Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:16 (GMT +7)
Thị trường trái phiếu đang dần ấm lại
Thứ 7, 25/03/2023 | 08:22:33 [GMT +7] A A
Gần 3 tuần sau khi hành lang pháp lý mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ban hành, thị trường đang dần ấm lại. Đây là bài học rất đáng giá trong thiết kế chính sách và ứng xử với thị trường.
Hôm qua báo chí đưa một thông tin rất đáng chú ý: các doanh nghiệp bất động sản đã huy động được hơn 20.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Cùng với số phát hành của Masan và một vài doanh nghiệp khác trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã đạt khoảng 1 tỷ USD.
Đây là thông tin rất tốt trên cơ sở chỉ có duy nhất một doanh nghiệp phát hành thành công 110 tỷ đồng trong tháng 1/2023, trong khi việc phát hành đã bị bóp nghẹt và tâm lý thị trường đông cứng kể từ đầu tháng 9/2022 khi nghị định 65 được ban hành với nhiều điều kiện siết chặt.
Tác động ngược của Nghị định 65 lên thị trường lớn đến mức, yêu cầu sửa đổi nghị định này đã được nêu rõ một nghị quyết của Chính phủ cuối năm ngoái để “cứu” thị trường.
Ngày 5/3 vừa rồi, Nghị định 08 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực, sửa đổi một số quy định của Nghị định 65. Chỉ trong vòng 3 tuần, tổng số tiền huy động gần 1 tỷ đô la như kể trên cho thấy, văn bản pháp lý này dường như đang giúp làm lành những vết thương tâm lý và bước đầu lấy lại niềm tin của thị trường.
Chỉ đạo của Thủ tướng và phản ứng chính sách lần này của Bộ Tài chính là đúng đắn nhằm thực hiện một chủ trương lớn: mở rộng thị trường trái phiếu doanh nghiệp để đa dạng hóa các kênh dẫn vốn, tránh phụ thuộc gần như hoàn toàn vào hệ thống ngân hàng.
Chủ trương phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi vào nhiều nghị quyết của Đảng từ nhiều năm trước, nhưng rồi chưa thành công cho đến các năm 2020, 2021 khi thị trường bùng nổ.
Thật đáng tiếc, vụ việc Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… nổ ra, kéo theo cách ứng xử không khéo léo và hành lang pháp lý bị thu hẹp bởi Nghị định 65 đã làm hỏng thị trường này, làm nhiều doanh nghiệp lao đao, kể cả các doanh nghiệp có năng lực tài chính thật sự và nhà đầu tư lo lắng.
Thậm chí, có doanh nghiệp than phiền, họ phát hành trái phiếu nhằm mở rộng đầu tư, tạo việc làm, đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước đúng theo chủ trương, luật pháp mà rồi bị coi như tội đồ.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam còn rất nhỏ so với quốc tế. Đến cuối năm 2022, quy mô thị trường của Việt Nam đạt gần 16% GDP, rất khiêm tốn khi xếp cạnh các quốc gia khác. Quy mô thị trường của Trung Quốc gần 37% GDP; Hàn Quốc gần 87% GDP; Nhật Bản gần 18% GDP; Singapore hơn 35% GDP; Thái Lan hơn 25% GDP; Malaysia hơn 55% GDP, theo báo cáo của Chính phủ.
Kênh trái phiếu co lại thì tín dụng ngân hàng đương nhiên lại là kênh dẫn vốn chính. Tuyệt đại các doanh nghiệp chỉ biết tìm đến ngân hàng để vay vốn ngắn và trung hạn để đầu tư dài hạn nếu không muốn tìm vốn tín dụng đen quá đắt đỏ và rủi ro. Nhưng rồi, cái room tín dụng chỉ được nới ra chỉ gần 2 tuần trước khi kết thúc năm, làm nhiều doanh nghiệp không thể vay vốn, tình trạng mất thanh khoản đã diễn ra khá phổ biến.
Tình thế trên nói lên tất cả: cần tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách an toàn, lành mạnh, ổn định để vượt ra tình thế này.
Nghị định 08 có hai điểm quan trọng.
Thứ nhất, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong trường hợp gặp khó khăn khi thanh toán gốc và lãi trái phiếu có thể sử dụng các tài sản hợp pháp của mình để đàm phán với các nhà đầu tư thanh toán bằng tài sản; và đàm phán với các nhà đầu tư để gia hạn thêm thời gian tới 2 năm.
Thứ hai, ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; ngưng các quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành; ngưng về thời gian để phát hành đối với một đợt trái phiếu, như nghị định 65 quy định và vì thế, dẫn đến thị trường bị bóp nghẹt thời gian qua.
Tác động của những điểm này đối với thị trường trong trung hạn đến đâu thì cần thêm thời gian, nhưng những tín hiệu của thị trường trong mấy tuần qua là tích cực.
Về phần mình, các nhà đầu tư cần đánh giá tiềm năng, độ rủi ro của các trái phiếu, của các doanh nghiệp phát hành nếu có ý định đầu tư. Cần đọc lịch sử tín dụng và điểm tín dụng tốt hay xấu, thể hiện qua các đợt huy động thành công vốn trong hay ngoài nước, khả năng thanh toán nợ đúng hạn.
Còn doanh nghiệp phát hành cần đảm bảo minh bạch thông tin và nhất là đảm bảo kinh doanh hiệu qủa để thu hút nhà đầu tư trái phiếu. Nhà đầu tư cũng cần được tham dự các buổi gặp mặt, hội nghị của doanh nghiệp phát hành để hiểu về chiến lược kinh doanh.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang chứng kiến hai xu hướng trái ngược. Nhiều doanh nghiệp phát hành không thành công, xin khất nợ trái phiếu; nhiều nhà đầu tư lo lắng, như ngồi trên lửa khi các khoản đầu tư của mình đang gặp rủi ro.
Tuy nhiên, còn rất nhiều doanh nghiệp vẫn phát hành thành công, mua lại trước hạn, thanh toán đúng hạn nhiều lô trái phiếu. Năng lực tài chính, kỹ năng quản trị, khả năng thanh toán và nhất là mức lãi suất của họ vẫn rất tốt.
Vấn đề hiện nay là cả Nhà nước, doanh nghiệp và nhà đầu tư cần bình tĩnh, tỉnh táo và khôn ngoan trong ứng xử với trái phiếu mới giúp khơi lại niềm tin thị trường.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()