Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 05:11 (GMT +7)
Thế giới trong “cơn sóng thần” dịch bệnh mới và vòng xoáy biến thể Delta
Thứ 6, 06/08/2021 | 16:03:04 [GMT +7] A A
Thế giới đang trải qua năm thứ hai đại dịch COVID-19 với sự xuất hiện của những "cơn sóng thần" dịch bệnh mới.
Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với thực trạng tốc độ lây nhiễm COVID-19 tăng chóng mặt. Trong 6 tháng qua, hơn 100 triệu ca mắc đã được ghi nhận trên toàn cầu. Trung bình 2 ngày lại có 1 triệu ca mắc mới, đứng sau đợt dịch bệnh này là "sát thủ" khủng khiếp nhất từ trước đến nay - biến thể Delta.
Thế giới đã ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 vượt mốc 200 triệu ca. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mức độ lây lan hiện nay đã tương đương giai đoạn đỉnh dịch hồi tháng 7/2020. Tại nhiều thành phố Trung Quốc tưởng chừng đã quét sạch COVID-19 trong suốt một năm qua, dịch bỗng quay trở lại. Các nước châu Âu và Mỹ dù đã tiêm vaccine COVID-19 cho đa phần dân số cũng chứng kiến làn sóng dịch mới càn quét.
Biến thể Delta của virus SARS-COV-2 - biến thể chết chóc nhất - đang thống trị thế giới và là thủ phạm đứng đằng sau những làn sóng dịch nguy hiểm tại nhiều quốc gia. Châu Á hiện là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến thể Delta, trong đó nhiều nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Myanmar và Thái Lan đang chứng kiến số ca mắc mới theo ngày cao chưa từng có. Trong tuần qua, Indonesia ghi nhận gần 270.000 ca mắc mới, với biến thể Delta chiếm tới 86% mẫu bệnh phẩm. Tại Thái Lan, trong 3 ngày qua, số người mắc trong ngày luôn ở mức trên 20.000 trường hợp. Malaysia hôm 5/8 cũng lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc trong ngày vượt mốc 20.000. Tình hình đáng quan ngại chủ yếu do năng lực xét nghiệm còn thấp so với quy mô của đại dịch và tỷ lệ tiêm chủng thấp, ở nhiều nước Đông Nam Á, tỷ lệ này dưới mức 10% dân số.
Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, biến thể Delta đang làm đảo lộn các giả định về dịch bệnh, khi nhiều quốc gia tưởng đã kiểm soát được COVID-19 nay lại rơi vào làn sóng lây nhiễm mới nguy hiểm hơn trước rất nhiều. Thậm chí, một số quốc gia đạt tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao cũng đang vất vả ứng phó với biến thể này. Có thể nói, "cơn sóng thần" biến thể Delta đang khiến người dân, chính phủ các quốc gia trên toàn thế giới quay cuồng.
Biến thể Delta đã lây lan ra ít nhất 132 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Số ca lây nhiễm mới tăng ở tất cả các khu vực, có nơi tăng 80% trong vòng một tháng qua. Những quốc gia đạt tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao cũng đang vất vả ứng phó với biến thể này.
Một sự thật đáng quan ngại được các chuyên gia y tế Mỹ đưa ra trong tuần này là sự lan rộng của biến thể này đã đẩy ngưỡng miễn dịch cộng đồng lên trên 80% dân số cần được tiêm chủng và có thể tiến gần mức 90%. Tỷ lệ trên cho thấy, ngưỡng này "cao hơn nhiều" so với ước tính trước đó là 60 - 70% bởi biển thể Delta có khả năng lây nhiễm gấp 2 lần. Vì thế, tại Mỹ, mặc dù đã tiêm chủng cho hơn 70% dân số, chính quyền nước này đã phải ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng khi số ca mắc biến thể Delta tăng nhanh ở nhiều bang có tỷ lệ tiêm thấp.
Tại Australia, giới chức y tế đang chuẩn bị cho một "kịch bản ác mộng" ở nước này khi các dữ liệu cho thấy, biến thể Delta vừa gây ra các tác động nghiêm trọng hơn, vừa khó ngăn chặn hơn. Biến thể Delta đang khiến tỷ lệ trẻ em mắc bệnh ở Australia cao hơn. Khoảng 25% trường hợp mắc mới được ghi nhận ở trẻ em và tỷ lệ trẻ nhập viện do COVID-19 cũng cao hơn.
WHO cảnh báo rằng, thế giới đang đối mặt với nguy cơ đánh mất những thành tựu rất khó khăn mới giành được trong cuộc chiến chống COVID-19 do sự lây lan của biến thể Delta. Đáng quan ngại hơn, WHO cho rằng "điều tồi tệ hơn có thể vẫn còn nằm ở phía trước" bởi "khả năng cao các biến chủng mới, nguy hiểm hơn xuất hiện và lây lan toàn cầu". Việc phần lớn người dân trên thế giới vẫn chưa được tiêm chủng đang tạo nhiều cơ hội hơn cho virus lây lan, nhân rộng, tiếp tục đột biến gây chết người nhiều hơn hoặc có khả năng kháng vaccine.
Tờ Thời báo New York mới đây đã ghi nhận những ý kiến của các bác sĩ làm việc tại những điểm nóng COVID-19 trên toàn nước Mỹ cho thấy, bệnh nhân phải nhập viện điều trị hiện nay không giống như những bệnh nhân mà họ đã từng gặp hồi năm 2020. Điểm chung là hầu hết những bệnh nhân này chưa tiêm chủng, có độ tuổi ngày càng trẻ, nhiều ca bệnh ở độ tuổi 20 hoặc 30. Tuy nhiên, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất phải đối mặt với tình trạng này.
Theo giới chức y tế tại nhiều nước, có thể điểm chung lại những nguyên nhân khiến giới trẻ dễ trở thành nguồn lây nhiễm biến thể Delta:
- Những người ở độ tuổi 20 chưa đủ điều kiện ưu tiên tiêm chủng tại một số quốc gia.
- Giới trẻ tập trung đông đúc tại các nhà hàng và quán bar ngay khi hết giãn cách.
- Sự chia rẽ trong suy nghĩ giới trẻ về việc duy trì sử dụng khẩu trang, nước sát trùng và giữ khoảng cách nơi công cộng.
- Biến thể Delta gây nên nhiều triệu chứng hơn đối với những người chưa tiêm chủng.
Trong cuộc đua với biến thể virus, có lẽ giới trẻ, thường được biết là khỏe mạnh và có sức đề kháng tốt, không được chủ quan và đặc biệt là "lá chắn" vaccine.
Bức tranh COVID-19 toàn cầu mỗi tuần lại thay đổi và cách thức các quốc gia ứng phó với dịch bệnh cũng luôn linh hoạt. Tuần này, rất nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ đã đẩy mạnh việc bắt buộc tiêm chủng. Nhật Bản, đất nước vốn rất cẩn trọng với vấn đề cá nhân, đã vừa áp dụng một cách làm mạnh tay là bêu tên những ai không tuân thủ quy định chống dịch. Ngoài ra, các quốc gia còn tăng tốc trong cuộc đua tiếp cận với thuốc điều trị COVID-19.
Như vậy, sau 19 tháng chiến đấu với dịch COVID-19, cho tới nay, thế giới đã có đủ kiến thức và công cụ cần thiết để chiến thắng đại dịch. Giờ là lúc xem xét sử dụng chúng đúng cách. Theo các chuyên gia, từ những gì chúng ta biết về khả năng thích nghi và phát triển của virus SARS-CoV-2 thông qua các biến thể, những "vũ khí" quan trọng nhất để "đánh bay" COVID-19 mà chỉ có kết hợp sử dụng chúng mới cho hiệu quả lâu dài gồm vaccine, thuốc kháng virus, biện pháp y tế công cộng và hợp tác toàn cầu.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()