Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:07 (GMT +7)
Thắp sáng hy vọng hòa nhập cho trẻ tự kỷ
Chủ nhật, 26/11/2023 | 08:30:19 [GMT +7] A A
Ngày nay, tự kỷ ngày càng phổ biến, xảy ra ở nhiều trẻ nhỏ, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phát triển, học tập, sinh hoạt bình thường của các em. Không chỉ buồn, khi biết con bị tự kỷ, phụ huynh thường lo âu, thậm chí không chịu “đối mặt” với bệnh lý con đang gặp phải.
Buồn, lo lắng khi con trẻ mắc tự kỷ
Theo đánh giá chuyên môn, tự kỷ là một tập hợp các rối loạn phát triển lan tỏa ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, khởi phát sớm ở trẻ trước 3 tuổi và diễn biến kéo dài. Biểu hiện chung của rối loạn tự kỷ bao gồm những khiếm khuyết trong các lĩnh vực như: Kém tương tác xã hội, kém giao tiếp và hành vi bất thường. Bên cạnh đó, trẻ thường có rối loạn cảm giác. Nhiều trẻ tự kỷ có kèm theo tăng động và trí tuệ kém.
Cho đến nay, tự kỷ vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân cũng như chưa có thuốc chữa trị dứt điểm. Bởi thế, nếu một phụ huynh nhận thức rõ bản chất của tự kỷ thì việc con mình được xác định mắc chứng này quả là một "tin dữ" không dễ chấp nhận.
Đến Khoa Tâm lý trị liệu, Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng tỉnh (PHCN) vào những ngày cuối tháng 10, chúng tôi gặp không ít câu chuyện của các gia đình, phụ huynh có con bị tự kỷ. Bà N.T.L (Hà Khẩu, Hạ Long), bà ngoại cháu B.T.T - một bệnh nhi đang điều trị tại đây, buồn rầu kể: Bé B.T.T ngoan ngoãn, khôn lớn, tới chừng 2 tuổi rưỡi thì cháu được gia đình phát hiện có những dấu hiện bị rối loạn phát triển tự kỉ khi con hòa nhập kém, gọi tên không có phản ứng, không quay lại, không biết lấy hay nhận biết một số đồ vật quen thuộc...
Tương tự là cháu N.T.H ở Vân Đồn, nay đã 3 năm 2 tháng tuổi, đã trải qua khoảng 2 năm điều trị tại viện. Chị N.T.Ng, mẹ bé chia sẻ: Ban đầu gia đình thấy cháu phát triển bình thường như bao con trẻ khác, vui chơi, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên khi con hơn 2 tuổi bỗng thấy con có những biểu hiện khác thường khi tương tác kém, rất ít trò chuyện với người khác, hay thích chơi một mình, không nghe hiểu lệnh, gọi không biết. Cháu lại thường xuyên chạy nhảy leo trèo nhưng không biết chơi đồ chơi, không thể tự thực hiện bất cứ sinh hoạt cá nhân đơn giản nào, không có cử chỉ giao tiếp... như bao trẻ khác.
Theo kiểm tra và đánh giá của bác sĩ thì đây đều là các bệnh nhi bị chứng rối loạn tự kỷ ở các mức độ khác nhau. Khác với cháu B.T.T (ở phường Hà Khẩu) điều trị tích cực tiến bộ sau một thời gian nhất định, bệnh nhi N.T.H (Vân Đồn) có những biểu hiện nặng hơn. Theo kiểm tra thực tế, mốc nhận biết của N.T.H chỉ tương đương trẻ 8-9 tháng, trong khi tuổi thực là 27 tháng tuổi, đồng thời gây hạn chế sự hòa đồng của trẻ vào các hoạt động trong gia đình, nhà trường và xã hội.
Theo bác sĩ Phạm Thị Hồng Quyên (Khoa Tâm lý trị liệu, Bệnh viện Lão khoa và PHCN tỉnh), thì bản thân trẻ tự kỷ mang nhiều rối loạn cảm giác và sự giảm tương tác sâu sắc. Trường hợp bệnh nhi N.T.H không thể học hỏi qua những cách thông thường như trẻ bình thường. Không học hỏi được từ người khác, rối loạn cảm giác khiến trẻ không thể nâng cao kỹ năng chơi hay các hoạt động, sinh hoạt cá nhân cũng không làm được.
Rối loạn cảm giác này sẽ khiến trẻ có các hành vi kỳ lạ. Lặp đi lặp lại, trẻ sẽ khó có thể học được các kỹ năng, từ đó nhận thức, ngôn ngữ đều chậm. Nếu không can thiệp, điều trị sớm, trẻ nhận thức càng kém, không có giao tiếp, bày tỏ nhu cầu không được. Các rối loạn hành vi sẽ ngày càng nhiều.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Phụ trách Khoa Tâm lý trị liệu (Bệnh viện Lão Khoa - PHCN tỉnh) thì đây chỉ là số ít trong các ca bệnh về rối loạn tự kỷ của trẻ mà viện tiếp nhận. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là cách tốt nhất giúp trẻ bình phục và quay lại cuộc sống bình thường. Đặc biệt, trong quá trình điều trị, gia đình có những theo dõi phát hiện và đồng hành cùng con trẻ trong hành trang điều trị rối loạn phổ tự kỷ là rất quan trọng, cần thiết.
"Hồi sinh" tâm hồn trẻ nhỏ
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà cho hay, trung bình Khoa tiếp nhận và điều trị 70-80 bệnh nhân/ngày. Việc ứng dụng nhiều phương pháp điều trị mới, được trang bị cơ sở hạ tầng đầy đủ, khang trang, đội ngũ có trình độ giúp việc điều trị bệnh nhi có nhiều đổi thay so với trước. Chúng tôi còn luôn đổi mới phương pháp khám, chữa bệnh đảm bảo chất lượng điều trị và đáp ứng nhu cầu bệnh nhân”.
Cũng theo thông tin từ các bác sĩ điều trị thì bệnh nhi B.T.T (ở phường Hà Khẩu) điều trị tại đây từ tháng 4/2022, qua 8 kì điều trị, nay cháu có sự tiến bộ rõ rệt. Với bệnh nhi N.T.H (Vân Đồn) nhập viện từ tháng 11/2022, sau 10 tháng điều trị, cháu cũng có tiến triển rất tốt, nhận thức tương đương trẻ 15 đến 18 tháng.
Chị N.T. Ng vui vẻ chia sẻ: Nay bé có tương tác với người quen, nhìn và lắng nghe, hiểu việc đơn giản, gọi bắt đầu biết quay lại. Nhận thức thêm người thân, nhiều đồ vật, con vật xung quanh, biết chơi đồ chơi, biết làm một số hoạt động cá nhân đơn giản.
Qua tìm hiểu cho thấy, việc điều trị cho trẻ tự kỷ hiện có sự kết hợp hài hòa, đa dạng các phương pháp như ngôn ngữ trị liệu, vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, tâm lý giáo dục, y học cổ truyền dưới hình thức các tiết học như can thiệp cá nhân, nhóm, can thiệp tâm vận động, tiết học kỹ năng sống kết hợp với các phương pháp hỗ trợ.
Đến nay, Khoa đã tiến hành triển khai 2 quy trình kỹ thuật mới gia tăng hiệu quả điều trị là: Kỹ thuật kích thích giao tiếp sớm ở trẻ nhỏ và Can thiệp bằng phương pháp giao tiếp tăng cường và thay thế AAC vào điều trị trẻ tự kỷ.
Tuy nhiên, đây là công việc không hề đơn giản. Ngoài kỹ năng chuyên môn, đòi hỏi bác sĩ phải là người kiên trì, bền bỉ, yêu trẻ nhỏ, vốn là phẩm chất cần có và được rèn luyện của các bác sĩ ở Khoa. Bà N.T.L là bà ngoại cháu B.T.T chia sẻ: Là người nhà bệnh nhân lại từng có thời gian làm giáo viên nên tôi cảm nhận được sự vất vả của những người giáo viên đặc biệt tại đây.
Các cô phải can thiệp cho những cháu ban đầu đến điều trị, có cháu quấy, khóc cả buổi điều trị. Với gia đình tôi, có 3-4 thành viên cùng chăm sóc cháu đôi khi còn cảm thấy quá tải. Những thay đổi của cháu mang lại niềm hạnh phúc to lớn cho gia đình chúng tôi. Qua đó thấy được sự tận tâm, tận tình của đội ngũ y, bác sĩ đối với các bạn nhỏ thiệt thòi như cháu của tôi”.
"Với đặc thù công việc, áp lực là rất lớn. Áp lực từ bệnh nhân, phụ huynh. Đôi khi chính đội ngũ y, bác sĩ tại đây tự tạo cho mình yêu cầu rất cao, đòi hỏi phải giải quyết hết mong đợi của phụ huynh và yêu cầu điều trị của các con. Những trẻ nhỏ đến với khoa không chỉ khiếm khuyết một vài kỹ năng mà còn rối loạn kỹ năng, rối loạn hành vi đi kèm.
Một nhân viên y tế không thể giải quyết được nhiều vấn đề cùng lúc, chính vì thế, chúng tôi phải hoạt động theo nhóm, từ đó hỗ trợ bệnh nhân phát triển toàn diện. Tuy nhiên, đối với việc trị liệu cho trẻ phổ tự kỉ, rất cần sự phối hợp, đồng hành từ gia đình với nhà chuyên môn để con trẻ có thể hòa nhập nhanh nhất." - bác sĩ Hà bộc bạch.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()