Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:50 (GMT +7)
Thế giới có thể đối mặt với trận "đại hồng thủy" vào giữa thế kỷ này?
Thứ 6, 16/06/2023 | 11:23:35 [GMT +7] A A
Vấn đề nóng lên toàn cầu đang khiến băng ở Bắc Cực tan chảy nhanh chóng dẫn đến mực nước biển tại các đại dương trên Trái Đất có thể dâng cao thêm 7 mét vào giữa thế kỷ này.
Băng biển được tạo nên từ nước mặn trên bề mặt đại dương. Bắc Cực có diện tích đại dương khoảng 14 triệu km2 và hầu hết thời gian trong năm nó được bao phủ bởi băng.
Băng ở Bắc Cực sẽ biến mất hoàn toàn vào giữa thế kỷ này ngay cả trong kịch bản phát thải khí nhà kính thấp và nó sẽ để lại hậu quả nặng nề cho hành tinh.
Quá muộn để "cứu" băng tan
Tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư Seung-Ki Min, khoa Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang (Hàn Quốc) cảnh báo: "Bất kể kịch bản khí hậu được nghiên cứu như thế nào, Bắc Cực sẽ mất băng biển ngay cả trong trường hợp phát thải khí nhà kính thấp".
Tiến sĩ Heïdi Sevestre, Chương trình Đánh giá và Bảo vệ Bắc Cực nhận xét: "Tôi chưa bao giờ thấy một nghiên cứu đại hồng thủy như vậy về khí hậu của Trái Đất. Chúng ta sẽ mất băng biển vào mùa hè, đó là điều chắc chắn và thế giới đang đứng trước một thảm họa khí hậu".
Hậu quả nặng nề
Sự tan chảy băng ở Bắc Cực để lại hậu quả nặng nề cho hành tinh chúng ta, mực nước biển tại các đại dương trên Trái Đất sẽ cao tới 7 mét.
Seung-Ki Min giải thích: "Sự tan chảy của băng biển sẽ dẫn đến nhiệt độ cao hơn ở Bắc Cực. Vấn đề nóng lên này sẽ ảnh hưởng đến các khối băng vĩnh cửu và khiến chúng tan chảy.
Đáng chú ý, băng vĩnh cửu giải phóng một lượng lớn khí nhà kính vào khí quyển và đẩy nhanh sự nóng lên toàn cầu. Đồng thời, ảnh hưởng của việc này cũng sẽ khiến lớp băng Greenland (lớp băng lớn thứ hai trên thế giới-PV) tan chảy".
Băng hoạt động giống như máy điều hòa không khí của hành tinh, bề mặt của nó giúp phản chiếu nhiệt độ từ Mặt Trời trở lại không gian. Chính vì thế, khi băng tan, các đại dương sẽ phải hấp thụ lượng nhiệt này.
"Hậu quả băng tan sẽ ảnh hưởng đến khoảng 600 triệu người trên Trái Đất, những người sống ở các khu vực có độ cao từ 0 đến 10 mét so với mực nước biển. Cùng với đó, các khu đất nông nghiệp gần bờ biển, khu dân cư ở rìa đại dương và biển, các cảng tàu thuyền,... sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề", Heïdi Sevestre cho biết.
Nghiên cứu cũng hé lộ nguồn gốc của băng tan chính là do việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch quá mức của con người trên hành tinh trong 40 năm qua đã phát thải khí nhà kính ở mức cao.
"Con người không thể chối cãi, chúng ta là nguồn gốc của sự nóng lên toàn cầu. Thế giới cần hành động quyết liệt để cứu lấy hành tinh và sự sống còn của con người. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta sẽ không có chiến thắng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu", Heïdi Sevestre cảnh báo.
Điểm không thể quay trở lại?
Điểm không thể quay trở lại có nghĩa là một vấn đề sẽ không thể phục hồi sau khi nó xảy ra và Bắc Băng Dương sẽ không có băng trừ khi nhiệt độ toàn cầu của Trái Đất giảm xuống.
Tuy nhiên, chính khí nhà kính (CO2: carbon dioxide) làm thay đổi nhiệt độ của hành tinh, Trái Đất sẽ không hạ nhiệt và băng sẽ không thể xuất hiện trở lại ở Bắc Cực.
Nhà nghiên cứu khí hậu Dirk Notz, Đại học Hamburg (Đức) kết luận: "Đây sẽ là thành phần chính đầu tiên của hệ thống khí hậu Trái Đất mà chúng ta mất đi vì phát thải khí nhà kính".
Các nhà khoa học đã cảnh báo về sự biến mất này trong nhiều thập kỷ qua và thật đáng buồn chúng không được lắng nghe.
Hy vọng cuối cùng là những nhà hoạch định chính sách các quốc gia sẽ chú ý đến kết luận của các nhà nghiên cứu để chúng ta có thể bảo vệ các thành phần khác trong hệ thống khí hậu của mình và hạn chế sự nóng lên trong tương lai.
Nghiên cứu mới được công bố vào ngày 6/6 trên tạp chí Nature Communication.
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()