Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 04:36 (GMT +7)
Thế giới ghi nhận 202,9 triệu ca mắc COVID-19, Thái Lan vượt 200 ca tử vong/ngày
Chủ nhật, 08/08/2021 | 09:00:52 [GMT +7] A A
Tính đến sáng nay, thế giới đã ghi nhận 202,6 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 4,29 triệu trường hợp tử vong.
Mỹ chiếm 1/5 số ca nhiễm (36.447.385 ca) và 1/7 số ca tử vong (632.641 ca), là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm (31.895.385 ca), nhưng Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (561.807 ca). Trong top 10 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới còn có Nga, Pháp, Anh (đều đã hơn 6 triệu ca nhiễm), Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina (hơn 5 triệu ca), Colombia và Tây Ban Nha (hơn 4,5 triệu ca nhiễm).
Châu Á là khu vực có số ca nhiễm cao nhất, hiện đã lên tới 63.794.749 ca, châu Âu đứng thứ hai với 52.264.374 ca nhiễm. Tiếp theo là Bắc Mỹ với 43.508.754 ca và Nam Mỹ có 35.879.822 ca. Châu Phi ít bị ảnh hưởng hơn, song con số này đang tăng nhanh, hiện đã vượt ngưỡng 7 triệu ca nhiễm trên toàn châu lục.
Ngày 7/8, Bộ Y tế Philippines đã ghi nhận thêm 11.021 ca nhiễm mới, mức cao nhất trong một ngày kể từ gần 4 tháng qua. Ngoài ra, có thêm 162 bệnh nhân COVID-19 tử vong. Tổng cộng trên cả nước, Philippines đã có 1.649.341 ca nhiễm và 28.835 ca tử vong. Thứ trưởng Bộ Y tế Maria Rosario cho biết, dự báo số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết nước này ghi nhận 354 ca mắc mới, trong đó có 330 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 24 ca cộng đồng. Như vậy, số ca lây nhiễm trong cộng đồng ghi nhận mới trong một ngày tại Lào tiếp tục tăng cao. Trong bối cảnh dòng người lao động trở về từ Thái Lan ngày càng gia tăng và có nhiều trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, nhà chức trách Lào đang khẩn trương mở rộng các cơ sở giám sát y tế đối với người nhập cảnh.
Thái Lan lần đầu tiên ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 vượt 200 ca/ngày, trong khi vùng tâm dịch thủ đô đang tăng cường các biện pháp đối phó với sự gia tăng của các ca mắc mới. Bộ Y tế Thái Lan cho biết, nước này có thêm 212 ca tử vong mới, nâng tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh từ trước tới nay lên 6.066 ca. Thái Lan cùng ngày ghi nhận thêm 21.838 ca mắc mới, đưa tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay lên 736.522 ca, trong đó có 517.012 ca đã bình phục.
Ngày 7/8, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc, đã tăng cường các biện pháp phòng dịch tại thủ đô Bắc Kinh trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng cao do biến thể siêu lây nhiễm Delta. Theo quy định mới, những người đang ở các khu vực nguy cơ cao sẽ tạm thời không được về thủ đô hoặc phải có xét nghiệm âm tính với virus. Các biện pháp phòng dịch tại các tuyến đường sắt, đường cao tốc và sân bay cũng được tăng cường.
Trong khi đó, giới chức y tế Nhật Bản đã xác nhận trường hợp bệnh nhân COVID-19 đầu tiên của nước này nhiễm biến thể Lambda. Bệnh nhân Nhật Bản là nữ, khoảng 30 tuổi, trở về từ Peru ngày 20/7 và nhập cảnh tại sân bay Haneda. Các xét nghiệm của nữ hành khách này ngay tại sân bay đã cho kết quả dương tính với virus. Bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng nào. Kết quả phân tích của Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản sau đó đã xác nhận nữ bệnh nhân nhiễm biến thể Lambda. Biến thể này được phát hiện đầu tiên tại Peru vào tháng 8/2020 và đang lan rộng ở Nam Mỹ. So với chủng thông thường, biến thể này có thể lây nhiễm mạnh hơn và có khả năng cao kháng vaccine phòng bệnh.
Cùng ngày, Australia cũng đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ đầu năm đến nay. Bang đông dân nhất New South Wales cùng với các bang Victoria và Queensland đã ghi nhận tổng cộng 361 ca nhiễm biến thể Delta. Khoảng 15 triệu người ở ba bang nói trên, tương đương 60% dân số nước này, đang phải tuân thủ các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.
Tại châu Mỹ, Argentina đã ghi nhận hơn 5 triệu ca nhiễm, trong khi Colombia là 4,8 triệu ca. Peru và Mexico đều có hơn 2,1 triệu ca. Nếu không kể Mỹ và Brazil, thì tại châu lục này, Mexico có số ca tử vong cao nhất (243.733 ca), tiếp đến là Peru với 196.818 ca. Số ca tử vong tại Argentina và Colombia đều ở mức hơn 100.000 ca. Mỹ đang có 13.081 ca bệnh nặng, trong khi Brazil là 8.318 ca. Colombia chỉ kém một chút với 8.155 ca. Còn Mexico có 4.798 ca bệnh trong tình trạng nguy kịch.
Tại châu Phi, Nam Phi có nhiều ca nhiễm nhất, với 2.511.178 ca, chiếm gần 1/3 số ca nhiễm của toàn châu lục. Maroc và Tunisia hiện đều có hơn 600.000 ca nhiễm trong khi con số này của các nước Tunisia, Ai Cập, Ethiopia, Libya và Kenya là hơn 200.000 ca. Số ca đang trong tình trạng nguy kịch ở Nam Phi là 4.506 ca, trong khi ở Maroc là 1.010 ca.
Theo VTV
Liên kết website
Ý kiến ()