Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:47 (GMT +7)
Thế giới đang cùng lúc đối mặt nhiều cuộc khủng hoảng
Thứ 6, 27/05/2022 | 09:28:05 [GMT +7] A A
Bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ, Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner nhận định, thế giới đang cùng lúc đối mặt nhiều cuộc khủng hoảng, từ gia tăng nợ công đến ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine, lạm phát giá năng lượng và thực phẩm. Vượt qua cuộc khủng hoảng đa tầng hiện nay và sẵn sàng đối mặt các cuộc khủng hoảng trong tương lai là thách thức lớn đối với các quốc gia, khu vực.
Thế giới đang phải ứng phó với “cơn bão giá” do tác động nhiều chiều của cuộc xung đột tại Ukraine, đại dịch Covid-19, tình trạng biến đổi khí hậu... Hàng trăm triệu người hiện không đủ khả năng tài chính để mua thực phẩm thiết yếu. Liên hợp quốc ước tính, đến tháng 5/2022, hơn 200 triệu người trên thế giới rơi vào cảnh đói nghèo và con số này sẽ tăng vì nhiều yếu tố cộng dồn như hạn hán nghiêm trọng ở Đông Phi và vùng Sừng châu Phi, ngành nông nghiệp chịu cú sốc gián đoạn chuỗi cung ứng trong ngắn hạn, chủ yếu do xuất khẩu phân bón, từ những nhà sản xuất hàng đầu như Nga và Belarus, bị cản trở vì các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Lạm phát cao, căng thẳng địa chính trị và lãi suất tăng đang hạ thấp triển vọng phát triển kinh tế thế giới. Liên hợp quốc đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 từ 4% xuống 3,1% và hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ từ 3,5% xuống còn 2,6%. Kết quả khảo sát của S&P Global cho thấy, hoạt động kinh doanh tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ở Mỹ, khu vực đồng euro (Eurozone), Anh và Australia đều tăng trưởng chậm hơn trong tháng 5 do giá cả leo thang.
Các nhà máy ở các nền kinh tế lớn phải đối mặt sự gián đoạn chuỗi cung ứng do một loạt các yếu tố như sự gia tăng trở lại số ca mắc mới Covid-19 tại một số nước, xung đột tại Ukraine, chi phí nhiên liệu cao hơn và tiền lương tăng.
Cơn bão giá có nguy cơ dẫn tới khả năng các chính phủ mua được thực phẩm trên thị trường thế giới thấp đi do ngân sách đã chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo ước tính của UNDP, 80 quốc gia trên thế giới đang đối mặt nguy cơ khủng hoảng nợ trong năm 2022. Nguy cơ này cũng sẽ nhanh chóng dẫn đến những bất ổn chính trị. Khi người dân không đủ tiền mua thực phẩm, các chính phủ không thể cung cấp thực phẩm cho thị trường, các bất ổn chính trị sẽ nhanh chóng nảy sinh.
Ông Steiner cho rằng, tình hình tại Sri Lanka là một thí dụ và có thể khu vực Mỹ Latin, châu Phi cũng sẽ trải qua tình trạng tương tự vì giá cả tăng cao. Theo ông Steiner, hiện có khoảng 60-70 quốc gia đang đối mặt cùng lúc với cả ba cuộc khủng hoảng. Đây cũng là nhóm đáng lo ngại nhất và cần cộng đồng quốc tế hỗ trợ.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) từng cảnh báo các cuộc xung đột vẫn là yếu tố lớn nhất làm gia tăng đói nghèo trên toàn cầu. Thế giới đang chứng kiến “một cơn bão hoàn chỉnh” gồm xung đột, biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19. Nguồn cung lương thực sẽ là vấn đề gây lo ngại lớn trong năm tới nếu không chú trọng tăng sản lượng, ổn định thị trường và tháo gỡ khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi hành động toàn cầu nhằm giảm tác động của cuộc khủng hoảng an ninh lương thực hiện nay. Nghị quyết kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương hỗ trợ các quốc gia chịu ảnh hưởng thông qua các hành động phối hợp gồm cung cấp lương thực khẩn cấp, hỗ trợ tài chính, đẩy mạnh và đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp. Cộng đồng quốc tế, bao gồm Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), cần coi an ninh lương thực toàn cầu là ưu tiên hàng đầu trong các chương trình nghị sự và hỗ trợ các nỗ lực đa phương tìm kiếm giải pháp hợp lý cho cuộc khủng hoảng.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()