Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 13:23 (GMT +7)
Ngày làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV Thảo luận tổ về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Thứ 5, 26/05/2022 | 19:40:59 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, ngày 26/5, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ), đồng thời tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật CSCĐ.
Tham gia thảo luận tại hội trường, các đại biểu đã phát biểu hết sức thẳng thắn, tâm huyết về dự án Luật CSCĐ. Các đại biểu đều cho rằng dự thảo Luật lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, dự thảo Luật cũng còn những điểm cần lưu ý như: Xác định rõ các nội dung hợp tác quốc tế của CSCĐ; cần quy định rõ về biện pháp vũ trang trong Luật; cụ thể quy định về ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay, thiết lập khu vực cấm bay tránh chồng chéo với nhiệm vụ của các lực lượng của Bộ Quốc phòng…
Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh: Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả trong quá trình tổ chức nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật.
Các ý kiến góp ý của đại biểu đều sâu sắc, toàn diện, cụ thể, rõ ràng, có giá trị lý luận và thực tiễn. Trong đó, nhiều ý kiến đã tiếp tục đề nghị nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật một cách rõ ràng ở từng điều luật. Cụ thể như nội dung giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đảm bảo tính khả thi và đáp ứng yêu cầu trong hoạt động thực tiễn của lực lượng CSCĐ như: Về phạm vi điều chỉnh, tổ chức của lực lượng CSCĐ, phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ của lực lượng CSCĐ,…
Sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan tổng hợp đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội đồng thời chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu chỉnh lý thấu đáo, đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội trình Quốc hội thông qua.
Trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Thảo luận về nội dung Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, thống nhất với các nội dung dự thảo Luật. Trong đó, đặc biệt là phát huy vai trò của hoạt động thanh tra trong công tác quản lý nhà nước. Đặc biệt công tác phòng chống tiêu cực đang được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo quyết liệt nên việc kiểm tra, thanh tra ở các đơn vị, các cấp cũng cần phải đẩy mạnh thực hiện để tránh tham nhũng, tiêu cực.
Đối với Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu đề nghị nghiên cứu làm rõ các thuật ngữ trong Luật; việc xác nhận các đối tượng ưu tiên phải rõ ràng, cụ thể để đảm bảo công bằng. Trong việc quy định hành nghề y đối với người nước ngoài tại Việt Nam cần nghiên cứu bổ sung một số quy định cụ thể. Về quy định người đại diện của người bệnh, trong trường hợp người đại diện thay thế phải có xác nhận của người bệnh hoặc cơ quan có thẩm quyền. Trong nội dung về điều kiện cấp giấy phép cho hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo phải tách nội dung với đào tạo chuyển giao kỹ thuật, thiết bị. Đẩy nhanh hiệu lực thi hành nếu dự thảo Luật được thông qua.
Cho ý kiến vào Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Lê Minh Chuẩn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, khẳng định việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 là cần thiết, đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Đại biểu đề nghị bổ sung từ ngữ “Thủ trưởng cơ quan thanh tra” vì trong dự thảo Luật có nhiều nội dung liên quan tới từ ngữ này phải làm rõ để phân biệt được các khái niệm “Thủ trưởng cơ quan thanh tra”, “Chánh Thanh tra sở”, “Thủ trưởng cơ quan nhà nước”, “Người ra quyết định thanh tra”.
Bên cạnh đó, xem xét điều chỉnh hoặc làm rõ Khoản 3 “Không trùng lặp về nội dung, phạm vi giữa các cơ quan thanh tra và giữa Cơ quan thanh tra với Cơ quan kiểm toán nhà nước”. Xem xét bố cục lại các điều liên quan tới trách nhiệm thủ trưởng cơ quan nhà nước. Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung thanh tra phải cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của thành viên đoàn thanh tra phù hợp với phạm vi thanh tra được xác định theo kế hoạch tiến hành cuộc thanh tra”. Đồng thời, bổ sung quy định về áp dụng Luật Thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước.
Cho ý kiến vào Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, đề nghị xem xét tác động của việc không có chức danh y sĩ dân sự và giữ lại chức danh này, bởi vì đội ngũ này vẫn có vai trò rất lớn tại cơ sở. Bên cạnh đó, cần quy định rõ chức năng nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia là tổ chức độc lập tự chủ, đánh giá năng lực cơ sở khám, chữa bệnh. Trong nội dung quy định giá dịch vụ y tế cần đánh giá rõ yêu cầu về nguồn lực cùng với bảo hiểm y tế và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Đại biểu cũng nêu rõ đây là dịch vụ đặc biệt cần có quy định về giá của Chính phủ và cần thu hút xã hội hóa.
Đối với việc thực hiện pháp luật tự chủ tài chính của cơ sở y tế cần đánh giá cụ thể trong thực tiễn để giao nhiêm vụ và quy định rõ ràng về giá dịch vụ y tế và thu nhập của người dân. Liên quan đến cơ chế khám, chữa bệnh trong thiên tai, dịch bệnh cần xác định các yếu tố: Nguồn lực, quỹ bảo hiểm y tế, khả năng xã hội hóa, tài trợ quốc tế, nguồn lực từ người dân.
Nêu ý kiến về Dự án luật này, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, cho rằng, Nhà nước cần ban hành và có quy định cụ thể đối với giá dịch vụ khám, chữa bệnh của các đơn vị công lập, các cơ sở y tế khác cũng cần có quy định khung về giá để tạo đà xã hội hóa. Đại biểu cũng đề nghị cần có khảo sát đối với các cơ sở khám, chữa bệnh có yếu tố nước ngoài để đánh giá khách quan đối với người nước ngoài có hạn chế gì khi hoạt động khám, chữa bệnh không thạo tiếng Việt. Bên cạnh đó bỏ chức danh y sĩ. Đối với việc khám, chữa bệnh từ xa cần có khảo sát, xem xét thực tiễn cụ thể về trách nhiệm và tính hiệu quả bởi vì tiềm ẩn những yếu tổ rủi ro lớn nếu khám và kê đơn không chính xác.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()