao thông động lực, trọng điểm mới, gồm: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả và Cầu Cửa Lục 1, càng khẳng định sức mạnh nội sinh của vùng đất giàu năng lượng của sự đổi mới, sáng tạo, thần tốc, quyết liệt.

Chuỗi dự án hạ tầng chiến lược, mang giá trị mỹ quan kiến trúc, đô thị nổi bật của địa phương này sau khi hoàn thành sẽ giữ vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của trục tam giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Góp phần hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối mới, đảm bảo công tác quốc phòng, an ninh vùng Đông bắc của Tổ quốc.

3 công trình điểm nhấn Cầu Cửa Lục 1, Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả và Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái..

Trong bối cảnh ảm đạm do tác động ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 gây ra, lợi thế vùng xanh an toàn được Quảng Ninh sử dụng hiệu quả khi điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở một trạng thái mới. “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” từ thần tốc, quyết liệt hoàn thành các dự án đầu tư trọng điểm, động lực trên địa bàn nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của nhà đầu tư. Trở thành một động lực để Quảng Ninh đón đầu thu hút làn sóng chuyển dịch đầu tư mới trong giai đoạn “phục hồi” sau đại dịch.

Kết quả của vùng xanh an toàn, một “cơ thể khỏe mạnh” Quảng Ninh sẽ là chuỗi sự kiện trong thời gian cuối tháng 10 này là khởi công, khởi động 4 dự án có tổng mức đầu tư hơn 280.000 tỷ đồng. Gồm: Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh; Sân golf Đông Triều; Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh và Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1). Trong đó, nổi bật là Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 529/QĐ-TTg, có tổng mức đầu tư trên 230.000 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ tạo diện mạo đô thị mới, là sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, làm thay đổi đáng kể đời sống KT-XH của nhân dân trong vùng. Đặc biệt, sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, khai thác được tiềm năng, thế mạnh giáp biển khu vực TP Hạ Long, TX Quảng Yên, thu hút được đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham quan, trải nghiệm, khám phá.

Hay dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh được đầu tư tại phường Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả). Đây sẽ là dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG nhập khẩu đầu tiên của miền Bắc có công suất dự kiến là 1.500 MW. Khi hoàn thành, dự án bổ sung lượng điện lớn cho lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Đồng thời tiếp tục khẳng định Quảng Ninh là trung tâm sản xuất điện lớn của cả nước. Để hỗ trợ nhà đầu tư, TP Cẩm Phả đã tiến hành kiểm đếm, lên phương án đền bù, GPMB… Dự án bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1) cũng sẽ được khởi động đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật bến cảng tổng hợp. Khi hoàn thành sẽ hình thành đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa đường biển tại khu vực Cửa khẩu Móng Cái, là tiền đề để hình thành mạng lưới cơ sở hạ tầng logistics gắn liền với chuỗi dịch vụ hậu cần cảng: Vận tải - kho bãi - cảng biển với mô hình vận tải đa phương thức nhằm mang lại hiệu quả tối ưu cho hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Móng Cái.

Đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, gần một thập kỷ qua, tỉnh Quảng Ninh luôn là địa phương đi đầu cả nước trong đổi mới, sáng tạo, rất xuất sắc trong cụ thể hóa 3 đột phá chiến lược, tạo ra giá trị thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dịch bệnh Covid-19 không làm đứt gãy tốc độ phát triển của Quảng Ninh trong 2 năm qua cho thấy, đây tiếp tục là địa bàn hội tụ đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

T

hông suốt một quyết tâm: Giữ vững địa bàn “An toàn - ổn định trong trạng thái bình thường mới”; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính ngân sách, đầu tư công để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, tổng thu NSNN đạt 51.000 tỷ đồng, cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh tin tưởng những mục tiêu đặt ra sẽ thành công. Bởi nền tảng đang có vô cùng thuận lợi, 2 năm chống dịch giữ được địa bàn vùng xanh an toàn, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch vô cùng hợp lý từ dịch vụ – công nghiệp sang công nghiệp – dịch vụ đóng góp ngay vào kết quả tăng trưởng, phát triển của tỉnh và hoàn toàn phù hợp với trạng thái phát triển mới. Đặc biệt ngành du lịch, dịch vụ trải qua 2 năm ứng phó với dịch bệnh, bằng hàng loạt các cơ chế chính sách riêng của tỉnh đã chuẩn bị lực lượng, tổ chức lại phương thức hoạt động phù hợp tình hình mới và sẵn sàng bước vào giai đoạn phục hồi.


Không chỉ trong phát triển kinh tế mà sự chuẩn bị tâm thế cho người dân bước vào trạng thái chống dịch mới thực sự “khỏe mạnh”, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã thần tốc hoàn thành việc tiêm vắc xin mũi 1 và đang triển khai tiêm mũi 2 cho nhân dân trên toàn tỉnh. Quan điểm “bảo vệ sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất, là trên hết, trước hết”, được thực tiễn hóa bằng hành động cụ thể, bằng kết quả đạt được càng nhân lên niềm tin, tinh thần đoàn kết, truyền thống “kỷ luật- đồng tâm”, kết thành sức mạnh chống dịch của người dân vùng mỏ.

Điều đặc biệt sức mạnh đoàn kết đã được lan tỏa khi toàn bộ người dân tỉnh ngoài, người nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở Quảng Ninh đều đã và đang được tiêm chủng đầy đủ. Việc làm này vừa để “chia lửa” cùng với các địa phương khác lúc căng mình chống dịch, vừa là trách nhiệm của chính quyền chăm lo người dân và hơn hết là tính nhân văn, nghĩa đồng bào nơi vùng đất địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc.

Thi công cầu Vân Tiên (dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái).

Ông Johnny Tanis, Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 (Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương)TP Cẩm Phả, cảm kích chia sẻ: Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 sản xuất khoảng 7-9 tỷ kWh điện. Hiện công ty đang đóng góp đáng kể vào lưới điện quốc gia, đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định cho các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh phía Nam. Để vận hành nhà máy luôn có khoảng 10 chuyên gia nước ngoài và trên 200 cán bộ công nhân viên. Với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cũng như địa phương nơi công ty đứng chân, vừa qua 100% chuyên gia nước ngoài và người lao động của công ty đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Chúng tôi thật sự đánh giá cao những nỗ lực của Quảng Ninh trong việc đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm khó khăn chống đại dịch Covid-19 này. Chúng ta có niềm tin chiến thắng từ Quảng Ninh.

“Thích ứng, linh hoạt, an toàn, kiểm soát dịch Covid-19 trong bối cảnh chúng ta còn rất ít thời gian của năm 2021 để hoàn thành các mục tiêu đặt ra cho năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, làm dứt điểm và lượng hóa được kết quả. Mỗi người dân thực sự là chủ thể chính trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh, bảo vệ bình an cho mình, cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Cả hệ thống chính trị quyết tâm xây dựng Quảng Ninh là một trong những địa phương điển hình về phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện thành công “mục tiêu kép”, giữ vững đà tăng trưởng hai con số, vai trò cực tăng trưởng kinh tế toàn diện khu vực phía Bắc.” – Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký chỉ đạo.


Thực hiện: Lan Hương

Kỹ thuật đồ họa: Tất Đạt