Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:35 (GMT +7)
Thêm sức mạnh cho doanh nghiệp
Thứ 2, 03/08/2020 | 09:56:14 [GMT +7] A A
Trước tác động của dịch Covid-19, hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Quảng Ninh trong nửa đầu năm 2020 tương đối khó khăn, rất ít doanh nghiệp đạt được tăng trưởng theo mục tiêu đặt ra. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã có mức tăng trưởng âm, phải tạm thời dừng hoạt động. Thời điểm này, khi dịch Covid-19 lại có những diễn biến mới, phức tạp hơn sau 2 tháng cơ bản được kiểm soát trong nước, tiếp tục đặt ra cho doanh nghiệp bài toán khó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hơn lúc nào hết, những chính sách, giải pháp hỗ trợ từ tỉnh sẽ là những trợ lực quan trọng, kịp thời đối với doanh nghiệp.
UBND tỉnh nghe đại diện Tập đoàn Vingroup báo cáo những khó khăn vướng mắc đối với một số dự án đang đầu tư trên địa bàn tỉnh, ngày 28/7. Ảnh: Thành Công |
DOANH NGHIỆP KHÓ CHỒNG KHÓ
Theo thống kê của Sở KH&ĐT, trong tháng 7, toàn tỉnh có 221 đơn vị thành lập mới, trong đó có 157 doanh nghiệp và 64 đơn vị phụ thuộc, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019; tổng số vốn điều lệ đăng ký ước đạt 1.222,2 tỷ đồng, tăng 61,04% cùng kỳ. Đáng chú ý, trong tháng tiếp tục có 59 doanh nghiệp giải thể, tăng 13% cùng kỳ; 90 doanh nghiệp khó khăn buộc phải tạm ngừng, tăng 29% cùng kỳ.
Như vậy, tính chung 7 tháng, toàn tỉnh có 1.108 đơn vị thành lập mới, trong đó có 807 doanh nghiệp và 301 đơn vị phụ thuộc, chỉ đạt 38,5% kế hoạch năm 2020 đặt ra, giảm 12,06% cùng kỳ; tổng số vốn đạt 7382,29 tỷ đồng, giảm 12,8% cùng kỳ. Lũy kế đến hết tháng 7/2020, toàn tỉnh hiện có 19.890 doanh nghiệp, tổng số vốn đăng ký 191.258 tỷ đồng.
Nguyên nhân số lượng doanh nghiệp tăng trưởng không đạt theo kế hoạch cả về số lượng lẫn chất lượng trong năm nay chủ yếu đến từ những ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 mang lại. Theo Hiệp hội Du lịch: 6 tháng đầu năm 2020, so với cùng kỳ, thị trường Trung Quốc và Đông Bắc Á giảm khoảng 80%; thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc ở mức gần 30%. Về khách nội địa, trong quý I có thời điểm giảm tới 70%, tính chung 6 tháng đầu năm vẫn giảm khoảng 50% so với cùng kỳ. Điều này khiến tăng trưởng của các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực dịch vụ, du lịch sụt giảm nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa. Khó chồng khó khi ngành du lịch vừa rục rịch hoạt động trở lại không bao lâu thì dịch Covid-19 lại có diễn biến phức tạp. Các doanh nghiệp liên tục bị hủy tour, tuyến, dịch vụ cung ứng du lịch...
Sản xuất tại Công ty CP Thủy sản BNA Ba Chẽ. Ảnh: Hoàng Nga |
Còn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng không khá hơn là bao. Do nhiều cửa khẩu, điểm xuất hàng hóa, cửa khẩu phụ vẫn chưa hoạt động, hoặc bị hạn chế bởi các quy định, biện pháp kỹ thuật về phòng, chống dịch của phía Trung Quốc nên doanh nghiệp khá chật vật. Theo đánh giá từ cơ quan chức năng của tỉnh, ngoài các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu, do nền kinh tế chịu tác động từ dịch bệnh nên hầu hết doanh nghiệp đều không nằm ngoài "guồng quay" của sự suy giảm.
TIẾP TỤC CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ
Từ đầu năm tới nay, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trước tình hình dịch Covid-19. Trong đó, tỉnh đã tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng hình thức trực tuyến với sự tham dự của trên 400 doanh nghiệp; chủ động làm việc với các nhà đầu tư chiến lược, các hiệp hội như: Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Thành Công, Tập đoàn TH, Tập đoàn TKV, Tổng Công ty Đông Bắc, Hiệp hội Doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch tỉnh,... để nghe ý kiến, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và triển khai các dự án đầu tư.
Lãnh đạo Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Cẩm Phả giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp tại hội nghị đối thoại Hải quan - Doanh nghiệp, ngày 8/6. Ảnh: Hoàng Nga |
Tỉnh cũng đã dành nguồn ngân sách lớn để kích cầu du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chức năng tạm dừng các cuộc kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp theo kế hoạch; chuyển cơ chế kiểm tra, giám sát từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với minh bạch hóa, tránh chồng chéo trong kiểm tra, thanh tra. UBND tỉnh đã tiến hành giải quyết khó khăn vướng mắc đối với 43 kiến nghị đề xuất của ngành Than; đề xuất Bộ TN&MT cấp 4 Giấy phép khai thác khoáng sản than, gia hạn đối với 5 Giấy phép khoáng sản than; phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức chương trình "Cafe doanh nhân” với nội dung về quy tắc xuất xứ trong hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Các sở, ngành, địa phương cũng tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 20/2/2020 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong tháng 7/2020, tỉnh cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án có vốn đầu tư trong nước, với tổng mức đầu tư là 3.673,19 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng, tỉnh cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 29 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, với tổng mức đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm là 12.282 tỷ đồng, gấp 2,48 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Đại diện Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh cho biết: Ban đang tiếp tục triển khai các giải pháp đồng hành, hỗ trợ cùng doanh nghiệp như: Chủ động kết nối, làm việc với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến công tác xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Thường xuyên bám sát Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2020, trong đó xác định rõ các thị trường trọng điểm cần xúc tiến đầu tư đó là các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, châu Âu, UAE... Cùng với đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc tích cực chăm sóc, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai dự án và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo niềm tin về môi trường đầu tư an toàn, thân thiện và hấp dẫn trong cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Được biết, để hỗ trợ doanh nghiệp, Sở KH&ĐT đang dự thảo văn bản trình UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh, sửa đổi Nghị quyết 148/NQ-HĐND ngày 7/12/2018 về việc ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020. Chính sách được thông qua tiếp tục sẽ tạo những động lực mới cho các doanh nghiệp.
Hồng Nhung
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()