Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:30 (GMT +7)
“Thấu hiểu và nhường nhịn là bí quyết gìn giữ hạnh phúc gia đình”
Chủ nhật, 27/06/2021 | 11:45:56 [GMT +7] A A
Gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt (tổ 3, khu 4C, phường Hồng Hải, TP Hạ Long) là một trong số 37 gia đình vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen “Gia đình văn hóa” có thành tích tiêu biểu trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000-2020 vừa qua.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện, lắng nghe chia sẻ của bà Nguyễn Thị Nguyệt và các thành viên trong gia đình bà về kinh nghiệm trong xây dựng gia đình văn hóa, gìn giữ hạnh phúc gia đình.
- Được tôn vinh là hộ gia đình văn hóa tiêu biểu của toàn tỉnh, vậy quan điểm của bà về xây dựng gia đình văn hóa như thế nào? + Mỗi gia đình là một câu chuyện khác nhau về hành trình xây dựng gia đình văn hóa. Song tôi cho rằng việc xây dựng gia đình văn hóa trước tiên phải bắt đầu từ xây dựng con người văn hóa. Điều đó có nghĩa là ông bà, cha mẹ phải là những người sống gương mẫu, có ý thức trong đạo đức, lối sống để con cháu học tập, noi theo. Từ đó hình thành cho mỗi thành viên đều có ý thức vun vén, biết dung hòa tốt các mối quan hệ, xây dựng gia đình hạnh phúc. Từ kinh nghiệm của gia đình mình, tôi thấy để xây dựng gia đình văn hóa, ngoài việc các thành viên trong gia đình sống có trách nhiệm, yêu thương, tôn trọng nhau thì các gia đình cũng nên tạo điều kiện, khuyến khích, động viên các thành viên tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo, các phong trào thi đua yêu nước tại chính địa phương... Thông qua đó, không chỉ giáo dục con cháu biết sống có trách nhiệm với cộng đồng mà còn lan tỏa lối sống đẹp đến mọi người xung quanh, để mỗi gia đình đều trở thành gia đình văn hóa, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở lành mạnh, phong phú. |
- Từ kinh nghiệm của gia đình mình, theo bà thì những yếu tố gì là quan trọng nhất để gìn giữ hạnh phúc gia đình?
+ Theo tôi, có rất nhiều yếu tố làm nên và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Song có lẽ tất cả đều dựa trên nền tảng của tình yêu thương, sự sẻ chia và tôn trọng. Chúng tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở các con giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình.
Hiện nay, trong số 8 người con cả dâu, rể của tôi, có người làm công chức nhà nước, có người kinh doanh bên ngoài, dù bận rộn, song các con, các cháu luôn dành thời gian cho gia đình, luôn hòa thuận với nhau và hiếu thảo với bố mẹ. Với chúng tôi bây giờ đó là niềm hạnh phúc lớn nhất.
Gia đình tôi hiện có 3 thế hệ cùng sinh sống, chúng tôi luôn xác định ông, bà chính là những “cây cao bóng cả”, là điểm tựa tinh thần trong gia đình, là những người có ảnh hưởng nhiều nhất đối với con cháu, nên trong cư xử và sinh hoạt hằng ngày, chúng tôi luôn chan hòa, mẫu mực, làm gương cho con, cháu noi theo. Đồng thời, trong những chừng mực nhất định, tôi cũng coi các con như người bạn để cùng sẻ chia, thấu hiểu nhau.
Cuộc sống gia đình sẽ không thể tránh khỏi những lúc cãi vã, nóng giận, nhưng các cụ đã dạy “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa cả đời không khê”, sự thấu hiểu và sẻ chia, đặt mình ở vị trí người đối diện là cách mà vợ chồng tôi ứng xử, gắn bó, giữ cho gia đình "trong ấm ngoài êm" với nhau gần 60 năm qua. Đến nay, khi con cái trưởng thành, lập gia đình riêng thì chúng tôi vẫn răn dạy với các con, các cháu về sự thấu hiểu và nhường nhịn là điều luôn cần phải có, cần phải duy trì trong cuộc sống hôn nhân, gia đình.
Trong sinh hoạt hàng ngày, bữa cơm tối luôn được cả nhà tôi duy trì, có mặt đầy đủ các thành viên. Đó cũng là khoảng thời gian quý giá trong ngày để gắn kết mọi người. Các thành viên được quây quần, trò chuyện, chia sẻ với nhau những câu chuyện cuộc sống, công việc và cả những khó khăn vướng mắc của từng thành viên để cùng nhau giải quyết.
Hiện nay, trước sự phát triển của mạng internet, bên cạnh những mặt tích cực cũng có nhiều tiêu cực từ lối sống ảo trên mạng đưa lại, do đó, gia đình chúng tôi duy trì việc đặt báo hàng ngày, xây dựng tủ sách gia đình và luôn tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi để đọc sách cùng nhau, xem đây là món ăn tinh thần không thể thiếu. Qua đó, hình thành văn hóa đọc từ chính gia đình, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách cho con, cháu từ chính những trang sách bổ ích, ý nghĩa.
- Được biết, cùng những cố gắng trong xây dựng gia đình văn hóa, ông bà cũng nhiệt tình tham gia công tác khu phố, đóng góp tích cực trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại địa phương. Bà có thể chia sẻ về điều này?
+ Tôi có gần 20 năm phụ trách công tác phụ nữ rồi đến Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ khu phố, chồng tôi cũng làm tổ trưởng tổ dân phố hơn 10 năm nay. Để có thể tham gia hoạt động khu phố đều tay, lại vừa vẹn tròn công việc gia đình, có thể hỗ trợ, giúp đỡ các con, các cháu, chúng tôi luôn chủ động sắp xếp thời gian một cách khoa học.
Giữ vai trò là những cán bộ tổ dân, khu phố, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà nhân dân tín nhiệm giao phó. Mỗi cán bộ, đảng viên gương mẫu đã góp phần tạo được niềm tin, sự đồng thuận và cổ vũ nhân dân tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao... góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa.
Với phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, mọi công việc, hoạt động cần triển khai của khu phố đều được chúng tôi thông tin đảm bảo đầy đủ đến từng hộ dân bằng nhiều hình thức, như: Phát tờ rơi, qua hệ thống nhóm zalo, tuyên truyền miệng... Từ đó, người dân được nắm bắt đầy đủ, kịp thời, luôn tự giác chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các cuộc vận động, phong trào thi đua tại địa phương.
Khu phố 4C nhiều năm qua luôn là khu phố tiêu biểu, đi đầu toàn phường trong thực hiện thu đúng, thu đủ, nhanh chóng các khoản thu phí theo quy định của Nhà nước và tham gia các phong trào từ thiện, nhân đạo.
Đặc biệt, vừa qua, theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ủng hộ quỹ vắc xin phòng chống Covid-19, ngay trong ngày hôm sau, chúng tôi đã thông tin phát động chương trình trong toàn khu phố. Và chỉ trong một ngày, 100% hộ dân, chưa kể các hộ thuê mặt bằng kinh doanh tại địa bàn đều tích cực ủng hộ, đóng góp quỹ với tổng số tiền trên 25 triệu đồng để chuyển về ủng hộ quỹ.
Khu phố 4C hơn 10 năm nay đều liên tục đạt danh hiệu Khu phố văn hóa. Đó là thành quả, động lực cổ vũ chúng tôi tiếp tục đóng góp, cống hiến cho địa phương khi còn đủ sức khỏe, trí tuệ.
- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Duy Khoa (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()