Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 17:25 (GMT +7)
Thay đổi mức đóng các loại bảo hiểm khi bỏ lương cơ sở từ 1/7/2024
Thứ 4, 19/06/2024 | 10:13:00 [GMT +7] A A
Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mới nhất, khi bỏ lương cơ sở, Chính phủ sẽ áp dụng một mức tham chiếu thay thế cho lương cơ sở để tính toán mức đóng các loại bảo hiểm.
Các loại bảo hiểm sẽ điều chỉnh
Kể từ ngày 1/7, khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương, mức lương cơ sở (1,8 triệu đồng/tháng hiện hành) sẽ bị bãi bỏ. Từ đó, cách tính mức đóng các loại bảo hiểm như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) thay đổi theo.
Hiện mức đóng BHYT hằng tháng của người tham gia BHYT hộ gia đình được quy định như sau: "Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất".
Đối với nhóm được Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT, phần còn lại phải đóng được tính căn cứ vào mức đóng của người thứ nhất trong bảng trên.
Ví dụ, hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng BHYT. Do đó, người thuộc hộ cận nghèo đóng bằng 30% mức đóng của người thứ nhất, mức đóng 1 năm là 291.600 đồng.
Ngoài ra, mức đóng BHYT hằng tháng của học sinh, sinh viên cũng được tính bằng 4,5% mức lương cơ sở. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, người tham gia đóng 70%.
Đối với người lao động, mức lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc, BHTNLĐ-BNN, BHYT cao nhất là 20 tháng lương cơ sở (hiện là 36 triệu đồng).
Đối với người tham gia BHXH tự nguyện, mức đóng sẽ do người tham gia tự chọn. Tuy nhiên, mức đóng tối đa cũng được quy định là 20 lần mức lương cơ sở (hiện là 36 triệu đồng).
Tính theo mức tham chiếu
Tất cả các mức đóng trên đều căn cứ vào lương cơ sở để tính toán. Do đó, từ ngày 1/7, khi bãi bỏ lương cơ sở, Chính phủ sẽ hướng dẫn sử dụng mức tham chiếu để tính toán thay cho lương cơ sở dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), cơ quan soạn thảo dành riêng Điều 8 để quy định về mức tham chiếu này.
Theo đó, mức tham chiếu dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH. Mức tham chiếu được áp dụng bằng mức lương cơ sở cho đến khi mức lương cơ sở bị bãi bỏ. Từ thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ, mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở.
Ngoài ra, mức tham chiếu còn được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.
Mức tiền lương tháng đóng BH thất nghiệp cao nhất cũng tăng
Riêng đối với BHTN, theo quy định hiện hành, mức tiền lương tháng đóng BHTN cao nhất bằng 20 lần mức lương tối thiểu vùng, không liên quan đến lương cơ sở.
Tuy nhiên, theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lương tối thiểu vùng có thể được điều chỉnh tăng từ ngày 1/7. Do đó, mức tiền lương tháng đóng BHTN cao nhất cũng sẽ tăng theo khi mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()