Tất cả chuyên mục

Theo Ban Chỉ đạo triển khai lập hồ sơ đề nghị công nhận xã đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đến ngày 21-6-2016, đơn vị tiếp nhận 31 hồ sơ từ 6 huyện, thị xã, thành phố đề nghị công nhận xã đảo. Qua thẩm định, hồ sơ các xã đề nghị công nhận xã đảo được chia làm hai nhóm: Nhóm 1 gồm 11 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 4 huyện, thành phố: Hải Hà, Vân Đồn, Cô Tô và Móng Cái đủ điều kiện đề nghị công nhận xã đảo theo Quyết định số 569/QĐ-TTg về việc ban hành tiêu chí, điều kiện, thủ tục công nhận xã đảo. Cụ thể: 11/11 xã đáp ứng đủ 2 tiêu chí “Có diện tích tự nhiên là đảo theo quy định tại Điều 19 Luật Biển Việt Nam năm 2012” và tiêu chí “Có người dân định cư hoặc lực lượng vũ trang đóng quân trên đảo”; đồng thời 11 xã này cũng đáp ứng được một trong 3 điều kiện được quy định tại khoản 3, Điều 1, Quyết định 569/QĐ-TTg ngày 22-4-2014 của Thủ tưởng Chính phủ “có toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã ở trên đảo”. Nhóm 2: Có 20 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 4 huyện, thị xã, thành phố: Tiên Yên, Vân Đồn, Quảng Yên và Móng Cái có cầu, đường nối với đất liền.
![]() |
Một góc xã Vĩnh Thực (TP Móng Cái), đơn vị hành chính được đề nghị công nhận là xã đảo. |
Trong quá trình thẩm định 2 nhóm hồ sơ này, 11 đơn vị hành chính thuộc nhóm 1 nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai lập hồ sơ đề nghị công nhận xã đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Riêng đối với 20 đơn vị hành chính cấp xã nằm trên diện tích đảo nhưng có cầu, đường nối với đất liền thì hầu hết các ý kiến cho rằng không nên đề nghị công nhận xã đảo. Ông Đào Văn Hoà, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng: “Các xã đảo sẽ được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi, đầu tư, vì vậy việc thẩm định xã đảo phải khách quan. Theo Luật Đầu tư, ở tỉnh Quảng Ninh hiện chỉ còn huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, đảo và các xã đảo là vùng đặc biệt khó khăn. Các xã trước đây là đảo như phường: Bình Ngọc, Trà Cổ (Móng Cái), xã Đồng Rui (Tiên Yên)... được hưởng nhiều chế độ chính sách ưu đãi, khi có hệ thống đường bộ, cầu kết nối thì không được hưởng nữa. Vì vậy, các xã đảo đã có hệ thống đường bộ kết nối với đất liền đề nghị không công nhận là xã đảo”. Tương tự như thế, đại diện của Sở Tài chính, Sở LĐ-TB&XH; Sở GD-ĐT cũng đồng tình nhất trí với ý kiến của ông Đào Văn Hoà.
Cuối cùng, Ban Chỉ đạo triển khai lập hồ sơ đề nghị công nhận xã đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã nhất trí với đề nghị của các địa phương và kết quả thẩm định sơ bộ của Sở Nội vụ đối với hồ sơ đề nghị công nhận xã đảo của 11 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 4 huyện, thành phố: Hải Hà, Cô Tô, Vân Đồn và Móng Cái. Đối với 20 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 4 huyện, thị xã, thành phố: Tiên Yên, Vân Đồn, Quảng Yên, Móng Cái có cầu, đường nối với đất liền Ban Chỉ đạo thống nhất không báo cáo UBND tỉnh công nhận là xã đảo do không đảm bảo theo quy định. Đến nay, Sở Nội vụ đã báo cáo UBND tỉnh xem xét, lập tờ trình trình HĐND tỉnh khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ 2 sắp tới, để hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Thực tế cho thấy, biển và hải đảo có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh. Việc được công nhận là xã đảo sẽ tạo điều kiện cho đơn vị hành chính cấp xã được hưởng những cơ chế chính sách ưu đãi do Chính phủ ban hành. Trong đó, có nhiều chính sách ưu tiên phát triển một số ngành có ưu thế của đảo như du lịch, dịch vụ nghề cá… Đó sẽ là cơ hội để các xã đảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững, tạo nên những bước đột phá về phát triển kinh tế biển, đảo và ven biển của tỉnh, đồng thời xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Hà Chi
Ý kiến ()