Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:21 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV Thảo luận tại tổ về một số dự án luật quan trọng
Thứ 2, 17/06/2024 | 18:50:05 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 17/6, trong phiên làm việc chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi); dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng.
Tham gia góp ý vào nội dung dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, tại điều 5 về đối tượng không chịu thuế, nội dung quy định về các sản phẩm: Cây trồng, nuôi trồng, đánh bắt, qua sơ chế thông thường… cần làm rõ khái niệm về sơ chế thông thường để luật hóa các sản phẩm được tính thế nào là qua sơ chế thông thường để không chịu thuế.
Tại khoản 13, điều 5 quy định về hoạt động dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, đại biểu cho rằng cần làm rõ hơn các vấn đề liên quan như: Thu hộ, chi hộ, tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh… cũng nằm trong nội dung này. Vậy dự án luật cần chi tiết, cụ thể hơn để đảm bảo quy định đầy đủ.
Đối với khoản 22, quy định về xuất khẩu tài nguyên khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác theo danh mục do Chính phủ quy định, đại biểu nêu ví dụ về ngành than-khoáng sản đã xuất khẩu các mặt hàng: than, alumin, hydrat… cũng đã qua sơ chế, chế biến, cần xác định cụ thể có phải tài nguyên khoáng sản đã chế biến thành sản phẩm khác hay chưa để xác định tỉ lệ phân bổ thuế giá trị gia tăng hoặc là đối tượng không chịu thuế. Đại biểu đề nghị cần có danh mục chi tiết để xác định rõ các sản phẩm nào chịu thuế hay không chịu thuế.
Tại điều 8 về thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng, đại biểu đề nghị quan tâm đến thời điểm tính chênh lệch tỉ giá giữa các nhà máy điện. Tại điều 14, về các trường hợp hoàn thuế, đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc quy định xác định thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa dịch vụ xuất khẩu để luật hóa theo quy định của Bộ Tài Chính.
Cho ý kiến đối với dự án Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng việc tổ chức hành nghề công chứng cần phải làm rõ quy định về hình thức hợp danh. Ngoài ra cần bỏ quy định không được thay đổi trụ sở ra khỏi địa bàn cấp huyện để tạo điều kiện hoạt động cho đơn vị công chứng. Đại biểu cũng đề nghị làm rõ các giải pháp để nâng cao chất lượng công chứng viên.
Ngoài ra, đối với việc quy định bổ sung thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kết quả tập sự của công chứng viên, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn về sự cần thiết đối với quy định này. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng cần xem xét, cân nhắc các quy định về: Cấm quảng cáo; cấm tổ chức hành nghề công chứng… rà soát các điểm quy định với các luật khác để đảm bảo tính liên thông, thống nhất.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()