Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:36 (GMT +7)
Thấy gì từ loạt gameshow ngoại phủ sóng truyền hình?
Thứ 6, 15/12/2023 | 10:03:16 [GMT +7] A A
Nhìn lại thị trường truyền hình giải trí thời gian qua, dễ nhận thấy các gameshow ngoại nhập đang chiếm sóng mạnh mẽ. Trong hai ngày cuối tuần, “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” và “Cuối tuần tuyệt vời” bắt đầu lên sóng vào khung giờ vàng trên VTV3. Đây là hai chương trình được mua bản quyền từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Gameshow ngoại phủ sóng giờ vàng
Nhiều gameshow ngoại nhập khác như: 2 ngày 1 đêm, Ca sĩ mặt nạ, Đệ nhất mưu sinh... cũng được chiếu trên khung giờ đẹp của nhà đài. Có thể thấy, lựa chọn sản xuất gameshow có bản quyền nước ngoài đang là hướng đi an toàn hiện nay. Trước hết, những chương trình giải trí này vốn đã có độ nhận diện và tệp khán giả đông đảo từ trước. Đến khi phát sóng trong nước, thương hiệu từ bản gốc giúp công tác truyền thông được đẩy mạnh, khơi gợi sự tò mò, háo hức cho người xem.
Bên cạnh đó, sự chuyển dịch thói quen xem chương trình truyền hình cũng là “ngọn gió đông” giúp gameshow ngoại nhập “thống trị” như hiện tại. Khán giả giờ đây ưu tiên các gameshow thực tế ngoài trời, chú trọng tính trải nghiệm, tương tác giữa người chơi với thiên nhiên, cuộc sống hơn là các chương trình tổ chức trong trường quay khép kín.
Đây lại là thế mạnh từ lâu của những chương trình giải trí quốc tế, đặc biệt là từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan. Trong khi đó, các gameshow thuần Việt dù có những điểm mới nhất định nhưng nhìn chung vẫn chưa tạo được nhiều ấn tượng về nội dung, định dạng.
Mặc khác, sự bão hòa của thị trường gameshow buộc các đơn vị phải tìm kiếm format chương trình mới mẻ, độc đáo từ nước ngoài để níu chân khán giả.
Không thể phủ nhận những tác động tích cực của gameshow ngoại nhập, nhất là việc tạo ra áp lực nâng cao chất lượng giữa các đơn vị sản xuất. Nhiều chương trình âm nhạc như: “Ca sĩ mặt nạ”, “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng”... được đầu tư lớn về bối cảnh sân khấu, phục trang, thiết bị âm thanh, ánh sáng.
Bên cạnh đó, việc thu hút nhiều gương mặt đình đám tham gia là điểm cộng lớn từ các chương trình này. Chẳng hạn như “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” mời được hai giọng ca hàng đầu Việt Nam là Mỹ Linh và Hồng Nhung. “Ca sĩ mặt nạ” có sự góp mặt của nhiều nhân vật ít khi xuất hiện trên gameshow như: Trần Thu Hà, Khánh Linh, Hoàng Dũng, Vũ...
Đặc biệt, một số show truyền hình ngoại nhập như: Đệ nhất mưu sinh, Biển của hy vọng... còn góp phần quảng bá các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, ẩm thực từng vùng, miền mà các nhân vật trải nghiệm đi qua.
Chú trọng “Việt hóa” gameshow ngoại nhập
Thông thường, mỗi gameshow sau khi mua bản quyền sẽ được “Việt hóa”, tức là thay đổi hoặc biến tấu trong chừng mực để phù hợp với định hướng và nhu cầu khán giả.
Nhiều gameshow thành công nhờ kết hợp điểm mạnh của format gốc như: Kịch bản sáng tạo, kết cấu chương trình chặt chẽ, dàn dựng sân khấu công phu, hậu kỳ đầu tư kỹ lưỡng... với đặc trưng văn hóa, con người Việt.
Tuy nhiên, có không ít đơn vị sản xuất cho thấy sự xem nhẹ công tác “Việt hóa” gameshow ngoại nhập. Họ cố tình giữ nguyên những yếu tố, tình tiết không phù hợp với thuần phong mỹ tục cũng như thị hiếu tiếp nhận của công chúng...
Như với “The Face Việt Nam”, chương trình có mục đích tôn vinh người mẫu nhưng thứ đọng lại duy nhất là chiêu trò tạo drama lê thê giữa các huấn luyện viên. Đây vốn là “đặc sản” của nhiều phiên bản The Face quốc tế, tuy nhiên khi phát sóng trong nước lại khiến dư luận phê phán vì không phù hợp văn hóa ứng xử của người Việt.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()