Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:53 (GMT +7)
Theo dấu sử xanh
Thứ 2, 05/06/2023 | 10:01:37 [GMT +7] A A
Theo con đường tỉnh lộ 326, từ phường Hoành Bồ, chúng tôi đến thăm Sơn Dương - một xã miền núi nằm ở phía Tây Bắc của thành phố Hạ Long.
Xã Sơn Dương trước đây thuộc tổng Trí Xuyên, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên. Tháng 9/1949, xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ trực thuộc khu Hòn Gai. Đến tháng 2/1955, Sơn Dương thuộc khu Hồng Quảng. Ngày 30/10/1963, tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng hợp nhất lại thành tỉnh Quảng Ninh. Xã Sơn Dương vẫn thuộc huyện Hoành Bồ. Cho đến ngày 17/12/2019, huyện Hoành Bồ sáp nhập với thành phố Hạ Long, xã Sơn Dương trở thành một trong 12 xã (và 21 phường), của thành phố Hạ Long như ngày nay.
Xã Sơn Dương có khá nhiều núi đá vôi và hang động lớn, núi cao, rừng rậm um tùm. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Sơn Dương là địa bàn chiến lược quan trọng kết nối vùng Đông Triều - Chiến khu Trần Hưng Đạo qua Quảng Yên và vùng tự do Bắc Giang. Để tạo vành đai an toàn cho khu mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả, thực dân Pháp đã ráo riết xây dựng hàng loạt các đồn bốt, lập vùng tề trên đất Sơn Dương. Các đảng phái chính trị như Việt Cách, Việt Trí... cũng ra sức lôi kéo, tuyên truyền nhân dân. Các cán bộ Việt Minh của ta khi ấy đều phải dựa vào các hang động, thung lũng, lập các lán trại, dựa vào các nhà dân để hoạt động.
Từ con đường Nguyễn Trãi, phường Hoành Bồ, rẽ trái theo tuyến đường cầu 3 Tấn - Đồng Đạng, chúng tôi đi thêm chừng cây số thì đến thôn Vườn Rậm. Cầu 3 tấn còn có tên dân dã là cầu Cháy. Trước đây, cầu làm bằng gỗ, nối vùng rừng núi Sơn Dương với phố Trới (huyện Hoành Bồ). Thời ấy, xã Sơn Dương là vùng tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Quân Pháp thường xuyên tổ chức các cuộc càn quét vào sâu trong căn cứ cách mạng của ta ở Sơn Dương. Có giai đoạn chúng đóng đồn, lập bốt ở một số thôn làng như Mỏ Đông, Vườn Rậm... Để chặn đứng con đường tiếp tế, vận tải của giặc Pháp, bộ đội Việt Minh đã phá hủy cây cầu. Sau mấy lần sửa chữa, cây cầu có diện mạo như ngày nay. Xe dưới 7 tấn được phép đi qua, chứ không phải chỉ có xe 3 tấn như hồi trước nữa.
Phía bên phải cổng thôn Vườn Rậm, ngay cạnh con đường liên xã là Nhà bia tưởng niệm, ghi dấu sự kiện các chiến sĩ của Đại đội Hồ Chí Minh đã hy sinh trong trận chống càn của giặc Pháp đầu năm 1947.
Đại đội Hồ Chí Minh là đơn vị vũ trang thống nhất đầu tiên của khu mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả. Lực lượng nòng cốt hầu hết là công nhân và con em công nhân mỏ. Đó là đại đội vũ trang duy nhất được vinh dự mang tên Bác Hồ - Đại đội Hồ Chí Minh, thành lập ngày 30/12/1946, tại căn nhà hai tầng bằng đất của một tướng thổ phỉ mà ta chiếm được (nay là khu vực Bưu chính xã). Đại đội có nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan lãnh đạo của đặc khu đóng tại Sơn Dương.
Rạng ngày 11/1/1947, giặc Pháp huy động một lực lượng lớn lính Âu Phi và lính dõng mở đợt càn quét lớn, âm mưu tấn công, tiêu diệt cơ quan đầu não của ta đóng tại Sơn Dương, xóa sổ khu căn cứ và uy hiếp tinh thần của nhân dân. Trung đội đầu tiên của ta trong quá trình vận động đến khu vực thôn Đồng Vang, xã Sơn Dương đã lọt vào ổ phục kích của giặc. Trong cuộc chiến không cân sức này, 34 chiến sĩ của Đại đội Hồ Chí Minh đã anh dũng hy sinh. Nhưng tiếng súng đầu tiên vang lên đã báo hiệu cho các đơn vị của đại đội kịp thời chiến đấu, cản bước tiến và truy kích địch, bảo vệ an toàn tuyệt đối cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến.
Trên con đường liên thôn, phía đông Nhà bia tưởng niệm 34 chiến sĩ, xóm Đồng Má, thôn Vườn Rậm là cánh đồng lúa đang xanh. Xuyên qua bìa rừng bên cạnh cánh đồng, phía trên là con đường cao tốc rộng rãi, đẹp đẽ chạy qua. Khách vãng lai có mấy ai để ý rằng nơi đây đã từng diễn ra một trận đánh ác liệt, 34 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Từ sau trận chống càn, nhận thức rõ tầm quan trọng của vị trí của huyện Hoành Bồ với khu mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả, cơ quan Liên tỉnh ủy Quảng Hồng đã quyết định lập căn cứ kháng chiến ở Khe Soong (thôn Vườn Cau, xã Sơn Dương). Từ căn cứ này, Đặc khu ủy đã mở rộng địa bàn, xây dựng Đảng, chính quyền đoàn thể và lực lượng kháng chiến. Ngày 23/3/1947, tại Khe Cả, thôn Đồng Vang, xã Sơn Dương, Huyện ủy Hoành Bồ được thành lập. Ngày 12/10/1948, tổ chức Đảng cấp trên đã ra quyết định thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xã Sơn Dương. Tuy lực lượng còn mỏng, nhưng với tinh thần quả cảm, lý tưởng cao đẹp, công tác tuyên truyền, tổ chức đúng đắn, các cán bộ Việt Minh đã lãnh đạo, xây dựng thành công các khối chính quyền, đoàn thể và các lực lượng kháng chiến của xã. Đặc biệt, nhờ tinh thần yêu quê hương đất nước sâu sắc, thiết tha của nhân dân xã Sơn Dương mà nơi đây đã trở thành Căn cứ địa cách mạng vững chắc của Đặc khu ủy Hòn Gai, đồng thời cũng là Căn cứ kháng chiến của huyện Hoành Bồ trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Sơn Dương cũng là vùng sơ tán an toàn cho các cơ quan đầu não của tỉnh, huyện... trong các cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân tỉnh ta sau này. Tại vị trí Vọng gác năm xưa, lối vào cơ quan huyện ủy ngày ấy, năm 2017 các cấp chính quyền đã tổ chức xây dựng Nhà Bia ghi dấu nơi thành lập huyện ủy đầu tiên ở Khe Cả, thôn Đồng Vang, xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân xã Sơn Dương tự hào vì có các căn cứ cách mạng của Đặc khu, là khu an toàn của tỉnh và huyện đóng. Có những giai đoạn nhân dân xã cùng đồng cam, cộng khổ, nuôi giấu, che chở cán bộ, kiên cường đấu tranh với kẻ thù trong các cuộc càn quét, bắt bớ, lập tề của giặc. Ở các thôn xóm có rất nhiều người tham gia các phong trào “Hũ gạo nuôi quân”, “Hội mẹ chiến sĩ”, tham gia các bộ phận Ủy ban bảo vệ, Ban tiếp lượng, Ban Dân vận, Xưởng công binh...
Vợ chồng bà Phạm Thị Thưởng (sinh năm 1930, thôn Vườn Rậm), ông Hoàng Lộc (sinh năm 1929, ở thôn Vườn Cau) là những thanh niên trong xã tham gia rất nhiệt tình các công tác đoàn thể. Ông Lộc sau khi gia nhập bộ đội chống Pháp còn tham gia lực lượng vũ trang xã một thời gian dài. Trong lần gặp gỡ, trò chuyện cùng chúng tôi, bà Nguyễn Thị Long năm nay đã 88 tuổi, ở thôn Cây Thị còn rất minh mẫn, vẫn nhớ những ngày kháng chiến chống Pháp, bà cùng các chị em tham gia Đội nữ dân công gánh lương thực từ Đông Triều, Bắc Giang tiếp tế gạo cho bộ đội Việt Minh ở Hoành Bồ. Đêm có khi phải trú trong những hang động Sơn Dương, nhét mắm tôm vào quả cà chua, nướng trên bếp than ăn để có sức gánh hàng. Hồi đó cô sơn nữ mới có mười mấy tuổi đầu. Còn rất nhiều tấm gương các bà, các ông tham gia gia ủng hộ cách mạng cho đến tháng 2/1955, Khu mỏ hoàn toàn giải phóng. Đáng tiếc là những người như bà Long, ông Lộc... vì tham gia theo các giai đoạn, và có khi cũng chẳng để ý đến việc lưu giữ các giấy tờ liên quan nên không được xét cấp danh hiệu người có công với cách mạng sau này. Đất nước ta thời nào cũng thế, luôn có những người dân với tâm hồn trong sáng, không vụ lợi, luôn hoàn thành vô điều kiện những nhiệm vụ đoàn thể, cấp trên giao, chỉ mong quê hương sớm có hòa bình, được bình an lao động, sinh sống trên mảnh đất cha ông để lại.
Thiên nhiên rừng núi, suối khe, hang động xã Sơn Dương cũng là nơi che chở, bảo vệ cho quân và dân ta trong suốt những năm kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Có những giai thoại kỳ lạ ẩn khuất quanh những câu chuyện nửa hư, nửa thực về những vị sơn thần. Chuyện rằng, trong hang Đồng Đạng (xã Sơn Dương ngày ấy) có một cái nồi đồng rất lớn. Những ai vào trú ẩn trong hang mà không biết, đội cái nồi lên là lập tức sấm chớp nổi dậy đì đùng, mưa to gió lớn, trời đất hỗn mang, không biết đường về.
Vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, trong công cuộc đổi mới và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, năm 2010, Đảng và Nhà nước ta đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho cán bộ và lực lượng vũ trang, nhân dân xã Sơn Dương.
Thời gian đã lùi xa. Dấu vết trận đánh ác liệt năm xưa của Đại đội Hồ Chí Minh trong trận chống càn năm ấy giờ vẫn thẳm xanh trong những trang sử hào hùng của đất nước, trong ký ức của những vị lão niên của thôn làng.
Lại Tuấn Hiền
Liên kết website
Ý kiến ()