Ông Nguyễn Mạnh Hiệp làm việc tại Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, là người mê chụp ảnh các các loài chim và động vật hoang dã tại Việt Nam. Kết hợp công việc mà ông Hiệp có nhiều thời gian khám phá và chụp lại các loài chim và thú tại đầm Vân Long. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước nằm ở huyện Gia Viễn, cách TP Ninh Bình khoảng 17 km và cách Hà Nội khoảng 80 km.
Với diện tích trên 3.000 ha, Vân Long là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ. Điểm nhấn ở đây là các khối núi đá vôi hùng vĩ, hệ thống hang động được bao quanh bởi vùng đất ngập nước, các hồ nước nông, thảm thực vật và hệ chim nước phong phú.
Khu hệ chim ở Vân Long phong phú, với 102 loài được ghi nhận cho đến hiện nay, bao gồm các loài chim nước bản địa và các loài chim di cư.
Khu đầm Vân Long là nơi sinh sống của nhiều loài cò, điển hình như cò trắng, cò ngàng lớn, cò ngàng nhỡ, cò ruồi, cò bợ và cò ốc (Anastomus oscitans, ảnh). Cò ốc thuộc họ hạc, gọi là cò ốc vì món ăn khoái khẩu của loài chim này là ốc ở bãi sình lầy và ruộng lúa.
Vịt mốc (Anas acuta), loài chim di cư, thường trú đông kiếm ăn tại các sinh cảnh ngập nước ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ, trong đó có đầm Vân Long.
Sâm cầm (Fulica atra), loài chim di cư, có bộ lông màu đen, mỏ và trán có màu trắng. Điểm thú vị ở loài này là “phi trên mặt nước để lấy đà” trước khi cất cánh bay. Hiện sâm cầm không còn phổ biến trong các vùng phân bố tại miền bắc Việt Nam.
Gà nước mày trắng (Rallina eurizonoides) đang kiếm ăn trên đầm hoa súng. Đây là loài gà nước có kích thước nhỏ với chân và ngón chân dài, dễ phân biệt với các loài gà nước khác bởi các vệt trắng trên và dưới mắt.
Gà lôi nước (Hydrophasianus chirurgus), loài định cư không gặp thường xuyên, một trong những loài chim ấn tượng nhất được tác giả chụp tại Vân Long. Theo ông Hiệp, trong mùa sinh sản loài chim này dễ nhận ra do phần lông đuôi dài, còn khi bay thì quan sát thấy cánh gần như có màu trắng.
Con cò hương (Lxobrychus flavicollis) đớp được cá và bay lên trên cao. Cò hương thuộc họ diệc, cổ hơi dài và mỏ vàng dài, ăn cá, côn trùng và động vật lưỡng cư.
Đàn vịt mỏ thìa (Anas clypeata) bay trên vùng trời đầm Vân Long. Đây là loài chim di cư, có kích thước lớn, khoảng 50 cm trong họ vịt, có mỏ màu tối hình thìa.
Đàn vịt lưỡi liềm (Anas falcata), trong đó chim trống dễ nhận biết có đầu to màu đen bóng, là loài di cư, không phổ biến tại các đầm lầy.
“Việc tiếp cận và ghi hình các loài chim nói chung ở Việt Nam không dễ, chim thường bị bẫy bắt nên chúng nhát người. Do đó, việc có được những bức hình đẹp về các loài chim thì ngoài thiết bị chụp, cần sự hiểu biết về tập tính của chim và tính kiên trì khi theo đuổi niềm đam mê”, ông Hiệp chia sẻ.
Đầm Vân Long không chỉ là địa điểm du lịch sinh thái ấn tượng, là nơi khách được quan sát các loài chim thú, mà còn là môi trường sống tự nhiên của hơn 200 cá thể voọc quần đùi trắng (hay còn gọi là voọc mông trắng, Trachypithecus delacouri), là loài đặc hữu quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới được ưu tiên bảo vệ.
Ông Hiệp cho biết gọi là voọc mông trắng vì vùng mông có lông màu trắng kéo dài tới tận gốc đuôi và đùi. Vân Long là một địa điểm dễ dàng quan sát bằng mắt thường các cá thể voọc trong môi trường tự nhiên tại Việt Nam.
Ý kiến ()