Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:40 (GMT +7)
Thảo luận ở hội trường về dự kiến xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021
Thứ 4, 21/07/2021 | 18:00:59 [GMT +7] A A
Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 21/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung làm việc.
Tiếp tục đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, nhiệm kỳ vừa qua, công tác lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có nhiều đổi mới, không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng; yêu cầu đối với việc lập đề nghị xây dựng dự án đưa vào Chương trình chặt chẽ hơn. Vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc thẩm tra dự án ngay từ khâu lập đề nghị đưa vào Chương trình ngày càng được phát huy. Công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ, giữa các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và cơ quan, tổ chức có liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn… Nhờ đó, phần lớn các dự án được đưa vào Chương trình để trình Quốc hội xem xét, thông qua đã bảo đảm tiến độ, có dự án vượt tiến độ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lập và triển khai Chương trình vẫn còn những hạn chế như: việc điều chỉnh Chương trình vẫn còn nhiều, trong đó có không ít dự án được đề nghị bổ sung gần sát kỳ họp Quốc hội, có dự án được đưa vào Chương trình nhưng nội dung chưa đạt được sự đồng thuận, còn nhiều ý kiến khác nhau, phải lùi tiến độ trình Quốc hội hoặc đưa ra khỏi Chương trình để tiếp tục chuẩn bị. Việc gửi hồ sơ dự án cho cơ quan thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội nhiều trường hợp chưa bảo đảm thời gian theo quy định...
Những hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan do trong quá trình phát triển có nhiều vấn đề mới đặt ra, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do tổ chức thực hiện chưa tốt; kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm. Trong lập đề nghị xây dựng luật, một số cơ quan được giao chủ trì chuẩn bị chưa thực sự chủ động, thiếu sự quan tâm, đầu tư thoả đáng; chưa tuân thủ đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Lãnh đạo một số Bộ, cơ quan chưa trực tiếp chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng pháp luật mà giao phó, ủy quyền cho cấp dưới…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chỉ rõ, đây là những vấn đề đã tồn tại từ nhiều năm nhưng chưa được khắc phục triệt để. Vì vậy, đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần tiếp tục đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cơ quan mình; có giải pháp cụ thể, thiết thực để phát huy các kết quả tích cực đã đạt được, khắc phục hạn chế, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Tán thành cao với dự kiến Chương trình năm 2022 và điều chỉnh Chương trình năm 2021
Theo Tờ trình, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 sau khi điều chỉnh, bổ sung như sau: Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (tháng 7/2021) thông qua 01 dự thảo Nghị quyết; Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021) thông qua 01 dự án luật theo quy trình tại một kỳ họp; cho ý kiến 05 dự án luật khác.
Về dự kiến Chương trình năm 2022 cụ thể như sau: Tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) thông qua 05 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 và dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 ; cho ý kiến 05 dự án luật khác.
Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) thông qua 04 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3; cho ý kiến 02 dự án luật khác (trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cho ý kiến lần 2).
Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự nhất trí cao với dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Đồng thời, các đại biểu cũng cho rằng cần sớm cụ thể hoá, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là văn kiện, nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống, cần đề cao công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn hệ thống chính trị. Vì vậy, cần tập trung trí tuệ của các cơ quan, tổ chức có liên quan vào việc chuẩn bị cũng như triển khai thực hiện Chương trình.
Đi vào cụ thể, đại biểu Nguyễn Anh Trí- Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, tán thành cao với việc ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án nhằm kịp thời triển khai thực hiện văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, các nghị quyết của Hội nghị Trung ương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thực hiện các cam kết quốc tế; tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp; bảo đảm phù hợp, thống nhất với các luật, nghị quyết của Quốc hội mới được ban hành; đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, đại biểu Nguyễn Anh Trí và một số đại biểu cho rằng, nên chăng cần có một văn bản của Quốc hội quy định cụ thể về vấn đề phòng, chống dịch Covid-19 một cách mạnh mẽ, hiệu quả. Hoặc đưa vào Chương trình những Luật có liên quan đến vấn đề phòng chống dịch bệnh như Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân và Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm …
Tham gia phát biểu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa- Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh, đề nghị quan tâm đến hành lang pháp luật về hội nhập vì thời gian vừa qua chúng ta tham gia nhiều sân chơi chung, ký kết nhiều Hiệp định, Công ước. Do đó đề nghị sửa đổi, cải tiến thêm hệ thống pháp luật về trọng tài và hòa giải thương mại để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trong thực tiễn.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị không bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội; không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình những dự án chưa bảo đảm chất lượng, không bảo đảm hồ sơ theo quy định. Không lạm dụng hình thức văn bản nghị quyết để sửa luật. Việc đề xuất xây dựng một luật sửa nhiều luật phải được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế để thúc đẩy sự phát triển nhưng không tạo ra những khó khăn phức tạp mới trong hệ thống pháp luật và trong quá trình thực hiện.
Nên thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) theo quy trình 3 kỳ họp
Cho ý kiến cụ thể về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Tô Văn Tám- Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, chỉ ra rằng, dự án Luật này cần tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa kịp thời những vấn đề được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Kết luận của Trung ương sau khi tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW và tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp một cách thận trọng, kỹ lưỡng trong quá trình soạn thảo để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Đại biểu nêu rõ, đây là một dự án Luật đang được cử tri và nhân dân quan tâm, sự thận trọng trong việc thông qua 3 kỳ họp là có cơ sở bởi tính phức tạp và nội dung rộng lớn của vấn đề. Trên thực tế việc quản lý và sử dụng đất đai cho thấy đất đai chưa được quản lý tốt, vẫn còn tiêu cực xảy ra. Do đó, đề nghị thông qua Luật này theo quy trình 3 kỳ họp là hợp lý.
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, bày tỏ sự tán thành cao việc đưa dự án Luật Đất đai vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Đây là dự án Luật quan trọng, cần nghiên cứu thận trọng, lỹ lưỡng. Vì vậy, thống nhất xem xét thông qua tại ba kỳ họp.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, việc thông qua một dự án luật trong 2 kỳ họp hay 3 kỳ họp thì phụ thuộc nhiều vào chất lượng chuẩn bị hồ sơ Dự án luật. Do đó, nếu khả năng chuẩn bị Dự án luật tốt, khẩn trương thì có thể đẩy nhanh hơn tiến trình thông qua luật, đảm bảo luật có hiệu quả đưa và đưa vào thực tiễn một cách sớm nhất.
Kết luận một số nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, sau thời gian thảo luận khẩn trương, sôi nổi, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Đồng thời, các đại biểu cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực, đề xuất thêm nhiều biện pháp để tiếp tục đổi mới phương pháp xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ xây dựng các dự án luật, pháp lệnh trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cơ quan chủ quản đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, soạn thảo một số dự án luật nhằm đáp ứng yêu cầu thể chế hóa Văn kiện Nghị quyết đại hội XIII của Đảng thành các văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thực hiện; đề nghị các cơ quan có liên quan cần chuẩn bị sớm các tài liệu của Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV để gửi các đại biểu Quốc hội có thời gian xem xét, tham gia ý kiến./.
Liên kết website
Ý kiến ()