Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:11 (GMT +7)
Thắp sáng một vùng di sản nhà Trần
Chủ nhật, 12/09/2021 | 09:04:35 [GMT +7] A A
Khu di sản nhà Trần với 14 điểm di tích lớn, nằm rải rác ở khu vực đồi núi phía Bắc có cảnh quan tự nhiên xanh tươi, đẹp mắt là tiềm năng lớn trong phát triển du lịch văn hoá tâm linh của Đông Triều. Giai đoạn này, khi du lịch đang tạm ngừng do dịch Covid-19, địa phương vẫn tiếp tục trùng tu, tôn tạo các di sản nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng các di tích, chuẩn bị cho sự phục hồi của du lịch sau này.
Thay đổi lớn về diện mạo
Nhằm hiện thực hoá mục tiêu phát triển du lịch văn hoá tâm linh của địa phương, ngay từ năm 2013, TX Đông Triều đã phối hợp với các cơ quan chức năng lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 307/2013/QĐ-TTg ngày 7/2/2013 (gọi tắt là Quy hoạch 307).
Việc thực hiện Quy hoạch 307 sẽ không chỉ góp phần bảo tồn các di sản do tiền nhân để lại mà còn giúp phát huy tốt các giá trị di sản cho du lịch địa phương. Vì vậy, những năm qua, thị xã đã phối hợp với các cấp, ngành chỉ đạo và đặc biệt tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi các cá nhân, tập thể phát tâm công đức đầu tư xây dựng các công trình tu bổ, tôn tạo trong quần thể di sản cũng như đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông, kết nối di tích... Trong đó, lớn nhất là Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn VinGroup) đã phát tâm công đức 500 tỷ đồng để tu bổ tôn tạo di tích nhà Trần giai đoạn 2017 - 2020.
Nhờ vậy, cho đến nay, từ hiện trạng chủ yếu là phế tích, diện mạo nhiều di tích trong quần thể di sản nhà Trần nơi đây đã được phục hồi lại khang trang, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh và tham quan, du lịch của người dân, du khách gần xa.
Trong đó, có 4 dự án đã hoàn thiện công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo, gồm: Chùa Ngoạ Vân khánh thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2016 với giá trị đầu tư là 83,5 tỷ đồng; Thái Miếu khánh thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2018, có giá trị đầu tư là 75 tỷ đồng; chùa Trung Tiết đã khánh thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2018, có giá trị đầu tư gần 80 tỷ đồng; Nguyên lăng đã khánh thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2018, có giá trị đầu tư gần 6 tỷ đồng. Cùng với đó là 2 công trình hiện đã khánh thành giai đoạn 1 là chùa Quỳnh Lâm với giá trị đầu tư hơn 163 tỷ đồng, chùa Hồ Thiên 63,9 tỷ đồng…
Không chỉ là các di tích, việc đầu tư hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng dẫn vào các điểm di tích cũng được thị xã phối hợp huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau để thực hiện. Có thể kể đến như việc xây dựng tuyến đường từ đập Trại Lốc đến lối đi bộ lên chùa Ngọa Vân có tổng chiều dài 5,5km, với mức kinh phí huy động nguồn xã hội hóa và một phần ngân sách gần 30 tỷ đồng. Tuyến đường hành hương kết nối khu di tích Yên Tử với Hồ Thiên đến Hồ Trại Lốc với tổng chiều dài 26,4km, tổng mức đầu tư 630 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, hoàn thành vào tháng 5/2018. Tuyến đường từ ngã tư Đông Triều vào khu di tích lăng mộ các vua Trần được đầu tư xây dựng với tổng chiều dài 15km, tổng mức đầu tư 90 tỷ và hệ thống điện cao áp chiếu sáng với tổng kinh phí 7 tỷ đồng.
Cùng với đó, toàn bộ hệ thống điện trung áp trên địa bàn TX Đông Triều đã được chuyển hoàn toàn từ lưới điện 6kV và 10kV lên lưới điện 22kV với tổng mức đầu tư của ngành điện trên 200 tỷ đồng. Hệ thống điện chiếu sáng tại các khu di tích đã được đầu tư song song với việc hình thành các tuyến đường, tạo diện mạo mới cho các khu di tích trên địa bàn.
Năm nay, nhiều dự án trong quần thể đã, đang hoàn thiện về thủ tục đầu tư và tiến hành tu bổ, tôn tạo, gồm: Chùa Ngọa Vân (khu vực am Ngoạ Vân), Phụ Sơn lăng, lăng Tư Phúc, chùa - quán Ngọc Thanh, mộ cổ Trại Lốc, mộ cổ Nghĩa Hưng, Ngải Sơn lăng (lăng Trần Hiến Tông), Hy lăng, am Mộc Cảo, Phủ Am Trà, dốc Đô Kiệu…
Cần thiết điều chỉnh Quy hoạch tổng thể
Gần chục năm qua, dù đã có những kết quả khả quan, tuy nhiên, quá trình thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo di tích cũng phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc khi di tích chưa phù hợp hoặc chưa được nêu tên trong Quy hoạch 307, dẫn đến không nhận được sự đồng thuận từ các cơ quan quản lý của trung ương.
TS Nguyễn Văn Anh, Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, phân tích: Quy hoạch 307 được lập trong bối cảnh nguồn tư liệu về di tích hết sức hạn chế, hầu hết di tích chưa được nghiên cứu làm rõ phạm vi, quy mô và thành phần công trình. Do vậy, việc khoanh vùng bảo vệ di tích chủ yếu dựa trên hiện trạng thửa đất, thiếu cơ sở khoa học. Gần đây, quá trình khai quật và nghiên cứu khảo cổ tại các di tích đã cung cấp các luận cứ tin cậy, xác định và làm rõ vị trí, quy mô và phạm vi phân bố của các di tích.
Cụ thể, ranh giới khoanh khu vực bảo vệ vùng I, vùng II trong đồ án Quy hoạch 307 không bao phủ hết phạm vi quan trọng nhất của di tích, trong đó tiêu biểu nhất là lăng Tư Phúc, lăng Ngải Sơn, lăng Phụ Sơn, đền An Sinh, chùa Ngọa Vân, di tích Đá Chồng, Ba Bậc, Hồ Thiên. Nhiều di tích mới được phát hiện như am Mộc Cảo, Ngọa Vân 1, 2, 6... cần được bổ sung vào đồ án quy hoạch.
Quy hoạch 307 đã bỏ sót hoặc thiếu nhiều công trình tại lăng Tư Phúc, lăng Ngải Sơn, lăng Phụ Sơn, chùa Ngọa Vân, di tích Đá Chồng, Ba Bậc, Hồ Thiên... Cá biệt có những công trình mang tính hồn cốt của di tích lại không được đề xuất, như chùa không có tam bảo, lăng không có nơi thờ tự... khiến cho việc tu bổ, tôn tạo di tích không phản ánh hết, thậm chí làm sai lệch tính chất và giá trị của di tích...
Bên cạnh đó, việc lập đồ án Quy hoạch 307 ở tỉ lệ 1/10.000 gây khó khăn cho việc quản lý, thiếu cơ sở pháp lý để lập dự án tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Bởi lẽ, theo quy định hiện hành thì chỉ có một loại đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích ở tỉ lệ 1/2000 hoặc 1/500.
Vì vậy, TX Đông Triều đang kiến nghị tới các cấp, cơ quan có chức năng điều chỉnh mới nhiều nội dung trên cơ sở giữ nguyên tổng diện tích khoanh vùng hơn 22 nghìn ha của Quy hoạch vốn có. Theo đó, di tích sẽ không chia thành 3 vùng mà chỉ chia thành 2 vùng là vùng lõi và vùng phát huy giá trị theo luật mới.
Vùng lõi di tích điều chỉnh từ hơn 102ha lên hơn 192ha, trên cơ sở nghiên cứu khảo cổ đối với các di tích: Chùa Hồ Thiên, Đá Chồng, Ba Bậc, Ngọa Vân, đền An Sinh, đền Thái, lăng Tư Phúc, Mục lăng, lăng Phụ Sơn, lăng Ngải Sơn, Nguyên lăng và Hy lăng. Đồng thời bổ sung các điểm di tích mới là am Mộc Cảo, phủ Am Trà, Cửa Phủ, Thông Đàn 1, 2, 3.
Cùng với đó, điều chỉnh và bổ sung các hạng mục công trình tại các di tích trên cơ sở kết quả nghiên cứu mới, phù hợp với quy hoạch tổng thể của khu di tích. Cụ thể, bổ sung tam bảo và khu thất phía Đông di tích chùa Hồ Thiên mới được phát hiện; bổ sung quy hoạch chi tiết khu nội tự, khu tịnh thất, khu vườn tháp, hồ cảnh quan của di tích Đá Chồng.
Với di tích Ngọa Vân, bổ sung chùa Ngọa Vân, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch chi tiết điểm di tích Cửa Phủ, Đô Kiệu, Thông Đàn 1, 2, 3. Điều chỉnh bổ sung quy hoạch chi tiết của 5 lăng là Tư Phúc, Mục lăng, Phụ Sơn, Ngải Sơn, Hy lăng và chùa - quán Ngọc Thanh. Cập nhật các công trình và hạ tầng đã được bổ sung, xây dựng từ năm 2013 đến nay. Bổ sung và cập nhật các khu vực quy hoạch phát triển dịch vụ tại các điểm di tích.
Với những thay đổi như kể trên, Quy hoạch 307 sau điều chỉnh được đánh giá giống như chiếc “chìa khoá” mở những “nút thắt” của quy hoạch cũ, đồng thời mở ra những định hướng cho việc quản lý, lập dự án bảo quản, tu bổ, phục dựng và phát huy giá trị di tích. Qua đó, cũng giúp xác định các dự án ưu tiên đầu tư trong những năm tới đảm bảo hiệu quả hơn, phù hợp với mục tiêu phát triển của TX Đông Triều.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()