Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 20:07 (GMT +7)
Chắp cánh cho những nghiên cứu, sáng chế khoa học
Thứ 7, 05/02/2022 | 10:44:15 [GMT +7] A A
Những năm qua, học sinh, CB,CN,VC,LĐ Quảng Ninh đã có nhiều phát minh, sáng chế, sáng kiến phục vụ cho sản xuất, đời sống. Những ước mơ khoa học được chắp cánh từ các cuộc thi KHKT, từ nhu cầu thực tiễn đã trở thành những viên gạch hồng đặt nền móng vững chắc, góp phần dựng xây quê hương, đất nước ngày càng phát triển.
Những nhà sáng chế tuổi học trò
Bằng trí tuệ và sức sáng tạo của mình, nhiều học sinh đã vận dụng kiến thức và kỹ năng được học trên lớp, qua các CLB khoa học, hoạt động thực nghiệm, để thực hiện những đề tài, sản phẩm nghiên cứu KHKT đầy mới mẻ, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.
Điển hình là Đề tài máy sản xuất thức ăn sinh học của Đinh Thị Thanh Tâm, Đinh Đức Nghĩa, học sinh lớp 12A8, Trường THPT Bạch Đằng (TX Quảng Yên) đã đoạt giải nhì Cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021. Nhiều khách hàng sử dụng sản phẩm này đã đánh giá rất tích cực.
Hai nhà sáng chế nhí cho biết: Thị trường máy nông nghiệp của Việt Nam đã có các dòng máy xay, máy trộn, máy ép viên cám thức ăn cho gia cầm, nhưng là các máy tách rời làm một chức năng. Để có thể đáp ứng cả 3 chức năng, chúng em đã nghiên cứu, sáng chế “Máy sản xuất thức ăn sinh học”, ghép 3 thiết bị máy vào một hệ thống chung, đảm bảo an toàn trong vận hành, chất lượng của thức ăn chăn nuôi.
Nguyễn Tuấn Linh, học sinh lớp 11A2, Trường THPT Bạch Đằng (TX Quảng Yên) được rất nhiều người biết đến với máy hút bọt làm sạch mặt nước ao nuôi tôm và máy sát khuẩn tay tự động chống dịch Covid-19 dành tặng cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế TX Quảng Yên do em sáng chế.
Tuấn Linh chia sẻ: Trước đây các hộ nuôi tôm mất khoảng 1-1,5 tiếng đồng hồ để vệ sinh, hút bọt mặt nước, thì với sáng chế này chỉ mất 15 phút. Máy hút cả tảo trong ao nuôi tôm và rớt tôm khi vừa lột, bảo vệ tốt môi trường nước, giúp tôm khỏe mạnh, tăng trưởng nhanh, giảm chi phí đánh vi sinh, bọt thải được bơm ra đúng nơi quy định hoặc cho ra bể chứa, giữ vệ sinh môi trường xung quanh.
Các chủ hộ nuôi tôm đánh giá cao sáng chế này, giá thành chỉ 6 triệu đồng/máy, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian và nhân công. Sáng chế đã đoạt giải nhất Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh năm 2020.
Vũ Thị Hải Ly và Nguyễn Thị Thanh Hoa, học sinh Trường THCS Phong Cốc (TX Quảng Yên) với Đề tài Dung dịch phòng - trị nấm cho cá cảnh từ lá bàng khô và muối biển, đã đoạt giải cuộc thi KHKT cấp thị xã, cấp tỉnh trước khi dự thi Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 17 năm 2021.
Tính sáng tạo của Đề tài là sử dụng lá bàng khô chiết xuất dung dịch không màu để phòng và chữa bệnh cho cá Betta, góp phần giải quyết được ô nhiễm môi trường do lá bàng gây ra. Dung dịch không độc hại, an toàn cho người sử dụng, giá thành rẻ, có thể thực hiện được ngay tại gia đình. Dung dịch đã được thực nghiệm trên tất cả cá bị nấm của 5 hộ nuôi ở các phường Phong Hải, Phong Cốc, tỷ lệ khỏi bệnh 100%.
Những năm qua, phong trào thi đua nghiên cứu ứng dụng KHKT trong học sinh phát triển rất mạnh mẽ, có sức lan tỏa, đem lại hiệu quả thực tiễn cao. 5 năm vừa qua, toàn tỉnh có 26 dự án đoạt giải Cuộc thi KHKT quốc gia dành cho học sinh trung học. Các cuộc thi sáng tạo KHKT đã và đang trở thành “bệ phóng” cho những tài năng trẻ của Vùng mỏ. Bên cạnh những giải thưởng ghi nhận, khẳng định tài năng từ mỗi cuộc thi, điều quan trọng hơn các em được phát huy tính sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng thử thách, hướng đến sống có trách nhiệm đối với những vấn đề trong đời sống xã hội, góp phần chung tay làm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp, văn minh và hiện đại.
"Cái khó ló... sáng kiến"
Những năm qua, các phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong ngành Than luôn phát huy hiệu quả. Qua đó, đã góp phần xây dựng đội ngũ công nhân có kiến thức, có tay nghề, thực hiện tốt "3 hóa" (cơ giới hóa, tin học hóa, tự động hóa) xây dựng TKV ngày càng lớn mạnh.
Sáng kiến “Nghiên cứu, chỉ đạo lập biện pháp và chỉ đạo thi công khấu vượt phay lò chợ cơ giới hóa 7-3.1 vỉa 7 công suất 1,2 triệu tấn/năm đảm bảo an toàn, hoàn thành kế hoạch sản lượng TKV giao” của anh Phạm Thành Công, Trưởng Phòng Kỹ thuật Công nghệ mỏ, Công ty CP Than Hà Lầm - Vinacomin đã làm lợi cho Công ty hơn 33,6 tỷ đồng. Sáng kiến này có giá trị làm lợi “khủng” nhất ngành Than trong tổng số 4.032 sáng kiến đăng ký tham gia chương trình “75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động từ tháng 3 đến tháng 5/2021.
Anh Công chia sẻ: “Sau khi nghiên cứu, tôi đã đề xuất giải pháp đào cải tạo lò thông gió lò chợ 7-3.1 phần nóc bốc cao hơn 1,5-2m với lò thông gió cũ, kết hợp điều chỉnh dốc độ khấu lò chợ theo hướng dốc, theo phương, để lò chợ khấu nâng nền vượt qua lớp đá phát sinh do đứt gãy địa chất trong lò chợ, đưa lò chợ về trạng thái giảm cắt đá, để tăng năng suất lao động. Đồng thời kết hợp với phòng trắc địa, địa chất cập nhật dốc độ và điều kiện địa chất hằng tuần để chỉ đạo công trường thực hiện”.
Sau khi áp dụng giải pháp rất khoa học dựa trên sự nghiên cứu địa chất, lò chợ đã giảm cắt đá, chiều dài cắt đá còn lại theo hướng dốc lò chợ 30m, chiều cao cắt đá 0,2-1,2m; sản lượng than tăng dần, năm 2020 đạt 858.000/738.000 tấn than dự kiến, giá trị làm lợi hơn 33,6 tỷ đồng. Đây là giải pháp lần đầu áp dụng để khấu lò chợ cơ giới hóa khống chế độ dốc theo phương tại TKV.
Vượt khó, sáng tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch, trong năm 2021, CB,CN,VC,LĐ Quảng Ninh đã có nhiều sáng kiến để phát triển sản xuất kinh doanh. Tiêu biểu như sáng kiến “Nghiên cứu ứng dụng đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường làm nguyên liệu thay thế trong lò nung Clinke tại Nhà máy Xi măng Lam Thạch" của Phó tổng Giám đốc điều hành Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh Ngô Hữu Thế.
Anh Thế cho biết: Giải pháp đã tận dụng, giải quyết các chất thải rắn công nghiệp trong sản xuất của đơn vị trở thành nguyên liệu nung clinke để sản xuất xi măng, thay thế các công nghệ xử lý chất thải lạc hậu hiện nay, như đốt thông thường, chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn quỹ đất chôn lấp; tận dụng được nguồn năng lượng do đốt chất thải mà có để lấy năng lượng nung clinker, giảm tiêu hao than khi nung clinker, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí CO... Sáng kiến góp phần làm lợi cho doanh nghiệp mỗi năm 13,2 tỷ đồng, tạo thêm 15 việc làm mới.
Sáng kiến "Tối ưu hóa hệ thống túi lọc bụi túi nghiền than tại Nhà máy Xi măng Thăng Long" của anh Nguyễn Cao Cường, công nhân Lò nghiền than Công ty CP Xi măng Thăng Long, đã giúp giảm tiêu thụ năng lượng trong sản xuất xi măng, góp phần bảo vệ môi trường để phát triển bền vững, làm lợi cho Công ty 4,5 tỷ đồng/năm.
Mỗi năm Quảng Ninh có hàng nghìn sáng kiến KHKT được ứng dụng vào thực tiễn đã khẳng định khát vọng, trí tuệ niềm đam mê lao động, học tập, cống hiến của con người Vùng mỏ. Các cuộc thi KHKT sẽ là bệ phóng giúp học sinh, người lao động bay cao, bay xa hơn nữa, không ngừng phát minh, sáng chế, thi đua học tập, lao động sản xuất để cống hiến xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()