Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:57 (GMT +7)
Thêm vòng đời cho rác "tái sinh"
Thứ 5, 24/10/2024 | 09:36:09 [GMT +7] A A
Không còn là phế liệu bị vứt bỏ tại nơi tập kết rác thải, vỏ lon, chai nhựa, bao nilon, túi vải thừa... đang được "tái sinh" một vòng đời mới, có ích và rực rỡ hơn qua sự sáng tạo của những con người với đôi bàn tay tài hoa. Việc làm này không chỉ giảm thiểu sự tác động của rác thải đến môi trường, mà còn đem lại lợi ích kinh tế và lan tỏa lối sống xanh đến cộng đồng.
Những sản phẩm độc đáo từ rác
Từ các mảnh kính và chai, lọ thuỷ tinh bị bỏ đi sau khi sử dụng, chàng trai Hứa Duy Thanh (phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) đã nghiên cứu cách tái chế thành những bức tranh độc đáo, được nhiều người yêu thích. Việc làm này của anh Thanh bắt đầu vào năm 2020 khi tình cờ đọc được bài báo về bãi biển thủy tinh lấp lánh sắc màu ở Mỹ.
Đến nay, anh Thanh đã có cho mình một gia tài là hàng trăm bức tranh đầy màu sắc từ các chai, lọ thủy tinh. Anh Thanh chia sẻ: Việc biến những chai lọ cũ, mảnh thuỷ tinh vỡ thành vật dụng có ích là nhằm góp phần nhỏ giảm bớt rác thải từ chai lọ thủy tinh khó phân hủy ra môi trường. Tôi mong muốn những bức tranh này sẽ truyền cảm hứng cho cộng đồng, giúp mọi người cảm thấy yêu môi trường sống hơn, từ đó có thêm ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống xung quanh.
Lan toả ý nghĩa của việc tái chế rác thuỷ tinh, anh Thanh đã tặng tranh của mình cho bạn bè, các CLB, tổ chức những buổi workshop để gây quỹ cho trẻ em gặp khó khăn, hay chương trình "Đổi rác lấy quà" ở các trường học.
Tương tự, những lốp xe cũ cũng được khoác lên mình một màu sắc tươi đẹp hơn và trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo nhờ bàn tay khéo léo của anh Nguyễn Đức Toàn (phường Cao Thắng, TP Hạ Long). Dù chưa một ngày học về mỹ thuật, nhưng bằng sự sáng tạo của mình anh Toàn đã biến những chiếc lốp xe bỏ đi thành nhiều đồ vật ngộ nghĩnh, các con vật đáng yêu như voi, khủng long, tê giác, đại bàng…
Để có nguyên liệu thực hiện, anh Toàn đã thu gom lốp xe cũ từ nhiều nơi, đặc biệt là ở những cửa hàng sửa xe. Dần dần, anh trở thành khách quen của các tiệm sửa xe quanh nhà, cứ có lốp xe không sử dụng họ đều nhớ tới anh. Anh Toàn cho biết: Khi hoàn thiện con voi đầu tiên, tôi chỉ để trong nhà, nhưng sau một thời gian suy nghĩ, tôi quyết định mượn mảnh đất nhà hàng xóm làm nơi trưng bày, để người dân trong khu phố có thể tham quan, vui chơi, chụp hình lưu niệm… Tôi cũng tạo ra những con vật nhỏ từ lốp xe để tặng bạn bè, người thân sử dụng trang trí, nhằm lan tỏa lối sống xanh, góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường bằng việc tái chế những đồ dùng cũ.
Cũng từ bàn tay khéo léo của những người phụ nữ, những chiếc làn từ nguyên liệu tái chế đã ra đời, từng bước hình thành thói quen thân thiện với môi trường trong sinh hoạt hằng ngày của nhiều người dân. Qua đó, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa và lan tỏa lối sống xanh. Từ cuối năm 2022, Chi hội Phụ nữ khu 10 (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) thành lập Tổ thu gom tái chế rác thải nhựa với 8 thành viên. Hằng ngày các thành viên thu gom dây buộc gạch từ các công trình xây dựng về để đan thành những chiếc làn nhựa có thể dùng để đựng đồ, đi chơi, đi làm. Đặc biệt, các sản phẩm còn được Hội LHPN phường Bãi Cháy trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ, mang lại lợi ích về kinh tế.
Cùng ý tưởng mô hình đan làn đi chợ từ rác thải nhựa, Hội LHPN phường Hà Trung (TP Hạ Long) đã sản xuất được trên 4.000 chiếc làn, sản phẩm được tiêu thụ rộng khắp ở trong và ngoài tỉnh. Thành quả đó xuất phát từ nhận thức hết sức nghiêm túc về việc bảo vệ cảnh quan, môi trường trước một lượng lớn rác thải hữu cơ như dây nhựa, túi nilon, chai nhựa… hằng ngày xả ra môi trường. Việc làm của Hội LHPN phường Hà Trung đã góp phần hạn chế hàng nghìn tấn dây nhựa thải ra môi trường, cũng như lan tỏa, thay đổi thói quen sử dụng túi nilon để đi chợ mua bán hàng hóa sang dùng làn, nhằm giảm thiểu rác thải nhựa.
“Sống xanh” vì tương lai xanh
Thay vì dùng một lần rồi bỏ đi, các loại rác thải nhựa khi dùng xong đã được sử dụng cho những mục đích hữu ích khác. Điều này không chỉ để mỗi người thỏa sức sáng tạo với những thứ tưởng như không còn giá trị, mà còn góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, hình thành thói quen “sống xanh” trong cộng đồng.
Tại nhiều trường học, việc tạo một vòng đời mới cho rác thải đã và đang được nhiều bạn trẻ hưởng ứng. Với chủ đề “Cùng hành động để thay đổi thế giới”, năm 2021, CLB Tái chế xanh của Trường Đại học Hạ Long ra đời nhằm nâng cao nhận thức cho đoàn viên, sinh viên nhà trường về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường. Công việc của các thành viên trong CLB sau những giờ học chính khóa là thu gom, phân loại các loại rác thải, sau đó thực hiện xử lí rác thành phân hữu cơ, hoặc tái chế thành vật dụng sinh hoạt, giảm thiểu tối đa nhất việc gây ô nhiễm môi trường của các loại rác thải.
CLB cũng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động đoàn viên, sinh viên cùng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy; thu gom, phân loại, tái chế các sản phẩm đã sử dụng từ nhựa, bao, bì, túi nilon và xử lý theo quy định, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Trong năm 2024, CLB đã tổ chức "Ngày hội đổi rác lấy quà", thu được gần 160kg rác tái chế các loại.
Các cấp hội LHPN cũng có nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, nhất là phân loại, tái chế rác thải. Mô hình “Ngôi nhà xanh” tại Hội LHPN phường Minh Thành (TX Quảng Yên) là một điển hình tiêu biểu. Với mô hình này, những vỏ lon, chai nhựa dùng một lần sẽ được hội viên, phụ nữ tập kết tại “Ngôi nhà xanh” và được bán gây quỹ giúp hội viên và học sinh khó khăn trên địa bàn.
Đến nay, Hội LHPN phường Minh Thành đang duy trì 6 “Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải nhựa tại 4 chi hội. Thông qua mô hình này, đã góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức cho chị em phụ nữ trong thực hiện tiêu chí “3 sạch”, bảo vệ môi trường sống, tạo thói quen phân loại rác thải tại hộ gia đình.
Còn tại Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh, năm 2022, doanh nghiệp này đã đưa vào vận hành mô hình “Ngân hàng rác - Gửi rác, rút tiền”. Mỗi kg rác thải tương đương 1 điểm quy đổi thành tiền từ 3.000-11.000 đồng tùy loại rác thải. Không chỉ dừng lại ở việc đổi rác trong cán bộ, công nhân viên, công ty đã phối hợp với các xã, phường, trường học trên địa bàn để thu gom rác của người dân làm nguyên liệu, nhiên liệu cho hoạt động sản xuất của đơn vị.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh, cho biết: Lợi ích lớn nhất mà mô hình này mang lại chính là nâng cao nhận thức, khuyến khích nhân dân trên địa bàn quan tâm và chung tay bảo vệ môi trường thông qua việc phân loại rác, tái chế, biến rác thải thành tài nguyên. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu sẽ xây dựng thành công 1.000 điểm thu gom chi nhánh của "Ngân hàng rác" đến cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.
Nhằm lan tỏa lối “sống xanh” đến thế hệ trẻ, mới đây Thư viện tỉnh đã tổ chức Hội thi "Sáng tạo với sách, báo cũ". Tại hội thi, hơn 300 thí sinh là học sinh cấp tiểu học và THCS các trường trên địa bàn tỉnh đã trực tiếp làm các mô hình, sản phẩm từ sách, báo cũ và trình bày ngắn gọn về ý tưởng thực hiện tác phẩm. Mỗi sản phẩm tại hội thi đã thể hiện sự đam mê, tâm huyết của các em và lan tỏa thông điệp “Bảo vệ môi trường, tái chế tài nguyên, gìn giữ hành tinh xanh”, từ đó khuyến khích mọi người sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, hướng đến lối sống bền vững.
“Sống xanh” không còn là một khái niệm mới mẻ, mà đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành lối sống tích cực được rất nhiều người hưởng ứng, nhất là giới trẻ. Bằng nhiều cách làm khác nhau, gắn với chính đời sống, công việc hằng ngày, nhiều người dân ở các lứa tuổi, ngành nghề khác nhau đều mong muốn chung tay thực hiện, lan tỏa lối “sống xanh”, hướng đến tạo dựng những giá trị bền vững, có lợi cho thiên nhiên, môi trường.
Diên Khánh - Nguyên Ngọc
- Nhà máy biến rác thải thành hydro lớn nhất thế giới
- Cẩm Phả: Vì một thành phố không rác thải
- Giảm thiểu rác thải nhựa tại 5 xã đảo của Vân Đồn
- Mô hình thu gom rác thải tái chế của phụ nữ Tiên Yên
- Những con số báo động về rác thải đô thị trên toàn cầu
- TP Cẩm Phả: Duy trì thu gom rác thải trên biển hàng tuần
Liên kết website
Ý kiến ()