Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:17 (GMT +7)
"Thế hệ chúng tôi hạnh phúc vì được hòa mình vào những mốc son vĩ đại của lịch sử Vùng mỏ"
Thứ 3, 31/10/2023 | 09:43:33 [GMT +7] A A
CCB Nguyễn Ngọc Thung (SN 1933), hiện có 75 năm tuổi Đảng, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 244 tiếp quản Vùng mỏ, nguyên Giám đốc Đài PTTH Quảng Ninh. Dù tuổi đã cao, nhưng ký ức về những ngày tiếp quản Vùng mỏ vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông.
Năm 1953 tôi vào bộ đội, là chiến sĩ của Tỉnh Đội Quảng Yên. Năm 1954 hòa bình lập lại, đơn vị chúng tôi đang đóng quân ở Chí Linh thì nghe tin cấp trên lệnh xuống đúng 7 giờ sáng phải ngừng bắn. Hồi đó thông tin liên lạc ít, nên mình nửa tin, nửa ngờ, bởi vì đến 6 giờ sáng hôm ấy, tôi nghe đại bác vẫn nổ. Đúng 7 giờ sáng thì tôi thấy lính Pháp chui lên đen ngòm hết cả. Lúc này thì tôi tin ngừng bắn thật rồi.
Theo Hiệp định, quân đội mỗi bên phải lùi lại ít nhất 5km. Chúng tôi nhận lệnh di chuyển về Sơn Động, Bắc Giang để học tập nghiệp vụ, được lệnh chuẩn bị về Hòn Gai. Lúc đó giày dép chẳng có, đường đi lại khó khăn, chúng tôi hành quân vòng qua Đình Lập, Lạng Sơn về Tiên Yên vất vả, gian nan vô cùng.
Ra Tiên Yên, chúng tôi được lệnh tiếp quản, bảo vệ cảng Vạn Hoa và chuẩn bị vào tiếp quản Hòn Gai. Chúng tôi nhận lệnh hành quân qua Cẩm Phả để sang Hòn Gai. Ra quốc lộ, muốn đi ô tô lại phải tập trước kỹ năng nhảy ô tô.
Thời gian này, đơn vị của chúng tôi chia ra. 2 đại đội chuyển sang khu Hồng Quảng để chuẩn bị thành lập Trung đoàn 244 tiếp quản Hòn Gai. Trung đoàn 244 là một trong 5 trung đoàn (cùng với 600, 254, 53, 94) thuộc Sư đoàn bộ binh 350, được Bộ Quốc phòng quyết định thành lập. Đây là những đơn vị tập trung từ các chiến trường, địa phương trong các liên khu phía Bắc về làm nhiệm vụ tiếp quản và bảo vệ vùng mới giải phóng, gồm những thành phố lớn, khu công nghiệp...
Đêm 19, rạng sáng 20/4/1955, đơn vị chúng tôi hành quân vượt Mông Dương tiến về trung tâm TX Cẩm Phả. Đơn vị đã tiến vào tiếp quản Cửa Ông, Cọc Sáu, Đèo Nai, rồi cơ động sang Quang Hanh. Đêm 21/4, đơn vị cơ động tiến sát vào vùng Hà Ráng (thuộc phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả ngày nay). Đêm hôm đó, từ trên đỉnh núi nhìn TX Cẩm Phả thấy đèn điện sáng choang, cả đơn vị không ai chợp mắt được vì vừa mừng, vừa lo. Mừng là từ mai, nơi đây sẽ được giải phóng; lo là trước đó, giặc đã thành lập hành lang Thanh Phán phản động và đẩy mạnh tuyên truyền với khẩu hiệu “Việt Minh ở trong rừng tóc dài, răng đen, ăn thịt người”, nên khi vào tiếp quản, nếu không cẩn trọng thì diễn biến sẽ khó lường.
Sau khi tiếp quản bốt điện Quang Hanh, chúng tôi tiếp tục hành quân qua Hà Tu để về phía trung tâm TX Hòn Gai. Do âm mưu của thực dân Pháp nên những ngày này, bè lũ tay sai ra sức phá hoại máy móc, cưỡng bức người dân di cư vào Nam và tổ chức tuyên truyền nói xấu cán bộ Việt Minh.
- Thưa ông, không khí những ngày tiếp quản ở Vùng mỏ diễn ra như thế nào?
+ Chúng tôi hành quân về Hòn Gai, nhìn đằng trước không một bóng người, trên đường vào không gặp dân. Đơn vị chúng tôi đóng ở Cọc 5. Đại đội lập một đội danh dự để tống tiễn quân Pháp xuống tàu há mồm ở bến phà. Mình đi đến đâu, phía trước mặt gần như không có ai, nhưng sau lưng, dân ùa ra với cờ đỏ sao vàng hô vang ủng hộ Việt Minh. Khi con tàu há mồm đi rồi thì tàu thuyền trên bến lên cờ đỏ hết, không khí vui lắm. Cờ và hoa đỏ rực một vùng biển, nước mênh mông. Lần đầu tiên chúng tôi nghe tiếng loa phát thanh, những bài hát. Ai nấy đều sung sướng lắm. Tiếng nói chen lẫn tiếng cười, tiếng hát rộn ràng. Cuộc đời cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
- Nhiệm vụ cấp thiết đặt ra trong những ngày tiếp quản là gì, thưa ông?
+ Chúng tôi nhớ ngay nhiệm vụ bảo vệ máy móc, không cho địch phá hoại, không cho mang đi. Giữ ở nhà máy là công nhân, còn bảo vệ vòng ngoài là quân đội. Bảo vệ máy móc là một thắng lợi to lớn, không để cho việc sản xuất than bị tê liệt. Nhìn chung tình hình khu mỏ an toàn tuyệt đối; dân tình ổn định. Thời gian sau chúng tôi vào làm công tác dân vận với đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào công giáo.
- Thế hệ các ông thời điểm đó có thể tưởng tượng được sự phát triển của Vùng mỏ hôm nay?
+ Năm nay tôi đã hơn tuổi 90. Nói thực là không thể tưởng tượng được. Cuộc đời tôi chứng kiến hai chế độ cũ và mới. Chế độ cũ khi mà ta chưa có gì, ta còn đói rách, thì Mỹ, Nhật đã hiện đại, đã có nguyên tử, đã trị vì thiên hạ. Chúng tôi đi chân đất chiến đấu với cường quốc Pháp, thế mà chúng tôi đã chiến thắng. Chúng tôi vào tiếp quản Vùng mỏ, hậu cần, thiết bị vật tư thiếu thốn, toàn tự cấp tự túc. Hậu cần chưa đủ đáp ứng, nhưng tinh thần của công nhân hăng hái vô cùng. Máy móc chưa nhiều, chủ yếu làm thủ công, nhưng tinh thần say mê lắm.
Chúng tôi đi từ chỗ không có đôi dép, áo ấm, chăn màn, đến bây giờ đủ đầy tiện nghi thế này. Tôi đi từ Cọc 5 về đây, hai bên chỉ bãi sú, rừng rú, họa hoằn mới có ngôi nhà ngói âm dương xanh đỏ mãi rìa núi. Giờ phố xá đông vui, hạnh phúc lắm. Nghỉ hưu lâu rồi, thấy mọi thứ hiện đại quá, nhiều thứ bất ngờ khó theo kịp, nắm bắt được. Chúng tôi hạnh phúc vì được hòa mình vào những mốc son vĩ đại của lịch sử đất nước, của Vùng mỏ. Tất cả những mốc son đã qua, đến nay chính bản thân mình cũng không tưởng tượng được.
Phạm Học (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()