Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:03 (GMT +7)
Thầy giáo - hoạ sĩ Đào Thế Am
Thứ 5, 04/05/2023 | 14:06:27 [GMT +7] A A
Người dân Quảng Yên tự hào về lực lượng các thế hệ họa sĩ “Làng tranh Yên Hưng” quê mình - nơi có huyền thoại về cây bút thần trôi theo dòng sông Hồng rồi mắc lại bên sông Chanh, người Yên Hưng nhặt được nên đã "phát tích" sinh ra nhiều hoạ sĩ tài năng.
Những cây bút tên tuổi thế hệ sinh trước và sau Cách mạng Tháng Tám (1945) ở Yên Hưng có thể kể đến như: Ngô Văn Túc, Trần Tuấn Lân, Lê Vân Hải, Đinh Văn Thọ, Vũ Tư Khang, Lê Na, Lê Chuyền, Mai Yến, Mai Khanh, Đinh Thanh, Hồ Cấn... Tiếp đến là lớp hoạ sĩ như: Vũ Nhụy, Vũ Phong Thu, Đặng Đình Nguyễn, Trần Quang Đạt, Hoàng Thị Yến, Hà Thị Lẻ... Và gần đây, mọi người không quên nhắc tới lớp hoạ sĩ trẻ tài năng kế tiếp, trong đó có họa sĩ Đào Thế Am.
Đào Thế Am sinh năm 1974, tại xã Liên Hoà, thị xã Quảng Yên. Mọi người trong vùng, nhất là giới trẻ đều biết Đào Thế Am là giáo viên mĩ thuật, là hoạ sĩ “có duyên” và còn biết đến anh là một tấm gương vượt khó về ý chí học tập, rèn luyện, vươn lên lập nghiệp và trưởng thành.
Lúc còn nhỏ, Đào Thế Am có tiếng là một học sinh có chí, ham vẽ. Bạn bè thường kể, khi còn là cậu bé chăn trâu, Đào Thế Am thường lấy phấn, que, than, gạch non vẽ trên nền đất, tường nhà. Những “bức tranh” ấy vẫn được bạn bè còn nhớ và tán thưởng. Học hết cấp III, năm 1994 Đào Thế Am nhập ngũ, trong quân ngũ anh được đồng đội yêu quý, nể phục vì có "đôi tay vàng" đã tích cực tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ của đơn vị.
Sau khi ra quân, vì đam mê hội họa, Đào Thế Am theo học vẽ tại nhà của hoạ sĩ Đặng Đình Nguyễn. Cũng như nhiều bạn cùng trang lứa, Đào Thế Am không quản ngại đường xa và vượt lên hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn để theo học. Năm 1998, khi còn đang theo học Đào Thế Am có tác phẩm đầu tay "Lều tre" chất liệu bột màu vinh dự được chọn tham gia Triển lãm Mỹ thuật Khu vực II Đồng bằng sông Hồng. Đây là bước khởi đầu cho Đào Thế Am về hướng đi của một hoạ sĩ trẻ.
Từ năm 1998, Đào Thế Am thường xuyên sáng tác và liên tục có tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật của huyện, của tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Hồng. Năm 2000, tác phẩm "Làng muối" chất liệu bột màu của Đào Thế Am vinh dự nhận giải của Quỹ hỗ trợ Văn hoá Hà Lan - Việt Nam tại Triển lãm Mỹ thuật sinh viên toàn quốc. Tiếp đến là bức “Bác Hồ với các cháu thiếu niên nhi đồng” chất liệu lụa giành giải khuyến khích Giải Văn nghệ Hạ Long lần thứ VII (2006-2010). Năm 2009, bức “Hành quân” chất liệu tổng hợp của Đào Thế Am được chọn tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc với chủ đề sáng tác về lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2013, Đào Thế Am nhận giải khuyến khích mỹ thuật nhân kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh với bức “Bác Hồ thăm đảo Tuần Châu” chất liệu lụa. Đào Thế Am còn có những tác phẩm được người yêu hội hoạ trong và ngoài nước chọn mua và sưu tầm...
Ở mảng đề tài nào, Đào Thế Am cũng trăn trở, tìm tòi và sáng tạo, khai thác bằng “cái gu” của riêng mình. Như nhiều đồng nghiệp đã nhận xét, tranh của Đào Thế Am thể hiện bằng nhiều chất liệu khác nhau, nhưng khá thành công với chất liệu lụa và đặc biệt có duyên vẽ về Bác Hồ, về đề tài chiến tranh, cách mạng, về Bộ đội Cụ Hồ - kỷ niệm và dấu ấn một thời quân ngũ của anh. Tác phẩm phải kể đến là bức “Lính biển” chất liệu lụa, đã được chọn tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2006 về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh, cách mạng. Tác phẩm “Bác Hồ thăm cảng Vạn Hoa” bằng lụa đã giành giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi vẽ về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ hải quân năm 2019, Triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh do Quân chủng Hải quân phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Ngoài những thành tựu về tranh giá vẽ, Đào Thế Am còn gặt hái nhiều giải cao về tranh cổ động cả ở trong tỉnh và toàn quốc. Năm 2003, Đào Thế Am đoạt giải ba tranh cổ động và giải khuyến khích vẽ mẫu biểu trưng nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập tỉnh. Năm 2006, Đào Thế Am giành giải C tranh cổ động toàn quốc về đề tài phòng chống ma tuý.
Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Trung cấp sư phạm Nhạc - Hoạ, Đào Thế Am trở thành giáo viên giảng dạy môn mỹ thuật tại Trường PTCS Tiền Phong, nay là Trường TH&THCS Tiền Phong (thị xã Quảng Yên). Là xã mới được thành lập, đời sống kinh tế của nhân dân còn rất nhiều khó khăn, nhiều buổi dạy, Đào Thế Am phải bỏ tiền riêng mua giấy, bút hỗ trợ cho học sinh trong các tiết học vẽ.
Đào Thế Am tâm sự: "Muốn các em học tập tốt, người thầy trước hết phải thương yêu học sinh như chính con em mình". Từ năm 2005, Đào Thế Am liên tục được công nhận là giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện và nhiều năm được công nhận là giáo viên giỏi cấp tỉnh. Năm 2007, Đào Thế Am được Phòng GD&ĐT Yên Hưng trưng dụng tham gia công tác giáo vụ và làm giảng viên cốt cán cấp tỉnh. Năm 2022, Đào Thế Am vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen “Nhà giáo tiêu biểu vượt khó trong công tác GD&ĐT”.
Tính cách giản dị, khiêm tốn, làm nhiều hơn nói, nhiều năm qua Đào Thế Am đang đi đầu trong công tác đào tạo các lớp năng khiếu đối với những em nhỏ yêu hội họa trong vùng. Anh còn là Chủ nhiệm CLB Mỹ thuật Quảng Yên đầy năng động, là người tổ chức các hoạt động vẽ thực tế và các cuộc hội thảo sáng tác, góp phần xây dựng CLB trở thành sân chơi văn hoá, “vườn ươm nghệ thuật” ngày càng phát triển vững mạnh. Đào Thế Am đã góp phần tích cực trong việc đào tạo các hoạ sĩ nhí, nhiều em đã giành giải cao như Đào Mai Quỳnh (giải nhất tranh thiếu nhi về chủ đề “Hạ Long trong mắt em” của tỉnh năm 2002); Đặng Thị Minh Hậu, Phạm Văn Ngọc, Đào Mai Quỳnh... đã có tác phẩm được chọn tham gia Triển lãm Tranh thiếu nhi quốc tế tại Phần Lan, Hung-ga-ri...
Có lẽ câu chuyện “huyền thoại về cây bút vẽ” mà người thị xã Quảng Yên nhắc tới chính là sự kiên nhẫn, tự thân phấn đấu của mỗi họa sĩ mà trưởng thành. Nhưng phần thưởng cao quý hơn cả những giải thưởng mà Đào Thế Am đã giành được mà ai cũng mong muốn đó là luôn nhận được sự tin yêu, quý mến của mọi người, của bạn bè, đồng nghiệp và nhất là các lớp họa sĩ nhí khi tự hào nhắc đến người thầy giáo - hoạ sĩ Đào Thế Am.
Hoạ sĩ Đặng Đình Nguyễn
Liên kết website
Ý kiến ()