Vì nhiều lý do mà thực trạng học sinh đi xe máy tới trường vẫn tiếp diễn tại nhiều nơi trong cả nước, trong đó có Quảng Ninh. Qua việc ra quân xử lý của lực lượng chức năng và một số hiện tượng thanh thiếu niên tham gia đua xe, lạng lách, đánh võng thời gian qua cho thấy cần có sự quan tâm, vào cuộc của nhiều phía để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Rất nhiều vi phạm
Vào năm học mới, chị Trần Thị Hiền (Khu đô thị Vinhomes, phường Hồng Gai, TP Hạ Long) phải đảm nhận nhiệm vụ đưa đón 3 con đi học; trong đó có 1 con nhỏ học mẫu giáo, 1 học lớp 4. Con gái lớn năm nay đã vào lớp 10 học cách nhà chừng 4-5km, thường xuyên phải học thêm. Việc đưa đón con khá phức tạp.“Tôi và chồng còn công việc cơ quan, nên không thể đảm nhận việc đưa đón con gái lớn. Vì thế tôi mua cho con chiếc cup 82 để con chủ động đến trường, học thêm” - chị Hiền chia sẻ.
Trường hợp chị Hiền không phải là hiếm. Rất nhiều phụ huynh bận hoặc đi làm xa, không có điều kiện đưa đón con tương tự. Vì thế, nhiều phụ huynh quyết định cho con dùng xe máy làm phương tiện đi học, dù biết là sai nhưng theo chị Hiền thì "Cũng chẳng còn cách nào khác".
Đó chỉ là một trong nhiều lý do mà khiến việc học sinh đi xe máy đến trường khá phổ biến diễn ra tại các địa phương trong tỉnh. Dạo qua một số cổng trường ở TP Hạ Long như: Trường THCS Văn Lang, THPT Hòn Gai, Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên tỉnh… và nhiều trường học trên địa bàn, có thể dễ dàng thấy, không ít thanh thiếu niên mặc đồng phục học sinh tự điều khiển xe máy đi học dù các trường đã có lệnh cấm.
Nhiều em chưa đủ 18 tuổi vẫn điều khiển xe máy dung tích trên 50cm3. Nhiều em chưa đủ 16 tuổi nhưng vẫn điều khiển xe máy dung tích dưới 50cm3, điều khiển xe máy điện (Theo Nghị định 100/2019 của Chính phủ, người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mới được phép điều khiển xe máy có dung tích dưới 50cm3, kể cả xe máy điện). Hầu hết đều chưa có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi sử dụng và chưa có ý thức khi sử dụng phương tiện tham gia giao thông…
Điều đáng chú ý là không ít trường vẫn chấp nhận cho các em gửi xe máy trên 50cc ở bãi gửi xe. Nếu bị cấm, các em cũng có nhiều cách để “lách” như: gửi xe ở các điểm gửi xe gần trường. Giờ tan học, ra khỏi cổng trường, các em điều khiển xe máy thường không đội mũ bảo hiểm, tụ tập đi hàng hai, hàng ba. Có em còn phóng nhanh, sang đường ẩu, lạng lách đánh võng trên đường, tiềm ẩn nguy cơ rất cao gây tai nạn giao thông.
Còn nhớ, trong buổi ra quân triển khai phương án 12 của Công an TP Hạ Long tối ngày 4/3/2023 trên các tuyến đường trọng điểm, đường bao biển và một số trường học ở TP Hạ Long, mới thấy tình trạng vi phạm an toàn giao thông ở học sinh, thanh thiếu niên khá phổ biến. Chỉ trong hơn 1 giờ đồng hồ, chúng tôi đã ghi nhận hàng chục trường hợp thanh thiếu niên, học sinh các trường vi phạm về điều khiển xe như không có gương, không đội mũ bảo hiểm, xe không biển, xe "độ"...
Đơn cử, trường hợp em Nguyễn Đức D (phường Cao Xanh, TP Hạ Long) chưa đủ tuổi điều khiển xe máy không dám thừa nhận mang xe máy nhà đi mà khai mượn xe từ bạn bè. Trần Quỳnh M, học sinh lớp 10A2, Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên tỉnh, 16 tuổi, chưa đủ tuổi điều khiển xe máy điều khiển xe máy 100cc chở bạn học, có mũ nhưng không đội, cho biết “quên” đội mũ bảo hiểm (!) và dù biết mình chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện nhưng vẫn vi phạm chỉ vì trường xa nhà.
Trung tá Lê Văn Tuyền, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an TP Hạ Long) cho biết: Đa số trường hợp học sinh đi xe máy bị dừng xe có lỗi ban đầu là không đội mũ bảo hiểm. Sau đó kiểm tra, các cháu đều không có giấy tờ hợp lệ.
Theo thống kê của Cảnh sát giao thông, Công an TP Hạ Long, trong đợt đầu ra quân thực hiện phương án 12 đảm bảo an toàn giao thông, cao điểm xử lý học sinh vi phạm an toàn giao thông, thanh thiếu niên lạng lách, đánh võng trên các tuyến đường, chỉ trong 2 ngày (4-5/3) đã xử lý 37 phương tiện vi phạm trong đó có nhiều mô tô và xe gắn máy (dung tích từ 50cc trở lên). Từ đầu năm 2023 đến ngày 5/3, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP Hạ Long đã kiểm tra, xử lý trên 300 trường hợp thanh thiếu niên vi phạm, tạm giữ trên 248 phương tiện.
Cũng theo thống kê, năm 2021, Công an TP Hạ Long đã phát hiện, xử lý 1.114 trường hợp đang ở độ tuổi học sinh vi phạm giao thông, tạm giữ 1.013 phương tiện, xử phạt 418 phương tiện; cảnh cáo, thông báo về gia đình 496 trường hợp.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Có thể thấy, từ sự thiếu quan tâm, giám sát của phụ huynh, thậm chí là dung túng, tiếp tay khi trang bị phương tiện cho con khi chưa đủ tuổi điều khiển xe máy cũng chính là nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông trong thanh thiếu niên, học sinh vẫn cao.
Trong ngày đầu ra quân thực hiện Phương án 12 (tối 4/3), lực lượng chức năng đã xử lý 13 phương tiện. Nhiều học sinh, thanh thiếu niên vi phạm đã gọi điện ngay cho gia đình tới giải quyết. Có em tái phạm. Điển hình trường hợp em N.T.D 16 tuổi (trú phường Hà Trung,TP Hạ Long) ghi nhận từ tháng 11/2022 đến tháng 3/2023 đã vi phạm Luật An toàn giao thông tới 3 lần. Các lỗi chủ yếu là phương tiện không có gương, không đội mũ bảo hiểm (mặc dù có mang mũ theo xe), “độ” phần đầu máy, thay đổi hình dạng, thiết kế ban đầu…
Qua nhiều lần kiểm tra, các lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều xe có dấu hiện được độ, nâng công suất. Một số phương tiện còn bị mòn chắn bùn sau - dấu hiệu của tình trạng đua, đi một bánh “bốc đầu”. Thậm chí trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nhiều tốp thanh thiếu niên còn phóng xe tốc độ cao, nẹt pô qua khu vực lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.
“Thanh thiếu niên thường nông nổi, bốc đồng, hay a dua, đua đòi nên thường có xu hướng bỏ chạy khi gặp lực lượng chức năng. Cá biệt, nhiều thanh thiếu niên trẻ có hành vi hình thành lên các hội, nhóm trên mạng xã hội hẹn hò, rủ nhau về những cung đường đẹp ở Hạ Long để đua xe, lạng lách, đánh võng. Vì thế, chúng tôi phải có phương án phòng ngừa từ xa, từ sớm" - Trung tá Lê Văn Tuyền cho biết thêm.
Lực lượng chức năng đã tiến hành theo dõi trên mạng xã hội để phát hiện từ xa, từ sớm những kế hoạch hẹn hò tụ tập lạng lách, đánh võng... đồng thời triển khai các hoạt động nghiệp vụ như hóa trang, ghi hình bí mật... để xử lý.
Mặt khác, lực lượng chức năng ở địa phương đã lập đường dây "nóng" để tiếp nhận hình ảnh, thông tin vi phạm giao thông do người dân cung cấp để xử lý hoặc phối hợp ngăn chặn. Nhờ biện pháp này mà Cảnh sát giao thông TP Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái và các địa phương đã ngăn chặn, xử lý được một số vụ việc thanh, thiếu niên tụ tập điều khiển xe mô tô, xe gắn máy lạng lách, đánh võng...
Từ thực tế trên, thiết nghĩ, ngoài sự đã và đang vào cuộc của cơ quan công an, rất cần có sự sát sao, trách nhiệm của gia đình và nhà trường. Phụ huynh cần kiểm soát chặt chẽ việc giao xe máy cho con. Nhà trường cần quán triệt, kiểm tra việc cấm học sinh đi xe máy tới trường, không nhận gửi xe máy trong trường. Hy vọng sự phối hợp đồng bộ giữa các bên sẽ giúp các em đến trường an toàn hơn, tránh xa các tệ nạn, hành vi ảnh hưởng tới an toàn giao thông.
Ý kiến ()