Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:49 (GMT +7)
Thể thao Việt Nam nỗ lực giành thêm suất dự Olympic Paris 2024
Thứ 4, 07/02/2024 | 08:54:20 [GMT +7] A A
Thể thao Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực để cố gắng giành từ 12 đến 15 suất dự Olympic Paris 2024, trong khi chỉ còn chưa đầy sáu tháng nữa là Thế vận hội sẽ khai mạc.
Đến thời điểm này, chúng ta mới chỉ có bốn suất chính thức; các suất còn lại đang trông chờ vào nỗ lực của vận động viên (VĐV) các môn: Cầu lông, đua thuyền, teakwondo, judo, boxing, điền kinh, cử tạ, thể dục dụng cụ.
Việt Nam mới chính thức giành bốn suất dự Olympic Paris 2024, bao gồm một suất của xe đạp (Nguyễn Thị Thật), một suất của bơi (Nguyễn Huy Hoàng), hai suất của bắn súng (Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền).
Hiện tại, theo Cục trưởng Thể dục-Thể thao Đặng Hà Việt: “VĐV cầu lông Nguyễn Thùy Linh (hạng 23 thế giới) đã chắc suất tham dự và chỉ còn chờ thông báo từ Liên đoàn cầu lông thế giới, thậm chí Thùy Linh nhiều khả được chọn làm hạt giống và có cơ hội vào sâu”.
Cầu lông Việt Nam còn có VĐV Lê Đức Phát (hạng 83 thế giới) sẽ được hỗ trợ tham dự nhiều giải đấu trong đầu năm 2024 để tìm cơ hội đến Pháp.
Năm 2018, Việt Nam từng giành Huy chương vàng (HCV) môn đua thuyền rowing tại ASIAD do Indonesia đăng cai tổ chức. Khi đó, bốn VĐV: Phạm Thị Thảo, Tạ Thanh Huyền, Lường Thị Thảo và Hồ Thị Lý đã giành HCV thuyền 4 nữ hạng nhẹ, với thành tích 7 phút 01 giây 11.
Đáng tiếc, tại ASIAD 19 vừa qua, nước chủ nhà Trung Quốc không tổ chức các nội dung đua thuyền rowing hạng nhẹ, khiến Việt Nam không có cơ hội bảo vệ ngôi đầu và cũng chưa thể giành vé dự Olympic ở nội dung này.
Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 này, các VĐV đua thuyền sẽ phải tham dự một số giải đấu quốc tế và nhiều khả năng giành hai suất tham dự ở cả nội dung rowing và canoeing.
Võ thuật cũng là một trong những nội dung thế mạnh của Việt Nam, nhất là ở các hạng cân nhẹ. Võ sĩ taekwondo Trương Thị Kim Tuyền (vô địch châu Á năm 2021) đang khá sung sức.
Năm ngoái, tại Giải vô địch taekwondo thế giới 2023, khi thi đấu ở hạng 49 kg nữ, Kim Tuyền (khi đó xếp hạng 23 thế giới) đã đánh bại VĐV thứ ba thế giới là Daniela Paola Souza (Mexico) ở vòng 16.
Với kinh nghiệm từng giành vé dự Olympic Tokyo 2020, Kim Tuyền tiếp tục là ứng cử viên hàng đầu của taekwondo Việt Nam góp mặt ở kỳ thế vận hội sắp tới.
Thực tế, Kim Tuyền vẫn chỉ đứng vị trí thứ nhì ở khu vực châu Á và còn những hạn chế nhất định khi phải đối đầu với các đối thủ có chiều cao tốt hơn trong các giải đấu quốc tế. Để có thể sánh ngang với Trần Hiếu Ngân (giành Huy chương bạc Olympic đầu tiên của thể thao Việt Nam tại Sydney năm 2000), Kim Tuyền sẽ phải nỗ lực rất nhiều.
Năm 2023, tại Giải vô địch boxing thế giới ở Ấn Độ, võ sĩ Nguyễn Thị Tâm của Việt Nam đã rất nỗ lực vào đến trận chung kết và giành tấm Huy chương bạc ở hạng 50 kg.
Đáng tiếc, giải đấu do Hiệp hội quyền Anh quốc tế (IBA) tổ chức này dù có sự giám sát của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), nhưng kết quả lại không được công nhận. Vì thế, Nguyễn Thị Tâm vẫn phải chờ cơ hội khác.
VĐV boxing Nguyễn Văn Đương từng giành vé Olympic Tokyo 2020 cũng chưa có vé đến Paris và đang phải nỗ lực tập luyện để chuẩn bị tham dự các giải đấu trong hệ thống vòng loại.
Đội tuyển judo Việt Nam là một trong những đội đi thi đấu sớm nhất trong năm 2024.
Ngày 26/1 vừa qua, ba võ sĩ Hoàng Thị Tình, Nguyễn Ngọc Diễm Phương, Chu Đức Đạt đã dự Grand Prix 2024 tại Bồ Đào Nha, song chưa thành công và sẽ phải tìm cơ hội ở các giải đấu thuộc hệ thống Grand Prix 2024 sắp tới.
Bên cạnh đó, còn có nhiều VĐV Việt Nam đang tiệm cận thành tích được tham dự Olympic như đội chạy 4x400m nữ, VĐV thể dục dụng cụ Tuấn Phong ở nội dung vòng treo, VĐV cử tạ Trịnh Văn Vinh hạng 61kg nam…
Tất cả các VĐV có tên kể trên sẽ không có một cái Tết bình thường, họ đều phải tích cực tập luyện để có được thành tích tốt nhất nhằm tìm suất dự Thế vận hội năm nay.
Thực tế loay hoay tìm vé dự Olympic đã được Cục Thể dục-Thể thao thừa nhận là do đầu tư dàn trải và chưa có cơ chế để những VĐV hàng đầu được đầu tư tốt hơn nhằm hướng đến đấu trường châu lục và Olympic.
Cục Thể dục-Thể thao đang nỗ lực xây dựng các quy chế đặc thù cho VĐV đỉnh cao để xin Chính phủ phê duyệt đầu tư.
Sắp tới, mỗi Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia sẽ tập trung đào tạo đỉnh cao cho các VĐV của ba đến bốn môn trọng điểm nhằm tránh tình trạng đầu tư bất cập như hiện nay.
Hy vọng các cơ chế này sớm được ban hành nhằm phù hợp với điều kiện cho phép để thể thao Việt Nam có thể hướng tới các đấu trường lớn hơn và đạt thành tích cao chứ không nên dồn toàn lực cho đại hội thể thao khu vực.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()