Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:50 (GMT +7)
Thấy gì qua công tác quản lý tiền công đức tại các di tích ở TX Quảng Yên?
Chủ nhật, 30/07/2023 | 07:48:30 [GMT +7] A A
TX Quảng Yên hiện có 210 di tích lịch sử - văn hóa. Trong đó có 34 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 15 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 1 khu Di tích đặc biệt là Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng, 2 lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội Tiên Công, Lễ hội truyền thống Bạch Đằng. Ngoài ra, còn có hàng chục lễ hội đình làng, chùa làng, lễ ra cỗ họ, lễ hội ở các từ đường dòng họ.
Thực hiện Luật Di sản văn hóa và Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/1/2023 của Bộ Tài chính, vừa qua, TX Quảng Yên đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tổng kiểm tra công tác quản lý thu chi tài chính đối với việc tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội trên địa bàn thị xã.
Mục đích của đợt kiểm tra nhằm tổng hợp, đánh giá việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình, chùa; việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ, nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ. Qua đó giúp cho các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích, đình, chùa tự quản lý tiền công đức theo hướng minh bạch, rõ ràng để tạo niềm tin và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, góp phần phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của địa phương.
Kết quả kiểm tra tại các địa phương và các di tích cho thấy, nhìn chung công tác quản lý các di tích lịch sử - văn hoá, đình, chùa trên địa bàn thị xã cơ bản ổn định. UBND các xã, phường, các Ban Quản lý di tích đã triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước ở di tích đảm bảo theo các quy định của pháp luật.
Hiện nay, trên địa bàn TX Quảng Yên có một Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng trực thuộc UBND thị xã, được giao quản lý 9 di tích gồm: Bãi cọc Yên Giang, Bãi cọc Đồng Vạn Muối, Bãi cọc Đồng Má Ngựa, Đền Trần Hưng Đạo, Miếu Vua Bà, Bến đò Rừng, Đình Yên Giang, Đền Trung Cốc, Đình Trung Bản và Bảo tàng Bạch Đằng. Ban Quản lý di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, có chức năng giúp thị xã quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị văn hoá, lịch sử và tổ chức các hoạt động du lịch, dịch vụ đối với các di tích thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng.
Đối với các địa phương, qua kiểm tra 100% các xã, phường đã thành lập và kiện toàn ban quản lý di tích, trong đó trưởng ban quản lý là lãnh đạo UBND xã, phường hoặc người trực tiếp được giao quản lý di tích. Mọi hoạt động của di tích đều được triển khai đảm bảo các quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng tôn giáo và các văn bản pháp luật có liên quan.
Qua kiểm tra, tổng số nguồn thu năm 2022 thì số dư tiền công đức năm trước còn chuyển sang năm 2022 là 3.492.094.000 đồng; số tiền thu công đức, tiền huy động đóng góp, thu khác của các cơ sở di tích, tín ngưỡng, tôn giáo, tổng thu là 7.869.524.000 đồng; số chi hoạt động cho ban quản lý di tích và để lại chi tại cơ sở di tích là 7.946.482.000 đồng; số còn dư chuyển năm 2023 là 3.415.136.000 đồng.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, số dư tiền công đức năm trước còn chuyển sang năm 2023 là 3.415.136.000 đồng; số tiền thu công đức, tiền huy động đóng góp, thu khác của các cơ sở di tích tổng thu là 9.450.973.000 đồng; số đã chi hoạt động cho ban quản lý di tích và để lại chi tại cơ sở di tích là 7.037.768.000 đồng; số còn dư là 5.828.341.000 đồng.
Theo đánh giá chung, hầu hết các di tích có số thu trong năm rất thấp, chủ yếu thu từ tiền công đức của các tổ chức, cá nhân và thực hiện chi duy trì hoạt động, mua sắm cho các hoạt động thường xuyên. Các di tích đã thực hiện mở sổ sách, mở tài khoản tại ngân hàng thương mại để theo dõi việc tiếp nhận, thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và tổ chức các hoạt động lễ hội; việc kiểm đếm, quản lý tiền công đức được thực hiện thường xuyên và có sổ sách ghi chép đầy đủ.
Tuy nhiên, tại một số đơn vị, điểm di tích vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chưa thực hiện kiện toàn ban quản lý, tổ quản lý và chưa xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động, quy chế quản lý tiền công đức cập nhật theo Thông tư 04/2023/TT-BTC theo chỉ đạo của UBND thị xã. Một số cơ sở di tích có số thu thấp chưa thực hiện mở tài khoản theo dõi tại ngân hàng thương mại, chưa thường xuyên công khai, minh bạch tài chính tại cơ sở di tích.
Từ kết quả kiểm tra và xuất phát từ tình hình thực tế ở địa phương, đồng thời để triển khai các quy định của pháp luật mới ban hành, trong thời gian tới, TX Quảng Yên sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến các nội dung quy định của Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính; đồng thời kiến nghị, đề xuất với các sở, ngành, Sở Tài chính có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn nhằm triển khai một cách có hiệu quả Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/1/2023 của Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hoá, quản lý di sản và các ban quản lý di tích, tổ quản lý di tích, người được giao trông coi, quản lý di tích, các nhà sư trụ trì, thủ nhang, thủ từ ở di tích, nhằm nâng cao nhận thức và vai trò trách nhiệm, góp phần làm tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa ở địa phương.
Ngô Đình Dũng (Phòng VH-TT thị xã Quảng Yên)
Liên kết website
Ý kiến ()