Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:39 (GMT +7)
Thị trường phim trực tuyến: Phim Việt vừa cũ, vừa mờ
Thứ 2, 27/12/2021 | 22:41:29 [GMT +7] A A
Các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng trực tuyến nhận định phim trực tuyến là xu hướng tất yếu. Nhưng ở Việt Nam, loại hình này chỉ có thể lớn mạnh khi có những phim sản xuất dành riêng cho người Việt.
Hiện ở Việt Nam có hơn 10 nền tảng chiếu phim trực tuyến trả phí hoạt động sôi nổi. Thế nhưng, hầu hết vẫn ngập phim nước ngoài. Mảng phim Việt dành riêng cho nền tảng trực tuyến chưa nhiều về số lượng, chủ yếu là phim rạp cũ của các năm trước được mua bản quyền với giá rẻ, chất lượng cũng chưa cao.
Đại diện Galaxy Play, Danet trao đổi với Tuổi Trẻ về giải pháp cho phim trực tuyến ở Việt Nam khi đây là xu hướng tất yếu của phim ảnh toàn cầu.
Nhu cầu lớn nhưng quen xem lậu
Bà Vũ Quỳnh Hà, giám đốc sản xuất nội dung Galaxy Play, cho biết: "Thị trường phim Việt trực tuyến năm qua diễn ra rất sôi nổi. Dịch bệnh tuy ảnh hưởng kinh tế nhưng cũng góp phần tạo cho người dùng thói quen xem VOD (video theo yêu cầu) trả phí. Vì COVID-19, giãn cách xã hội, người dùng chọn hình thức giải trí trực tuyến nhiều hơn. Nhưng cũng chính vì COVID-19 mà kinh tế khó khăn, việc giải trí có trả phí chưa được người dùng ưu tiên".
Còn ông Hoàng Đình Vũ, trưởng phòng nội dung Danet, nhận định: "Với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng cho nền tảng trực tuyến khai thác và phát triển".
Dân số lớn và còn trẻ tuổi của Việt Nam là khách hàng tiềm năng cho nhiều ngành kinh doanh, trong đó phim trực tuyến không phải là ngoại lệ khi đây là thú vui giải trí thời thượng đối với người trẻ. Mặc dù vậy, thách thức vẫn nằm ở thói quen người dùng.
Theo quan sát của các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng trực tuyến, người Việt có thói quen xem phim trực tuyến, thậm chí xem nhiều là đằng khác. Nhưng thói quen trả phí lại chưa phổ biến. Một lý do quan trọng là tình trạng phim lậu tràn ngập.
"Phim trực tuyến hiện chưa phải là nền tảng mang lại lợi nhuận cao cho các doanh nghiệp Việt Nam vì đang phải cạnh tranh với rất nhiều nền tảng nước ngoài vốn có nhiều lợi thế về số lượng và chất lượng phim. Bên cạnh đó, phim lậu vẫn hoành hành, gây rất nhiều bất lợi cho chúng tôi" - ông Vũ nói.
Hướng đi tối ưu: sản xuất phim bộ độc quyền
Hướng đi tối ưu đối với các nền tảng vẫn là sản xuất phim Việt Nam dành cho khán giả Việt Nam. Trong hai năm qua, Galaxy Play đầu tư mạnh vào mảng nội dung phim bộ độc quyền - Galaxy Originals. Họ có kế hoạch sản xuất và công chiếu từ 18 đến 20 phim bộ độc quyền trên nền tảng vào năm 2022.
Bà Quỳnh Hà giải thích: "Đây là nhu cầu của khán giả xem phim trực tuyến, họ mong muốn được xem những bộ phim Việt chất lượng".
Là doanh nghiệp nổi trội trong ngành, Galaxy Play vẫn thừa nhận việc sản xuất phim Việt dành riêng cho nền tảng trực tuyến chưa thể nở rộ tại Việt Nam do kinh phí rất cao và đòi hỏi nhà sản xuất phải có kinh nghiệm. Với hơn 18 năm kinh nghiệm, đơn vị này đặt niềm tin rằng mảng phim Việt sẽ mang lại lợi nhuận trong tương lai gần.
Đại diện Danet cho biết so với vài năm trước, hiện nay số lượng phim Việt được sản xuất dành riêng cho nền tảng trực tuyến đã tăng lên nhiều. Đây là tín hiệu đáng khích lệ để không quá bi quan về thị trường trực tuyến.
Xác định khó cạnh tranh với các nền tảng nước ngoài có nguồn kinh phí khổng lồ, Danet tập trung sản xuất phim Việt Nam qua một dự án lớn chưa công bố.
Ông Hoàng Đình Vũ dự báo: "Không nằm ngoài xu hướng với thế giới, thị trường sẽ đầu tư nhiều hơn vào các phim Việt, có kịch bản gốc của Việt Nam nhằm tạo ra những tác phẩm chất lượng để thu hút khán giả Việt. Đây là cách duy nhất cạnh tranh với các nền tảng trực tuyến của nước ngoài. Chúng tôi tin năm 2022 sẽ rất sôi động cho các nền tảng trực tuyến và khán giả sẽ có rất nhiều sự lựa chọn".
Cạnh tranh xuyên biên giới nhưng bất bình đẳng
Bà Vũ Quỳnh Hà phân tích: "Thị trường phim trực tuyến có bản quyền tại Việt Nam hiện đang gặp khó khăn vì cạnh tranh từ các doanh nghiệp OTT (over the top - nội dung qua Internet) xuyên biên giới.
Đây là sự cạnh tranh bất bình đẳng bởi các doanh nghiệp OTT xuyên biên giới không phải kiểm duyệt nội dung phát tại Việt Nam, không đặt máy chủ tại Việt Nam và không đóng thuế cho Nhà nước Việt Nam, trong khi đó các doanh nghiệp OTT nội địa có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các điều kiện trên".
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()