Tất cả chuyên mục

Sáng 10-12, tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa XII, các đại biểu đã thảo luận tại 5 tổ, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, gồm: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2014; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, điều hành phát triển KT-XH năm 2015; tham gia ý kiến vào các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.
[links()]
![]() |
Chủ tọa kỳ họp điều hành phiên thảo luận. |
Tại phiên thảo luận ở tổ, các ý kiến đều khẳng định: Năm 2014, mặc dù có nhiều khó khăn, trở ngại, song với quyết tâm chính trị cao và bằng các biện pháp quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, KT-XH của tỉnh có nhiều bước đột phá và tăng trưởng khá; nhiều chỉ tiêu trong phát triển KT-XH của tỉnh đạt và vượt cao so với cả nước; đời sống của người dân tiếp tục được chăm lo, cải thiện. Đó là kết quả của việc phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc và LLVT trong toàn tỉnh.
Góp ý kiến vào phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH của tỉnh năm 2015, nhiều đại biểu cho rằng: Đối với lĩnh vực phát triển kinh tế, tỉnh cần tiếp tục có các giải pháp để tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh hơn nữa việc tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản của tỉnh; phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách ở mức cao nhất; kiểm soát chặt chẽ nhiệm vụ chi, bảo đảm cân đối ngân sách; đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho các công trình trọng điểm, công trình động lực, tiếp tục đưa các Trung tâm phục vụ hành chính công các địa phương vào hoạt động, tạo chuyển biến tích cực và cụ thể hơn nữa trong thực hiện cải cách hành chính, cải cách thể chế để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham gia ý kiến tại phiên thảo luận. |
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, năm 2015 tỉnh cần dành nguồn kinh phí thỏa đáng để tiếp tục đầu tư và có những chính sách ưu tiên các xã biên giới, hải đảo để người dân có cơ hội phát triển sản xuất nâng cao thu nhập và có cơ chế hỗ trợ giới thiệu, xúc tiến quảng bá tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Liên quan đến việc đầu tư các công trình, dự án, nhất là các công trình dự án trọng điểm, tỉnh cần tập trung nguồn lực để xây dựng và hình thành các khu tái định cư, tạo điều kiện tốt cho giải phóng mặt bằng trước khi triển khai dự án. Tỉnh cũng cần giải pháp mạnh để quản lý, kiểm soát các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đặc biệt là tại khu vực cửa khẩu Móng Cái, đồng thời nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng cửa khẩu chính đảm bảo xứng tầm; có cơ chế để lại về thu ngân sách cho các địa phương khu vực biên giới để tạo động lực phát triển cho địa phương; điều chỉnh một số chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng, miền như chỉ tiêu về bảo hiểm y tế, chỉ tiêu thu nhập đầu người; chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất lớn, tạo động lực phát triển mạnh mẽ trong khu vực nông nghiệp; có cơ chế cụ thể về hợp tác công - tư; có sự gắn kết chặt chẽ giữa các quy hoạch đảm bảo việc giữ gìn, bảo vệ các di tích, di sản và triển các dự án đầu tư phát triển KT-XH.
Theo các đại biểu tham gia ý kiến tại kỳ họp, tỉnh cần có cơ chế thông thoáng hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án, như đầu tư vào lĩnh vực xây dựng nhà cho người thu nhập thấp, nhà ở cho sinh viên. Bởi hiện nay, cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn nhiều bất cập, TTHC còn rườm rà, chính sách tín dụng chưa rõ ràng nên chưa tạo “sức hút” cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh cần đề nghị với Trung ương tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và trao quyền, phân quyền cho Quảng Ninh trong việc quản lý hoạt động xuất nhập khẩu…
Về lĩnh vực văn hóa, xã hội, các đại biểu đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ học sinh khu vực miền núi, quản lý và sử dụng phòng học khi thực hiện dồn các điểm trường, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các địa phương đảm bảo thực hiện mục tiêu trường chuẩn; dành nguồn lực thích đáng để đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện chỉ tiêu về trường chuẩn và dành nguồn lực để thực hiện dồn các điểm trường; có định hướng cụ thể trong quản lý, sử dụng các điểm trường khi thực hiện dồn các điểm trường; phân bổ kinh phí cho công tác phòng chống tệ nạn xã hội; có chính sách hợp lý về phát triển chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn.
![]() |
Tổ thảo tại tổ Bình Liêu- Đầm Hà- Hải Hà- Vân Đồn- Cô Tô. |
Đồng thời, tỉnh cần cấp phép và tăng cường quản lý các cơ sở kinh doanh như vũ trường, quán bar, quán karaoke để tránh phát sinh những tệ nạn xã hội; quan tâm các hoạt động cai nghiện tại cộng đồng; tăng cường định hướng, phân luồng đào tạo nghề cho người lao động, đặc biệt là khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề; rà soát không để tình trạng mù chữ và tái mũ chữ trong dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và tình trạng trẻ ngồi nhầm lớp; nghiên cứu thay đổi các cơ chế, chính sách giảm nghèo để đảm bảo hiệu quả bền vững, khắc phục tình trạng người nghèo do ỷ lại, không muốn thoát nghèo…
Cũng tại phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu đã góp nhiều ý kiến vào nội dung các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. Cụ thể: Đề nghị quan tâm đến vấn đề tăng phụ cấp cho những đối tượng không chuyên trách ở cấp xã; hỗ trợ vốn cho phát triển nông nghiệp và đầu tư xây dựng nông thôn mới; tăng kinh phí cho dự án hỗ trợ khu giết mổ tập trung cũng như phí vận chuyển từ khu giết mổ đến chợ dân sinh.
Đối với danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp, không nên quy định quá chi tiết các loại cây, con trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi để đảm bảo linh hoạt trong thực hiện. Liên quan đến tờ trình dự thảo nghị quyết về việc quy định chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, bản, khu phố, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung tổ chức hoạt động ban quản lý thôn. Ngoài 5 tổ chức đoàn thể, đề nghị xem xét mức hỗ trợ thêm cho hoạt động của thôn, khu để điều hành chung hoạt động của thôn khu.
Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ nội dung khuyến khích đầu tư vào nông nghệp cho các đồng bào dân rộc thiểu số, việc phân loại đối tượng hộ nghèo, giảm nghèo…
Về chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2015-2017, tỉnh cần cân nhắc thời gian thu hút 6 năm hay 8 năm và đưa nhanh Trường Đại học Hạ Long vào hoạt động; cần chỉ rõ đối tượng thu hút, chỉ tiêu thu hút khi có số lượng thu hút cao hơn quy định cần có hội đồng xem xét; làm rõ quy định về thời gian thử việc; tập trung chỉ đạo việc thu hút nguồn nhân lực vào Trường Đại học Hạ Long, tập trung tuyển sinh hệ Đại học trong năm 2015; bổ sung đối tượng thu hút chất lượng cao cho ngành văn hóa nghệ thuật và xây dựng chính sách nguồn giảng viên tại chỗ…
Đối với nội dung quy định các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, đề nghị giữ nguyên mức các loại phí như hiện tại và điều chỉnh dần trong 3 năm tiếp theo.
Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu còn đóng góp nhiều ý kiến vào nội dung các tờ trình, dự thảo nghị quyết về hỗ trợ tiền ăn cho học sinh tiểu học bán trú, tiền nhân công chăm sóc bán trú các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ở các xã trong danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn; lập dự toán và phân bổ ngân sách nhà nước cấp tỉnh; chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn đợt 2 năm 2014…
Chiều nay, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường về nội dung, tờ trình dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp lần này.
Nguyễn Huế
Ý kiến ()