Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:37 (GMT +7)
Thị trường bất động sản dần lấy lại sinh khí
Thứ 5, 10/08/2023 | 15:49:56 [GMT +7] A A
Dù trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với động thái quyết liệt gỡ khó từ Chính phủ, cũng như nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp, thị trường bất động sản bắt đầu có những bước phục hồi cơ bản.
Nhiều dự án đã có lối ra
Cùng thời điểm Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản diễn ra chiều 3/8, Sở Xây dựng Đồng Nai có Công văn số 2797/SXD-QLN-TTBĐS về việc cho phép một số căn biệt thự thuộc phân khu I và V, Dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Trên thực tế, các căn biệt thự trên từng được Sở Xây dựng Đồng Nai cho phép bán nhà ở hình thành trong tương lai từ năm 2020. Nhưng đến tháng 11/2022, cơ quan này ra quyết định hủy công nhận đủ điều kiện kinh doanh, với lý do chủ đầu tư chưa được các tổ chức tín dụng cam kết bảo lãnh tài chính.
Đây là trường hợp hy hữu lần đầu ghi nhận tại thị trường bất động sản phía Nam. Theo đánh giá của lãnh đạo Novaland, đó là tín hiệu tích cực khi những vướng mắc dần được tháo gỡ, là tiền đề để Dự án Aqua City tiếp tục hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan cho khách hàng.
Cùng với việc hoàn tất thủ tục đối với những căn nhà đã bán cho khách hàng, UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho phép Novaland được lập và trình thẩm định điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 song song với việc thực hiện phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu C4; tiếp tục triển khai việc đầu tư xây dựng, bán hàng đối với các hạng mục phù hợp với quy hoạch chi tiết được phê duyệt để thực hiện cam kết với khách hàng, có nguồn tiền để tiếp tục đầu tư các dự án, từng bước tháo gỡ khó khăn.
Trong khi đó, tại Bình Thuận, Dự án Novaworld Phan Thiết bắt đầu có “nhịp sống” trở lại kể từ khi Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm việc với Novaland để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục của dự án này. Trên thực tế, lãnh đạo tỉnh này vẫn đang trong quá trình xem xét, tìm cách gỡ khó cho Dự án.
Tại thị trường phía Bắc, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) cho biết, Dự án Palm Manor ở TP. Việt Trì, Phú Thọ của Công ty bắt đầu có những chuyển biến tích cực sau những chỉ đạo cụ thể của Chính phủ. Dự án này được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2013 với quy mô 58 ha, nhưng những vướng mắc về giải phóng mặt bằng kéo dài nhiều năm khiến Dự án mới triển khai được một phần nhỏ.
Đến nay, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã thông báo các biện pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ Dự án Paml Manor, giao đất từng phần để chủ đầu tư chủ động hơn về tổ chức thi công. “Những quyết định cụ thể, xử lý dứt khoát của cơ quan các cấp Phú Thọ đã tạo đà cho Dự án chuyển động tích cực và khả năng đầu năm 2024 sẽ có sản phẩm cung cấp cho thị trường”, ông Hiệp nói.
Thông tin về tình hình gỡ vướng cho các dự án bất động sản, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, từ kiến nghị của Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã xem xét, xử lý 112 văn bản kiến nghị. Trong đó, 102 văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 10 văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét giải quyết, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền.
Hiện tại, các địa phương đều tích cực tập trung giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản. Đến nay, TP. Hà Nội đã chỉ đạo và giải quyết được 419 dự án trong tổng số 712 dự án ban đầu; TP.HCM đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án, chiếm 37,2% số lượng dự án ban đầu (180 dự án).
Doanh nghiệp mong đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ
Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ban hành nghị quyết, công điện, chỉ đạo đôn đốc tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản đã giúp thị trường bớt ảm đạm hơn. “Một vài chủ đầu tư đã có tín hiệu phục hồi, mặc dù số doanh nghiệp bất động sản phải giải thể, ngừng hoạt động còn lớn”, ông Nguyễn Quốc Hiệp nói.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý II/2023, giá bán bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục xu hướng giảm, song mức độ giảm không nhiều như cuối năm trước do các chi phí vốn vẫn ở mức cao. Ngoài ra, giá bán của phân khúc biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương tiếp tục giảm khoảng 2 - 5% so với quý trước đó. Cá biệt tại Dự án Vinhomes Ocean Parl 3, giá sản phẩm liền kề shophouse được rao bán giảm khoảng 10 - 15% so với giá gốc và có thể tiếp tục được điều chỉnh về giá trị phù hợp, tương xứng giá trị đầu tư của sản phẩm và hạ tầng khu vực. |
Theo ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland, cho đến nay, các dự án của tập đoàn này căn bản đã có hướng giải quyết cụ thể và đang trong tiến trình tháo gỡ. Dù vậy, ông mong Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tháo gỡ triệt để các vướng mắc về pháp lý cho toàn bộ các dự án trên cả nước trong thời gian ngắn nhất.
Các doanh nghiệp cho rằng, việc các dự án được gỡ vướng, tái khởi động, hoặc được phép ký hợp đồng mua bán là những điểm sáng tích cực đóng góp vào nguồn cung nhà ở và củng cố niềm tin của khách hàng giữa bối cảnh thị trường còn rất nhiều khó khăn. Song, không phải doanh nghiệp nào cũng may mắn như vậy.
Tại TP.HCM, Dự án Shizen Home của Gotec Land là một trong 5 dự án đầu tiên được Thành phố có chủ trương tháo gỡ khó khăn vào đầu năm 2023 khi cho phép doanh nghiệp được bán nhà ở hình thành trong tương lai. Thế nhưng, đến nay, Dự án vẫn chưa có lối ra, doanh nghiệp vẫn chờ thông báo chính thức từ Sở Xây dựng TP.HCM.
Lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ, trước đó, vì quá khó khăn, bị dồn đến chân tường, họ đã kiện Sở Xây dựng do “năm lần bảy lượt” nộp hồ sơ đến Sở xin giải quyết thủ tục cấp thông báo đủ điều kiện bán nhà ở trong tương lai theo Luật Kinh doanh bất động sản, làm cơ sở cho doanh nghiệp bán hàng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhìn nhận, cần ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, các địa phương. Tại TP.HCM, mỗi tuần lãnh đạo đều có cuộc họp chuyên đề về bất động sản để tháo gỡ khó khăn. HoREA và Sở Xây dựng đang rà lại các vướng mắc. Tuy vậy, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vẫn còn rất chậm. “Cần làm nhanh hơn nữa, khẩn trương hơn nữa, kịp thời hơn nữa”, ông Châu nói.
Bộ Xây dựng đánh giá, tổng hợp các kiến nghị cho thấy, hầu hết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của các địa phương, chủ yếu do địa phương hiểu và áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, chưa đúng... Các địa phương đang tích cực giải quyết, song việc tháo gỡ vướng mắc còn nhiều khó khăn do quá trình thực hiện nhiều dự án kéo dài. Pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, nên các vướng mắc rất khó tháo gỡ.
Bộ Xây dựng cho rằng, đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết; chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Theo Báo Đầu tư
Liên kết website
Ý kiến ()