Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:42 (GMT +7)
Thêm nguồn lực hỗ trợ học sinh mồ côi, khuyết tật
Thứ 7, 30/07/2022 | 07:48:05 [GMT +7] A A
Thời gian qua, với sự chung tay của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ từ thiện, nhà hảo tâm, tỉnh Quảng Ninh đã có thêm nguồn lực, điều kiện để hỗ trợ, chăm lo cho nhiều trẻ em mồ côi, khuyết tật, giúp các em vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Đặng Thị Hồng Thắng (20 tuổi, ở khu 4, phường Nam Hòa, TX Quảng Yên) bị mù bẩm sinh, hoàn cảnh của em rất đặc biệt, bởi mẹ và người bác ruột cũng bị mù hoàn toàn. Cuộc sống hằng ngày của 3 người mù dựa vào nhau với khoản tiền trợ cấp của Nhà nước.
Năm 2020, Đặng Thị Hồng Thắng chuyển lên học tại Trường THPT Ngô Tất Tố (TP Hà Nội), ngôi trường dành cho người khiếm thị. Toàn bộ học phí và sinh hoạt phí của Thắng chỉ trông chờ từ nguồn trợ cấp hằng tháng của Nhà nước, nên việc duy trì học tập gặp nhiều khó khăn. Trước tình cảnh trên, bà Vũ Anh Thơ (phường Yên Giang, TX Quảng Yên) đã nhận đỡ đầu đối với Vũ Thị Hồng Thắng số tiền 6 triệu đồng cho năm học 2022-2023, giúp em vượt qua khó khăn.
Không chỉ có sự giúp đỡ hỗ trợ của bà Vũ Anh Thơ, Hội Bảo trợ NKT-TMC tỉnh đã kết nối với Tổ chức kết nối nữ doanh nhân Sen Vàng Quảng Ninh trợ giúp cho gia đình Thắng 50 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Đồng thời, vận động thêm các nhà hảo tâm hỗ trợ hiện vật giúp gia đình em vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Theo số liệu của Hội Bảo trợ NKT-TMC tỉnh, hiện toàn tỉnh có 2.432 trẻ em mồ côi, chiếm 75% số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong toàn tỉnh. Ông Lãnh Thế Vinh, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT-TMC tỉnh cho biết: Trong 2 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và Trung tâm Truyền thông tỉnh tổ chức chương trình Nối vòng tay nhân ái vì NKT-TMC với chủ đề “Nâng bước trẻ mồ côi, khuyết tật đến trường”.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Hội Bảo trợ NKT-TMC tỉnh đã vận động được 111 tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ tiền, hiện vật với tổng trị giá trên 6,3 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí quan trọng để Hội tổ chức chăm lo, hỗ trợ NKT, cũng như học sinh mồ côi.
Hiện nay, Hội Bảo trợ NKT-TMC tỉnh đang tập trung hỗ trợ trẻ mồ côi, khuyết tật bằng hình thức nhận đỡ đầu hằng tháng, hằng năm. Các cơ quan tổ chức nhận đỡ đầu bằng hình thức một năm hoặc nhiều năm. Việc đỡ đầu trẻ mồ côi được Hội Bảo trợ NKT-TMC tỉnh xác định từng đối tượng cụ thể và chắp nối cho nhà hảo tâm đến tận nơi. Tiền hỗ trợ sẽ chuyển thẳng đến hộ gia đình trẻ được thụ hưởng, hoặc qua tài khoản của chính quyền địa phương.
Đặc biệt, sự chắp nối hỗ trợ này có sự chỉ đạo xuyết suốt từ Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh bằng văn bản đến các chi, đảng bộ trực thuộc. Điển hình là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân tộc tỉnh, Sở TN&MT... đã nhận đỡ đầu cho hàng chục học sinh mồ côi, khuyết tật đến trường. Việc chăm lo này theo từng đợt, nhất là vào dịp năm học mới; hỗ trợ xe đạp, góc học tập; tổ chức cho các cháu đi tham quan...
Còn tại các địa phương cũng có những cách làm khác nhau dưới sự tham mưu của Hội Bảo trợ NKT-TMC tỉnh và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cơ sở nhằm chăm lo cho đối tượng trẻ mồ côi, khuyết tật. Đơn cử như tại Tiên Yên đã phát động tới CBCCVC các cơ quan, đoàn thể trong huyện, yêu cầu chỉ nhận đỡ đầu trẻ mồ côi, khuyết tật thuộc hộ nghèo trên địa bàn huyện.
Thống kê của Hội Bảo trợ NKT-TMC tỉnh, từ năm 2020 đến nay toàn tỉnh đã vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đỡ đầu cho 83 học sinh mồ côi, khuyết tật mức từ 500.000-1,5 triệu đồng/người/tháng. 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có hàng trăm trẻ em mồ côi, khuyết tật được hỗ trợ, thăm hỏi, động viên.
Theo Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT-TMC tỉnh Lãnh Thế Vinh, Hội tiếp tục vận động các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chung tay nhận đỡ đầu trẻ mồ côi, khuyết tật, để các em có điều kiện được chăm sóc, nuôi dưỡng và học tập vươn lên. Dự kiến, năm học 2022-2023 sẽ có thêm 10 trẻ mồ côi và sinh viên mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được nhận đỡ đầu. Sự hỗ trợ này chắc chắn sẽ giúp các em vơi bớt khó khăn, vững bước đến trường.
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()