Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:07 (GMT +7)
Thị trường nội địa: Đòn bẩy tăng trưởng kinh tế trong “bão dịch”
Thứ 2, 03/01/2022 | 13:10:44 [GMT +7] A A
Trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, thị trường nội địa đã trở thành một trong những động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 vừa qua.
Khai thác tốt thị trường nội địa
Là một trong những doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu, song trong những năm gần đây, Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) đã đầu tư hơn cho thị trường nội địa.
“Tôi nhận thấy thị trường nội địa với 100 triệu dân là thị trường rất tiềm năng cho các doanh nghiệp sản xuất thời trang như chúng tôi khai thác và chúng tôi đã có kế hoạch khai thác thị trường này cách đây 5 năm”, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vitajean cho biết.
Đồng thời, ông chia sẻ, 5 năm vừa qua, VitaJean đã đẩy mạnh phát triển thương hiệu V-Sixtyfour ở thị trường nội địa. Bằng các giải pháp như cải thiện phom dáng, màu sắc để phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam, thương hiệu V-Sixtyfour đã ngày càng được người tiêu dùng nội địa ưa chuộng. Do đó, doanh thu từ thị trường nội địa đã bù đắp một phần trong tổng doanh thu của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng và ảnh hưởng phần nào đến xuất khẩu.
VitaJeans là một trong những doanh nghiệp đã có sự chuyển hướng kịp thời về thị trường nội địa, trong bối cảnh dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gây khó khăn cho xuất khẩu hàng hóa. Đánh giá về vai trò của thị trường nội địa trong sự phát triển kinh tế, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, cho rằng, nhiều năm gần đây, vai trò của tiêu dùng nội địa quan trọng bởi tổng tiêu dùng hiện chiếm khoảng 70-75% GDP nên đây là một lực cầu rất lớn. Ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, thu nhập giảm sút, kinh tế khó khăn, nhu cầu thực sự người dân vẫn có, không chỉ tiêu dùng hàng hóa thiết yếu mà còn cả du lịch, dịch vụ.
Thực tế, ngay sau khi kết thúc thời gian giãn cách kéo dài trên phạm vi cả nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2021 đã lập tức tăng 18,1% so tháng trước. Đến tháng 11/2021, con số này tăng 6,2% so tháng trước. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn của thị trường nội địa trong tăng trưởng kinh tế.
Nhằm giữ thông suốt thị trường nội địa trong giai đoạn cả nước gặp khó khăn, Bộ Công thương đã triển khai rất nhiều giải pháp. Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, Bộ Công thương đã tạo các mối liên kết để giữ hàng hóa được lưu thông trên phạm vi toàn quốc. Đó là mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối; giữa doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể; giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau…
Vì vậy, ngay trong những ngày khó khăn nhất của dịch bệnh, khi người dân không thể ra ngoài do giãn cách, những phiên chợ lưu động vẫn được tổ chức thường xuyên, len sâu vào những nơi khó khăn nhất. Chuỗi cung ứng hàng hóa đã được duy trì ngay trong giai đoạn phức tạp nhất của dịch bệnh. Khi dịch bệnh được kiểm soát, mức tăng của thị trường nội địa đã đóng góp lớn cho mức tăng chung của nền kinh tế.
“Trong giai đoạn đỉnh dịch, TP Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phía Nam vẫn đủ hàng hóa cho nhu cầu sử dụng. Như vậy, chúng ta thấy rằng sức mạnh nội lực của sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam đã phát huy và đây chính là thành quả giúp cho chúng ta duy trì được chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân và đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế”, bà Nga khẳng định.
Hàng Việt Nam phải chinh phục người tiêu dùng Việt Nam
Năm 2022, thị trường nội địa được đánh giá sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ khi dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát. Chia sẻ về những định hướng nhằm chinh phục tốt hơn thị trường nội địa, ông Phạm Văn Việt cho biết, VitaJean kiên định mục tiêu xây dựng một thương hiệu dành riêng cho người Việt Nam, với phom dáng phù hợp và mang đậm màu sắc văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm chinh phục thị trường nội địa.
Để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp chinh phục thị trường, bà Lê Việt Nga cho biết, trong năm 2022, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam theo chiều sâu hơn nữa, ở một tầm cao hơn nữa về cách thức triển khai cũng như chất lượng triển khai cuộc vận động. “Chúng ta sẽ vận động làm sao để hàng Việt Nam chinh phục được người Việt Nam, giúp hàng Việt Nam thắng trên sân nhà khi 17 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, hàng nước ngoài bắt đầu tràn vào thị trường nội địa khi thuế đã hạ xuống”, bà Nga khẳng định.
Gợi mở giải pháp cho doanh nghiệp có thể chiếm lĩnh thị trường nội địa tốt hơn trong thời gian tới, TS Võ Trí Thành cho biết, hiện nay, có thể chia người tiêu dùng làm 3 nhóm, nhóm thứ nhất là thu nhập giảm sút, thì nhu cầu của họ chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu. Nhóm thứ hai là tầng lớp có thu nhập, có tích lũy, song tiêu dùng thận trọng. Còn tầng lớp thứ ba là trung lưu, có thu nhập, có tiết kiệm, và có nhu cầu tiêu dùng trả thù. Đây chính là nhóm tiêu dùng rất mạnh mẽ.
“Hiện nay Chính phủ đang có những giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa. Bên cạnh cơ hội này, doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi số, đầu tư công nghệ, bắt kịp nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, hàng Việt Nam phải chinh phục tốt người tiêu dùng Việt Nam”, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Bộ Công thương khuyến cáo doanh nghiệp nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa tại các chợ truyền thống. Đồng thời đẩy nhanh số hóa ngành thương mại trong nước bằng cách kết hợp thương mại điện tử, công nghệ số để giúp tiết kiệm được hơn nữa chi phí logistics, giảm giá thành để người dân Việt Nam được tiếp cận hàng hóa tốt và có giá thành hợp lý.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()