Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:29 (GMT +7)
Thêm hy vọng để chữa HIV sau khi người thứ 7 'khỏi bệnh'
Thứ 6, 19/07/2024 | 14:13:17 [GMT +7] A A
Một người đàn ông trưởng thành giấu tên được gọi là 'Bệnh nhân Berlin tiếp theo' đã được công bố là người thứ bảy được chữa khỏi HIV.
Theo Fierce Biotech, trường hợp của ông không chỉ được ghi vào lịch sử, mà còn cung cấp nhiều thông tin quý giá, có thể dẫn đến một phương pháp tiếp cận rộng rãi hơn cho 39 triệu người đang sống với vi rút HIV trên toàn cầu.
Những bệnh nhân mang vi rút HIV đầu tiên "lành bệnh"
Bệnh nhân đầu tiên được chữa khỏi HIV được gọi là "Bệnh nhân Berlin". Người này ban đầu ẩn danh, sau đó tiết lộ danh tính của mình là Timothy Ray Brown.
Nhà miễn dịch học Christian Gaebler từ Đại học Y khoa Charité Berlin sẽ trình bày về trường hợp bệnh nhân được chữa khỏi này tại Hội nghị AIDS quốc tế lần thứ 25 ở Munich, diễn ra từ ngày 22 đến 26-7.
Trong một buổi gặp gỡ báo chí, Gaebler mô tả cách mà bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 2009, sau đó phát triển bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy. Năm 2015, nhóm lâm sàng quyết định bệnh nhân cần ghép tế bào gốc tạo máu trong tủy xương để điều trị ung thư.
Họ "bắt đầu tìm kiếm người hiến tặng có đột biến gene hiếm được gọi là delta-32 CCR5 đồng hợp tử, vì biết rằng đột biến này cung cấp sự kháng tự nhiên với HIV".
CCR5 là một protein thụ thể trên các tế bào bạch cầu mà HIV sử dụng để xâm nhập vào tế bào. Với đột biến delta-32, vi rút không thể bám vào protein và xâm nhập vào tế bào.
Là một retrovirus, HIV sau đó chèn một phần DNA của nó vào bộ gene của các tế bào bị nhiễm, tạo ra một kho dự trữ vi rút trong cơ thể rất khó tiêu diệt.
Các bác sĩ không thể tìm thấy người hiến tặng có hai bản sao của đột biến bảo vệ, nhưng đã tìm thấy một người có một bản sao của gene với đột biến và một bản sao không có. Họ đã ghép và phát hiện rằng gene này không chỉ điều trị ung thư của bệnh nhân, mà dường như còn chữa khỏi HIV cho ông.
"Người bệnh đã tự ngưng điều trị với thuốc kháng vi rút được khuyến nghị vào năm 2018 và kể từ đó bệnh nhân đã trong tình trạng thuyên giảm HIV không cần điều trị", Gaebler nói. Trong gần sáu năm, họ đã kiểm tra máu và các mô khác của bệnh nhân và không tìm thấy dấu hiệu của vi rút.
Vì các tế bào hiến tặng là dị hợp tử cho đột biến delta-32, vẫn còn một bản sao chức năng của thụ thể CCR5 trong cơ thể bệnh nhân mà vi rút có thể sử dụng để xâm nhập vào tế bào. Thực tế, bệnh nhân ban đầu cũng là dị hợp tử cho đột biến này.
Gaebler và đội ngũ của ông giả thuyết rằng quá trình ghép đã quét sạch tất cả các tế bào bạch cầu bị nhiễm và thay thế chúng bằng các tế bào không có vi rút. Từ đó, các thụ thể đột biến giờ đây ngăn chặn vi rút tái phát.
Nghiên cứu có ý nghĩa to lớn cho điều trị HIV
"Những nghiên cứu của tôi đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời", Steven Deeks, nhà nghiên cứu y học và bác sĩ lâm sàng tại Đại học California, San Francisco và Bệnh viện Zuckerberg San Francisco General, nói.
"Về lý thuyết, HIV còn sót lại vẫn nên tồn tại sau khi ghép, và có rất nhiều tế bào mục tiêu sẵn có để hỗ trợ việc sao chép. Điều này vẫn chưa xảy ra cho đến nay".
Trong số sáu cá nhân khác được biết đến đã được chữa khỏi HIV, năm trong số họ đã nhận tế bào hiến tặng từ người đồng hợp tử cho đột biến delta-32, nghĩa là sau khi ghép, họ không có thụ thể CCR5 chức năng để vi rút bám vào.
Trường hợp ngoại lệ là trường hợp thứ sáu, "Bệnh nhân Geneva", có các tế bào hiến tặng hoàn toàn không có đột biến delta-32. Với họ, việc loại bỏ các tế bào bạch cầu bị nhiễm dường như đã loại bỏ vi rút, và vi rút vẫn chưa trở lại mặc dù bệnh nhân có các thụ thể mà HIV có thể sử dụng để xâm nhập vào tế bào.
Tuy nhiên, bệnh nhân Geneva chỉ có 20 tháng theo dõi lâm sàng khi trường hợp của họ được báo cáo. "Một thế mạnh trong trường hợp của chúng tôi là chúng tôi có thời gian theo dõi lâm sàng rất lâu", Gaebler nói về Bệnh nhân Berlin tiếp theo. "Mỗi phép đo chúng tôi thực hiện thêm vào đều tăng thêm sự tự tin rằng chúng tôi không thấy sự tái kích hoạt của vi rút".
Tình trạng dị hợp tử cho đột biến delta-32 phổ biến hơn nhiều so với đồng hợp tử. Tại châu Âu, tỉ lệ là khoảng 16% dân số so với 1%, Gaebler nói.
Tuy nhiên, việc ghép tủy xương là một quy trình phức tạp, và không thể sử dụng chúng để điều trị cho hàng triệu bệnh nhân HIV không bị ung thư. Bảy bệnh nhân được chữa khỏi đều nhận cấy ghép để điều trị ung thư, không phải HIV.
Nhưng thực tế rằng một bản sao đột biến của gene delta-32 có thể đủ để chữa HIV có ý nghĩa to lớn cho sự phát triển của các liệu pháp gene. Nó cũng xác nhận rằng việc tiêu diệt kho dự trữ vi rút, mặc dù khó khăn, có thể dẫn đến sự thuyên giảm lâu dài.
"Chúng tôi tin rằng trường hợp đáng chú ý này và kết quả của các nghiên cứu thực sự gợi ý rằng có thể chữa khỏi HIV ngay cả khi vẫn có sự tồn tại của một thụ thể chức năng cho vi rút", Gaebler nói.
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()