Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:29 (GMT +7)
Thị trường phân bón 2023: Những tác động đa chiều
Thứ 5, 16/02/2023 | 16:58:45 [GMT +7] A A
Với tình hình chính trị - kinh tế bất ổn trên thế giới, giá phân bón thế giới và trong nước trong gần như cả năm 2022 đã bị đẩy lên cao và liên tiếp lập các kỷ lục mới. Tuy nhiên, từ quý IV/2022 đến nay, giá phân bón các loại trên thị trường, trong đó có phân đạm ure đã hạ nhiệt nhanh chóng khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón “trở tay không kịp”.
Giá giảm mạnh ở tất cả các chủng loại phân bón
Theo các bản tin của Argus và Fertecon (các Công ty dự báo, phân tích thị trường uy tín quốc tế), giá phân bón đã “giảm sốc” trong những tháng qua. Giá đạm ure trên thế giới suy yếu ở tất cả các thị trường từ quý IV/2022 do nhu cầu yếu và các nhà cung cấp phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt để đảm bảo doanh số bán hàng. So với tháng 9/2022, giá ure hạt trong Yuzhnyy từ 611 USD/tấn FOB (giá đã bao gồm chi phí vận chuyển lô hàng ra cảng, thuế xuất khẩu và thuế làm thủ tục xuất khẩu) xuống còn 335 USD/tấn FOB vào tháng 2/2023, tương đương giảm 45% chỉ trong 5 tháng.
Ure hạt đục Trung Đông từ mức 657 USD/tấn FOB thì nay là 372 USD/tấn FOB. Dự kiến trong tháng 2 và tháng 3/2023, giá Ure thế giới tiếp tục duy trì ổn định ở mức giá này hoặc có thể giảm nhẹ.
Tương tự như vậy, giá DAP thế giới đã giảm 10 tuần liên tiếp khi đang ở thời điểm trái vụ còn người mua tiếp tục chờ với kỳ vọng giá tiếp tục giảm. Giá mặt hàng này tại Ấn Độ đang duy trì ở mức 660 USD/tấn CFR, tại Mỹ ở mức 610-635 USD/tấn FOB. Các khu vực giao dịch đều trầm lắng do nhu cầu thấp. Ngoài ra, chi phí sản xuất có thể giảm nhiều hơn dự kiến và/hoặc nguồn cung có thể tăng nhiều hơn dự kiến vào quý 2, làm tăng thêm xu hướng giảm giá cho DAP.
Về mặt hàng phân bón kali, hoạt động thị trường kali MOP toàn cầu trầm lắng. Giá kali MOP tiếp tục giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu ở các khu vực chính chờ đợt giá tiêu chuẩn mới. Trong đó giá giảm mạnh nhất là 20 USD/tấn ở khu vực Asean, xuống còn 525-560 USD/tấn CFR, giảm 5 USD/tấn tại khu vực Brazil, Hoa Kỳ. Trong thời gian tới, trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu cao và chưa đến mùa vụ, giá có xu hướng giữ mức ổn định cho đến khi nhu cầu quay trở lại.
Với phân tổng hợp NPK, thị trường giao dịch ảm đạm với mức giá ở mức thấp do nhu cầu suy yếu và hầu hết người mua trên toàn thế giới tiếp tục ngừng mua do kỳ vọng giá sẽ giảm hơn. Các giao dịch chủ yếu là ở Nga và Nam Á. Giá NPK 15-15-15 Trung Quốc từ 700-735 USD/tấn CFR (giá CFR là giá thành và tiền cước phí áp dụng trong việc vận chuyển trên biển, vận chuyển đường thủy nội địa), NPK 10-26-26 ở Ấn Độ từ 610-625 USD/tấn CFR. Giá mặt hàng này dự kiến tiếp tục ổn định nếu nhu cầu cải thiện chậm hơn hoặc cạnh tranh bán hàng gia tăng trên toàn cầu
Đặc biệt, với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, nguồn cung phân bón toàn cầu tăng, logistics trở nên thông suốt, cước vận chuyển giảm mạnh trong khi nhu cầu sử dụng yếu đã khiến giá phân bón giảm mạnh trong mấy tháng trở lại đây, thiết lập mặt bằng giá ngày càng thấp trên toàn thế giới.
Thách thức với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp cần trên 10 triệu tấn phân bón các loại mỗi năm. Trong đó, nhu cầu phân ure 2,2 triệu tấn, phân SA 900 ngàn tấn, phân kali 960 ngàn tấn, phân DAP 900 ngàn tấn, phân NPK 4 triệu tấn và phân lân 1,8 triệu tấn.
Ông Phùng Hà, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, hiện công suất sản xuất phân đạm ure của 4 nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã lên tới 2,5 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ ở ngưỡng 1,6-1,8 triệu tấn/năm. Với phân bón chứa lân và phân tổng hợp NPK, công suất sản xuất trong nước cũng vượt xa nhu cầu. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 40% lượng phân DAP và toàn bộ lượng phân kali để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Tuy nhiên, do năm 2022 mức giá mặt hàng phân bón ở mức cao khiến sức mua của người nông dân yếu, ước tính nhu cầu nội địa trong năm 2022 giảm 20-30% tùy vào từng khu vực dẫn tới tiêu thụ nội địa gặp nhiều khó khăn và được dự báo thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.
Đặc biệt từ những tháng cuối năm 2022 khi thị trường phân bón thế giới giá giảm liên tục, việc xuất khẩu của các doanh nghiệp phân bón không còn thuận lợi như trước nên áp lực tiêu thụ trong nước lại càng cao, cạnh tranh khốc liệt trong thời điểm thấp vụ, nguồn cung vượt xa cầu.
Giá phân bón giảm một mặt giúp nông dân giảm bớt khó khăn nhưng mặt khác gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp phân bón. Giá giảm theo từng tuần, từng ngày khiến các đại lý vẫn nhập hàng cầm chừng với số lượng ít và tâm lý vẫn đợi giá giảm thêm khi nhu cầu chăm bón của người nông dân chưa nhiều. Điều này khiến các doanh nghiệp phân bón trong nước gặp rất nhiều khó khăn khi hàng sản xuất ra không tiêu thụ được, hàng tồn kho tăng cao.
Đặc biết, nếu như đầu năm 2022, giá phân bón tăng theo tỷ lệ thuận của giá dầu khí thế giới thì từ quý IV/2022 giá dầu khí tuy không tăng nhưng giá các loại phân bón lại liên tục giảm mạnh (đặc biệt là mặt hàng ure), trong khi giá bán đầu ra thấp và chậm nên áp lực tồn kho và chi phí tài chính đang vô cùng lớn, biên lợi nhuận giảm nhanh chóng. Thậm chí, có những lô hàng sản xuất ra của một số doanh nghiệp đã phải chấp nhận bán dưới giá thành.
Tuy nhiên theo một số chuyên gia, thị trường vẫn những có những điểm sáng khi mà trong những tháng gần đây, nông sản đã rộng cửa xuất khẩu, được mùa được giá, điều này khiến nông dân phấn khởi, an tâm tái đầu tư sản xuất. Về lâu dài điều này sẽ tác động tích cực lên việc tiêu thụ phân bón nội địa, qua đó giảm bớt áp lực tồn kho.
Trong khi đó, kinh tế toàn cầu vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ suy thoái khiến nhiều quốc gia chú trọng an ninh lương thực đẩy mạnh dự trữ hơn. Sản xuất nông nghiệp theo đó được duy trì và phân bón vẫn luôn là mặt hàng được ưu tiên hàng đầu.
Nhận thấy tín hiệu không mấy khả quan từ thị trường thế giới và nội địa với ngành phân bón, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh này đang triển khai nhiều giải pháp để không bị tồn kho cao, trong đó nỗ lực tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Theo ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng Giám đốc CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, cùng với việc đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường trong nước, doanh nghiệp đang tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu sang một số nước trong khu vực như Lào, Thái Lan, Mianma. Ngay trong tháng đầu năm 2023, Supe Lâm Thao đã có đơn hàng xuất khẩu 300 nghìn tấn supe sang Mianma và 100 nghìn tấn sang Nhật Bản.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()