Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 28/01/2025 09:43 (GMT +7)
Thấp thỏm sống trên nóc nhà tù hàng thập kỷ
Thứ 4, 17/05/2023 | 14:49:02 [GMT +7] A A
Tháng 2 vừa qua, Di tích Nhà giam tù chính trị của Thực dân Pháp tại phường Hồng Gai, TP Hạ Long đã được cấp Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh. Tuy nhiên, hiện đang có 10 hộ dân (tổ 9, khu 1, phường Hồng Gai) sinh sống trên nóc nhà tù gần nửa thế kỷ vẫn chưa được di dời, gây khó khăn trong sinh hoạt và quá trình bảo tồn, tôn tạo di tích.
Bà Nguyễn Thị Thiệu, Tổ trưởng tổ 9 trước đây làm công nhân cho Công ty cung ứng và du lịch Quảng Ninh. Năm 1972, công ty cấp cho gia đình bà nhà tập thể cấp 4 được xây dựng trên nóc nhà tù, đến nay, căn nhà đã xuống cấp. Bà Thiệu chia sẻ: Nhà tôi chỉ có 2 mẹ con sống trong căn hộ 30m2. Nhà cửa chật hẹp còn không có chỗ để xe máy, diện tích chỉ kê được 1 giường lớn, con trai phải ngủ ở ghế sô-pha, cuộc sống sinh hoạt gặp rất nhiều bất cập, khó khăn. Bởi vậy, gia đình rất mong muốn phường và thành phố sớm có phương án bố trí cho gia đình và những hộ liên quan đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống.
Đã 90 tuổi, ông Phạm Văn Trị gắn bó gần như cả cuộc đời tại căn nhà chỉ rộng 50m2. Ông cho biết: Gia đình tôi là hộ dân sinh sống lâu nhất tại khu tập thể trên nóc nhà tù. Tôi là dân gốc Hà Tĩnh ra Quảng Ninh làm việc cho Công ty cung ứng và du lịch Quảng Ninh. Khi công ty xây dựng dãy nhà ở tập thể cho cán bộ, nhân viên ngay trên nóc nhà tù, tôi được phân 1 căn vào năm 1969, sau đó, công ty thanh lý và tôi ở đó đến bây giờ. Do ngôi nhà đã xây dựng từ lâu, xuống cấp nhưng không thể sửa chữa, nên sinh hoạt vô cùng khó khăn, bất tiện.
Giống như gia đình ông Trị, bà Thiệu, hều hết các hộ gia đình ở đây đều nơm nớp lo lắng vì cuộc sống không ổn định. Thời tiết bình thường không sao, nhưng hễ mưa gió, nhất là vào mùa mưa bão, cả nhà lại thấp thỏm vì sợ sạt lở, sụt lún ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản. Theo chia sẻ của các hộ dân, năm 2016, do mưa lớn, tại sân nhà bà Vũ Thị Hoa đã xuất hiện sụt lún tạo ra hố sâu 5m, đường kính gần 10m. Khi các đơn vị đến khảo sát địa hình, nhà bà Hoa nằm ngay ống thông gió của nhà tù. Khi đó, UBND TP Hạ Long đã chỉ đạo UBND phường Hồng Gai và các phòng, ban liên quan tiến hành xử lý, đổ bê tông phía trong nhà giam để gia cố khu vực sụt lún.
Trung bình mỗi căn nhà ở đây chỉ có diện tích khoảng 30-45m2, nhiều nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Những gia đình có con cái lớn muốn xây sửa nhà cửa để dựng vợ gả chồng đều rất khó khăn vì khu vực này không được phép xây dựng, sửa chữa. Phần lớn các ngôi nhà ở đây vẫn lợp mái ngói đỏ, thi thoảng được sơn lại cho đỡ cũ. Trong 11 hộ dân, có gia đình không thể sống được, lại không được phép sửa chữa nên đã chuyển đi nơi khác, để nguyên căn nhà ngày càng xuống cấp. Điều những người dân này lo lắng nhất là nguy cơ nóc nhà giam bị sụt lún, kéo đổ nhà nguy hiểm đến tính mạng, tài sản. Các hộ dân đã kiến nghị nhiều lần đến các cấp chính quyền.
Theo hồ sơ di tích lịch sử chứng tích nhà giam tù chính trị của thực dân Pháp ở Hòn Gai do phường Hồng Gai cung cấp, nhà tù chính trị được thực dân Pháp xây dựng năm 1909, đến năm 1919 thì dừng hoạt động. Di tích gồm hai bộ phận cấu thành: Dưới lòng đất và trên mặt đất. Dưới lòng đất là hệ thống đường hầm. Trải qua gần 100 năm tồn tại dưới tác động của thời tiết, khí hậu, địa chất, năm 2016 một số vị trí của đường hầm đã bị sụt lún nên các hố sụt được khắc phục bằng bơm bê tông lấp các đoạn sụt lún. Hiện nay, vẫn còn nguyên các phòng giam bằng bê tông, cổng sắt, xung quanh bao bọc bằng tường đá. Tuy nhiên, nhà tù đã có dấu hiện xuống cấp nghiêm trọng, cửa sắt tại lối vào hư hỏng, đứng ở ngoài có thể nhìn rõ bên trong, hệ thống sắt tại trần nhà tù hoen gỉ. Để đảm bảo an toàn, hiện di tích vẫn đóng cửa nhiều năm nay.
Ông Lê Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Hồng Gai, cho biết: Khu nhà tù này là chứng tích từ thời Pháp, có 11 hộ ở đây nhưng 1 hộ đã chuyển đi nên hiện tại có 10 hộ dân đang sinh sống. Trước đây, lãnh đạo thành phố và UBND phường Hồng Gai đã nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc để đưa ra phương án giải quyết cho các hộ dân. Phường cũng đã tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo các phòng ban nhanh chóng có phương án tái định cư cho các hộ dân và bảo tồn khu di tích. Chúng tôi cũng rất mong muốn chứng tích này sớm được đưa vào hoạt động để bổ sung di tích vào các tuyến điểm du lịch của thành phố. Từ đó, kết nối tới các di tích cách mạng khác trên địa bàn như: Địa điểm thành lập Binh đoàn Than, Phà Bãi Cháy, Cây quéo Bến Phà, Đồi Đặng Bá Hát, Núi Bài Thơ...
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()