Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 03/11/2024 04:31 (GMT +7)
Thế Song - Nhạc sĩ viết “Bài ca trên đỉnh Pò Hèn”
Thứ 2, 19/07/2021 | 16:29:21 [GMT +7] A A
Nhạc sĩ Thế Song, tên đầy đủ là Nguyễn Thế Song sinh ngày 1/12/1933, mất ngày 20/5/2018, là tác giả của các ca khúc “Nơi đảo xa”, “Bài ca trên đỉnh Pò Hèn”, “Tình yêu bên suối”. Trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của mình, ông có nhiều ca khúc viết về Quảng Ninh.
Nhạc sĩ Thế Song sinh ra tại Bích Câu, quận Đống Đa, Hà Nội. Ông là con áp út trong một gia đình đông anh em. Năm 1955, ông làm diễn viên hát tại Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và sau đó là cán bộ biên tập âm nhạc của Đài.
Nhạc sĩ Thế Song là một tấm gương sáng về khả năng tự học. Ông tự học các môn hòa thanh, phối khí và lý luận âm nhạc. Hoạt động của ông chủ yếu là dàn dựng các tiết mục âm nhạc phát trên sóng, thành lập thêm các chuyên mục, làm phong phú thêm các chương trình phát sóng, khuyến khích phong trào ca nhạc của đông đảo người yêu nhạc.
Sau 40 năm làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, Thế Song nghỉ hưu, cộng tác với ban biên tập âm nhạc của Đài và tích cực tham gia hoạt động âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Hà Nội, với ba nhiệm kỳ ông là Ủy viên Ban Chấp hành (từ 1995-2010).
Nhạc sĩ Thế Song đã viết gần 600 ca khúc gồm nhiều đề tài, thể loại khác nhau trong sự nghiệp sáng tác. Điểm mạnh của âm nhạc Thế Song là những ca khúc viết về biển và những người lính đảo. Bên cạnh tác phẩm nổi bật nhất “Nơi đảo xa”, nhạc sĩ Thế Song còn có nhiều ca khúc khác cùng đề tài rất đáng chú ý như: “Ngôi nhà lính đảo”, “Biển mưa”, “Biển chuyện tình hóa đá”, “Hoa hồng biển đảo”, “Mênh mang Trường Sa”, “Tình em theo cánh sóng”, “Hát từ vùng gió xoáy”, “Hòn mưa”, “Sóng ru”, “Vũng Tàu tình yêu biển”, “Cát Bà tình em”, “Biển hẹn Cà Mau” v.v.
Một số ca khúc của Thế Song đã được tập hợp và xuất bản thành "Tuyển tập tình khúc Thế Song" và thu ghi thành các băng nhạc vào năm 1996. Quan điểm nghệ thuật trong sáng tác âm nhạc của ông là “Phải tích luỹ vốn dân ca của ông cha để lại mà tìm tòi phát hiện cái hay, cái đẹp trong đó để sáng tạo trong tác phẩm của mình mang tính thời đại, không sao chép”.
Không sinh ra, lớn lên tại Quảng Ninh, nhưng nhạc sĩ Thế Song luôn mê đắm với Hạ Long, say sưa với Quảng Ninh như quê hương thứ hai của mình vậy. Những ca khúc của ông viết về Quảng Ninh đã bộc lộ tấm lòng yêu thương, nhớ nhung và trân trọng với mảnh đất và con người Vùng mỏ. Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhạc sĩ Thế Song chia sẻ: "Với Hạ Long, Quảng Ninh tôi lúc nào cũng cảm thấy mình đang nợ, món nợ không bao giờ trả hết được. Tôi khao khát được viết thật nhiều về quê hương thứ hai này của tôi". Nhạc sĩ Thế Song có các ca khúc hay viết về Quảng Ninh như: "Điện Biên trên tầng than", "Lời mùa xuân", "Vườn Đào mùa xuân", "Vùng biên rừng biển" v.v..
Chính vùng đất Quảng Ninh này đã góp phần vinh danh nhạc sĩ Thế Song qua những giải thưởng cao quý. Đó là những tác phẩm ông thu hoạch được sau một vài chuyến đi thực tế sáng tác. Nhạc sĩ Thế Song có một cái duyên với chủ đề lính đảo, đó là vào năm 1979 khi sự kiện biển Đông vẫn đang nóng lên từng ngày trên các phương tiện truyền thông. Trong một chuyến đi thực tế tại Quảng Ninh, nhạc sĩ đã gặp những người lính hải quân tại trạm 48 - một trạm sửa chữa tàu biển. Ông được nghe lời tâm sự của những người lính kể về cuộc sống khó khăn, vất vả nơi đảo xa, cả nỗi nhớ nhà, người thân và nhớ nhung tình cảm. Rồi khi chào tạm biệt để ra về có một chiến sĩ đùa vui “Anh phải viết ca khúc về bọn em nhé!". Lúc ấy, nhạc sĩ nhận lời nhưng vẫn chưa hình dung sẽ viết thế nào. Trên chặng đường về, từng câu chữ nảy ra trong đầu người nhạc sĩ và ông đã hoàn thành xong lời 1 của bài "Nơi đảo xa".
Nhà thơ Trần Nhuận Minh, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ninh, nhớ lại lần nhạc sĩ về thăm Vùng mỏ: Nhạc sĩ Thế Song nghỉ tại nhà nghỉ Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam, trên đường Lê Thánh Tông, cạnh nhà tôi. Ông sang nhà tôi chơi và nói rằng trong chuyến đi sáng tác lần này, ông đã được Lữ đoàn Hải quân đóng ở Cọc 8, thị xã Hòn Gai (TP Hạ Long ngày nay) giúp đỡ, lo toan cho chuyến đi của ông rất tận tình và ông vừa viết xong một ca khúc mới, vẫn còn đang sửa, vừa mới đưa cho cô Thanh Việt (ca sĩ, nghệ sĩ Vùng mỏ), giám đốc nhà nghỉ của Tập đoàn, hát thử xem có cần phải sửa thêm gì không? Ông bảo tôi sang phòng ông chơi để nghe thử. Tôi đi theo ông.
Sau khi uống một tuần nước và nói chuyện về biển đảo, nhạc sĩ Thế Song sang phòng Thanh Việt và đưa Thanh Việt về cùng. Việt bảo em còn đang tập, hát chưa đạt đâu. Ông bảo: “Em cứ hát, bài của anh cũng còn đang sửa, cũng đã đạt đâu”. Tôi rất muốn ca sĩ Thanh Việt nhớ lại và viết đôi dòng về ca khúc này, vì cô là người hát đầu tiên, tôi là người nghe đầu tiên, khi ca khúc vẫn còn trong một bản nháp. Tôi thấy hay, giai điệu mượt mà đằm thắm, rất giàu xúc cảm, ngôn ngữ âm nhạc đẹp và sang, trong lòng rất phục cảm quan chính trị của nhạc sĩ về biển đảo, mà chúng tôi hình dung sẽ là vấn đề lớn và có thể gay gắt của tương lai”.
“Tôi vẫn rất nhớ giọng ca của Thanh Việt và không khí đồng cảm của hai chúng tôi với tác giả. Tôi bảo Thế Song: “Hay lắm. Không phải sửa chữa gì đâu. Anh đã hoàn thành được 1 trong những việc lớn nhất của đời mình, tại đây, trong ngày hôm nay”. Sau này có một vài lần tôi và Thế Song gặp nhau, nhắc lại kỉ niệm đó, ông chỉ mỉm cười, một nụ cười rất từ tốn, nhã nhặn và khiêm nhường mà tôi không bao giờ quên được”- nhà thơ Trần Nhuận Minh nhớ lại.
Cũng năm đó, nhạc sĩ Thế Song đã viết tiếp ca khúc Bài ca trên đỉnh Pò Hèn về gương chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ biên phòng Quảng Ninh và nữ mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc năm 1979. Hai trong 3 ca khúc được tặng Giải thưởng Nhà nước đợt 4 vào năm 2017 của ông thì có 2 ca khúc Nơi đảo xa, Bài ca trên đỉnh Pò Hèn viết về Quảng Ninh.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()